Aa

Hàng loạt dự án "nóng" rơi vào "tầm ngắm" của Kiểm toán Nhà nước

Thứ Hai, 16/12/2019 - 18:26

Các dự án nóng như dự án BT thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam hay dự án đường sắt đô thị Hà Nội đều trong diện kiểm toán 2020.

Kế hoạch kiểm toán năm 2020 của Kiểm Toán Nhà nước cho biết sẽ có 158 cuộc kiểm toán, trong đó có 57 cuộc kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước tại các bộ, cơ quan trung ương và 40 tỉnh thành phố có quy mô ngân sách lớn; 9 cuộc kiểm toán hoạt động; 21 cuộc kiểm toán chuyên đề; 40 dự án đầu tư xây dựng; 16 cuộc kiểm toán các tổ chức tài chính, ngân hàng và các tập đoàn, Tổng công ty nhà nước; 9 cuộc kiểm toán lĩnh vực quốc phòng an ninh và 6 cuộc kiểm toán lĩnh vực an ninh, khối cơ quan Đảng.

Hàng loạt dự án “nóng”

Đáng chú ý, Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, dự án, Kiểm toán nhà nước sẽ thực hiện kiểm toán các dự án đầu tư đang nhận được nhiều sự quan tâm như dự án BT thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM); đầu tư xây dựng đường vành đai II, III TP. Hà Nội; các tuyến đường trên tuyến Quốc lộ 1A; tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Các dự án thủy lợi gồm Hồ chứa nước Đồng Mít; Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ; hồ chứa nước Sông Lũy, Bắc sông Chu - Nam sông Mã; đập ngăn mặn sông Hiếu; hồ chứa nước Mỹ Lâm; hồ chứa nước sông Chò I; dự án vệ sinh môi trường TP.HCM; Đường dây 500kV Long Phú - Ô Môn; Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Sông Hậu 1...

Kiểm toán nhà nước cũng sẽ thực hiện 15 cuộc kiểm toán tại Ngân hàng nhà nước, 12 tập đoàn, tổng công ty nhà nước và 3 ngân hàng thương mại.

Trọng tâm kiểm toán tại 12 tập đoàn, tổng công ty nhà nước là đánh giá thực trạng công tác quản lý tài chính và cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước tại các đơn vị được kiểm toán.

Ảnh minh họa.

Các đơn vị nằm trong kế hoạch gồm Tổng công ty xây dựng Hà Nội (Hancorp); Tổng công ty Điện lực TP.HCM; 4 tổng công ty thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tổng công ty Điện lực miền Trung; Tổng công ty hạ tầng mạng; Bảo hiểm Bảo Minh; Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico); Tổng công ty đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị (UDIC); Tổng công ty địa ốc Sài Gòn (Resco); Tổng công ty cấp nước Sài Gòn; Tổng công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn; Tổng công ty bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam.

Ba ngân hàng nằm trong danh sách kiểm toán 2020 gồm Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng Chính sách xã hội.

Trọng tâm cuộc kiểm toán tại 3 ngân hàng là báo cáo tài chính, xác định thực trạng sở hữu chéo, nợ xấu, đặc biệt việc triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu và kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng và việc thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Tập trung những bộ, cơ quan quy mô ngân sách lớn

Trong lĩnh vực ngân sách nhà nước, ngoài kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 tại Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện việc kiểm toán 16 bộ, cơ quan trung ương và 40 tỉnh, thành trực thuộc trung ương.

Kiểm toán Nhà nước tập trung kiểm toán các bộ, cơ quan trung ương có quy mô ngân sách lớn để xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán ngân sách, phục vụ công tác phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách năm 2019 của Quốc hội và HĐND các tỉnh, thành trực thuộc trung ương.

Cụ thể, tại các tỉnh, thành trực thuộc trung ương, Kiểm toán Nhà nước tập trung kiểm toán tổng hợp tại các cơ quan tài chính tổng hợp để đánh giá toàn diện công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách; xác nhận báo cáo quyết toán ngân sách địa phương.

Tại các bộ, cơ quan trung ương, Kiểm toán Nhà nước sẽ lựa chọn các bộ, cơ quan trung ương và đơn vị có quy mô ngân sách lớn để tập trung kiểm toán công tác quản lý, điều hành ngân sách; chọn mẫu một số đơn vị, dự án trọng yếu hoặc rủi ro cao nhằm đánh giá công tác điều hành thu, chi sự nghiệp, quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản và xác nhận báo cáo quyết toán của đơn vị.

Ngoài ra, sẽ có 21 cuộc kiểm toán chuyên đề gồm phát triển kinh tế vùng, việc quản lý tài nguyên, khoáng sản và một số chuyên đề về công tác quản lý thu ngân sách và quản lý đầu tư xây dựng cơ bản... nhằm đánh giá toàn diện, xuyên suốt công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Đồng thời, kết hợp thực hiện kiểm toán đối với việc phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn vốn còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và dự phòng 10% tại các bộ ngành, địa phương do Quốc hội giao.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước mới được thông qua tại kỳ họp vừa qua đã bổ sung quyền truy cập, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử cho Kiểm toán nhà nước.

Cụ thể, khi thực hiện kiểm toán, được quyền truy cập, khai thác hoặc ủy quyền bằng văn bản theo quy định của pháp luật cho thành viên đoàn kiểm toán truy cập, khai thác trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán để thu thập thông tin, tài liệu liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán dưới sự giám sát về phạm vi truy cập, khai thác của đơn vị được kiểm toán và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; việc truy cập dữ liệu phải tuân thủ quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm bảo vệ bí mật, bảo mật, an toàn theo quy định của pháp luật.

Luật cũng bổ sung quy định về quyền của đơn vị được kiểm toán. Đơn vị được kiểm toán có thể khiếu nại về hành vi của thành viên đoàn kiểm toán trong quá trình thực hiện kiểm toán khi có căn cứ cho rằng hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Khiếu nại về đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị kiểm toán trong báo cáo kiểm toán, thông báo kết quả kiểm toán khi có căn cứ cho rằng đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị kiểm toán đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top