Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố Báo cáo “Tình hình quản lý Nhà nước về đất đai”. Theo đó, trong quý I/2018, tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và xử lý 51 trường hợp tự ý san gạt đất lâm nghiệp và san lấp trên đất nông nghiệp. UBND các xã và UBND huyện Vân Đồn cũng đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn, lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ xe máy chuyên dụng… đồng thời đang thực hiện thủ tục thu hồi đất đối với một số trường hợp vi phạm, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra xử lý 1 vụ việc.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cũng đã dừng làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất của 29 trường hợp; trục xuất ra khỏi địa bàn huyện Vân Đồn 13 sàn giao dịch bất động sản không đủ điều kiện hành nghề theo quy định.
“Đến nay, đã cơ bản kiểm soát được tình hình quản lý, sử dụng đất đai; không để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng; không có hồ sơ đề nghị chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích đất rừng, đất lâm nghiệp, đất ao, vườn liền kề của các tổ chức, cá nhân; không có tình trạng phân lô, bán nền trái phép trên đất nông nghiệp hoặc xây dựng trái phép công trình, xây dựng không đúng quy hoạch xây dựng”, báo cáo cho hay.
Cũng theo báo cáo của các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang, sau khi có thông tin về việc chuẩn bị thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, tình hình thực hiện thủ tục chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất tại cơ quan nhà nước thuộc các địa phương đã tăng đáng kể.
Cụ thể, tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa (nơi dự kiến thành lập đặc khu Bắc Vân Phong), năm 2017 có 1.467 trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất với tổng diện tích 258,8ha và 215 trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất.
Trong 4 tháng đầu năm 2018, số lượng trường hợp chuyển nhượng đã tăng vọt lên con số 1.859 với tổng diện tích 356ha. Ngoài ra, huyện Vạn Ninh còn có 162 trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó chủ yếu là chuyển nhượng, chuyển mục đích từ đất rừng sản xuất và đất nuôi trồng thủy sản, đất sản xuất nông nghiệp.
Tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh (nơi dự kiến thành lập đặc khu Vân Đồn), năm 2016 có 684 trường hợp hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Năm 2017 có 1.625 trường hợp hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Quý I/2018 có 519 trường hợp hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang (nơi dự kiến thành lập đặc khu Phú Quốc), từ ngày 1/1/2017 đến 30/4/2018 có 5 tổ chức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với tổng diện tích 8,5 ha. Bên cạnh đó có 12.268 hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, với tổng diện tích 699,96ha.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng vi phạm trong sử dụng đất đai trên phạm vi các khu vực dự kiến thành lập đặc khu có diễn biến phức tạp.
Đặc biệt là tại Phú Quốc, tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trái phép sang đất phi nông nghiệp; tình trạng lấn chiếm đất đai (nhất là lấn, chiếm đất rừng); tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không làm thủ tục theo quy định, mua bán trao tay, trong đó đa phần là đất không có giấy tờ, không rõ nguồn gốc; trình trạng san lấp, phân lô, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp… diễn ra phức tạp./.