Aa

Hàng loạt giải pháp cấp bách bảo đảm TTATGT

Thứ Ba, 22/01/2019 - 03:10

Các giải pháp cấp bách bảo đảm TTATGT được đưa ra như: siết chặt quy định về cấp lại giấy phép lái xe ô tô; Lập chuyên án điều tra, xử lý tiêu cực trong cấp Giấy phép lái xe; Xét nghiệm ma tuý đối với lái xe kinh doanh vận tải.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGTQG tại buổi họp về triển khai giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự ATGT trong thời gian tới.

Theo đó, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu các địa phương thành lập ngay Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong kinh doanh vận tải đối với toàn bộ các đơn vị kinh doanh vận tải; trong quý I/2019 hoàn thành kiểm tra các đơn vị có phương tiện gây tai nạn giao thông trong năm 2018.

Đồng thời, lập kế hoạch cụ thể khám sức khoẻ toàn bộ lái xe kinh doanh vận tải thuộc các đơn vị do Sở Giao thông vận tải tỉnh, thành phố cấp Giấy đăng ký kinh doanh, hoàn thành trong quý II/2019.

Do ngay trong những ngày đầu năm 2019, tình hình trật tự an toàn giao thông đã diễn ra hết sức phức tạp, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, nhất là các xe hoạt động kinh doanh vận tải (xe tải, xe chở khách, xe container), làm chết và bị thương nhiều người.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ tai nạn giao thông là do ý thức chấp hành pháp luật của lái xe, chủ xe, chủ hàng và người tham gia giao thông, nhất là tình trạng sử dụng chất kích thích (rượu bia, ma túy…) trước khi lái xe; bên cạnh đó, còn tồn tại một số bất cập liên quan đến công tác phối hợp thi hành nhiệm vụ của các cơ quan chức năng tại các Bộ, ngành, địa phương.

Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành Kế hoạch cấp bách để triển khai các nhiệm vụ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn; trong đó lưu ý giao trách nhiệm cụ thể đối với từng cá nhân đơn vị liên quan, có lộ trình triển khai rõ ràng cũng như công tác kiểm tra, giám sát tiến độ; có báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện theo tháng, quý.

Siết chặt quy định về cấp lại giấy phép lái xe ô tô

Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục xử lý các điểm đen về tai nạn giao thông; tổ chức và vận động các đoàn thể địa phương tham gia cảnh giới tại các vị trí đường dân sinh, lối đi tự mở qua đường sắt, kiên quyết không để xảy ra tai nạn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt.

Hàng loạt giải pháp cấp bách bảo đảm TTATGT

Kiểm soát nồng độ cồn đối với lái xe là nhiệm vụ trọng tâm được Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo tổng kiểm tra, siết chặt công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe trên toàn quốc, tập trung vào một số cơ sở sở đào tạo, sát hạch có biểu hiện vi phạm; có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm (nếu có). Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi quy định về cấp lại giấy phép lái xe ô tô, quy định trước khi cấp lại Giấy phép lái xe do bị mất hoặc hư hỏng phải được Cục Cảnh sát giao thông hoặc Phòng Cảnh sát giao thông cấp tỉnh xác nhận Giấy phép lái xe không bị tạm giữ do vi phạm quy định pháp luật; quy định đối với tất cả các trường lái xe từ bằng B2 trở lên bắt buộc về sát hạch lại lý thuyết khi bị tước Giấy phép lái xe từ 1 tháng trở lên, sát hạch lại thực hành khi tước Giấy phép lái xe từ 6 tháng trở lên, học và sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành để cấp đổi Giấy phép lái xe đối với lái xe bị tước Giấy phép lái xe từ 24 tháng trở lên hoặc khi gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; không cấp, cấp lại giấy phép lái xe cho người điều khiển xe phương tiện cơ giới đường bộ vi phạm quy định pháp luật dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian 5 năm kể từ thời điểm xảy ra tai nạn giao thông; chỉ đạo Thanh tra Bộ và các Sở Giao thông vận tải sử dụng thông tin về bằng lái xe vi phạm bị tạm giữ tại cơ quan Công an để kiểm tra nhằm phát hiện những trường hợp xin cấp lại bằng lái trong thời gian bằng lái bị tạm giữ do vi phạm, yêu cầu huỷ kết quả sát hạch, thu hồi Giấy phép lái xe đã cấp; xử lý và kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân trong cơ quan cấp bằng lái có liên quan.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh công tác kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo đúng quy định của pháp luật.

Lập chuyên án điều tra, xử lý tiêu cực trong cấp Giấy phép lái xe

Phó Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc duy trì việc thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người lái xe và quy định về mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện trong cả năm 2019.

Ngoài ra, Bộ Công an chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lập chuyên án điều tra và xử lý các tổ chức, cá nhân làm giả Giấy khám sức khoẻ cho người học lái xe, làm giả Giấy phép lái xe hoặc có hành vi gian lận, tiêu cực trong đào tạo, sát hạch Cấp Giấy phép lái xe và khám sức khoẻ cho người học lái xe. Chỉ đạo Công an các cấp phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân khởi tố, điều tra, xét xử điểm một số vụ án hình sự do vi phạm quy định của pháp luật về nhật tự an toàn giao thông gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, điển hình là vụ tai nạn giao thông do vi phạm nồng độ cồn tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An…

Xét nghiệm ma tuý đối với lái xe kinh doanh vận tải

Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị của Bộ và Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Công an tỉnh, thành phố phục vụ công tác xét nghiệm ma tuý, chất kích thích thần kinh và nồng độ cồn đối với lái xe kinh doanh vận tải; tổ chức tổng kiểm tra công tác khám và cấp Giấy khám sức khoẻ cho người lái xe và người học lái xe trên toàn quốc, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm quy định; phối hợp với ngành Giao thông vận tải thực hiện nghiêm công tác khám sức khoẻ định kỳ đối với lái xe kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh, xét nghiệm ma tuý đối với toàn bộ lái xe được khám sức khoẻ.

Yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn quốc thực hiện kiểm tra chất ma tuý và nồng độ cồn đối với toàn bộ nạn nhân cấp cứu do tai nạn giao thông.

Bộ Tài chính nghiên cứu bổ sung quy định về mức bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với chủ xe cơ giới theo hướng tăng cao mức bảo hiểm với xe gây ra tai nạn giao thông, chủ xe trực tiếp điều khiển hoặc để người khác điều khiển bị lực lượng chức năng xử phạt tước bằng lái xe từ 1 tháng trở lên; giảm mức bảo hiểm với các chủ xe cơ giới có xe không gây ra tai nạn giao thông trong kỳ bảo hiểm trước. Bổ sung quy định xử phạt đối với các doanh nghiệp bảo hiểm không hoàn thành chi trả bảo hiểm đối với khách hàng đúng thời hạn.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, có trọng tâm, trọng điểm đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; giới thiệu những tâm gương, điển hình trong việc chấp hành quy định của pháp luật về giao thông, đồng thời phê phán những thói xấu, hành vi vi phạm của người tham gia giao thông.

Bảo đảm an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán

Để đảm bảo an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, Phó Thủ tướng giao Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Chỉ đạo các đơn vị chức năng bố trí tối đa lực lượng, phương tiện nghiệp vụ để thực hiện ngay đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trên toàn quốc từ nay đến hết ngày 10 tháng 02 năm 2019. Tập trung kiểm tra và xử lý nghiêm đối với hành vi không đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe đạp điện, không thắt dây an toàn đối với người đi ô tô, nhất là tại các đô thị lớn; vi phạm về kích thước và tải trọng xe, nồng độ cồn, chất ma túy đối với lái xe; đặc biệt lưu ý đối với xe kinh doanh vận tải khối lượng lớn như xe chở khách trên 8 chỗ ngồi, xe siêu trường siêu trọng, xe container... Có biện pháp xử lý nghiêm đối với vi phạm của cả lái xe, chủ xe, chủ hàng.

Bộ Công an, Bộ Giao thông tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo đúng quy định của pháp luật; không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong các lực lượng chức năng, làm mất uy tín, hình ảnh của ngành và lực lượng thi hành công vụ.

Các Bộ, ngành, địa phương, đoàn thể chỉ đạo cán bộ, công chức của mình tuyệt đối không can thiệp vào quá trình thực thi công vụ trong tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của lực lượng chức năng; đồng thời thực hiện công khai danh tính cán bộ, công chức cố tình can thiệp (nếu có).

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top