Aa

Hàng loạt ngân hàng "dính" đến đại án Phạm Công Danh và Trầm Bê như thế nào?

Thứ Hai, 07/08/2017 - 06:01

Ngoài ông Trầm Bê, Phan Huy Khang, 15 người là cựu cán bộ các ngân hàng TP Bank, BIDV,... bị xác định liên đới trong việc ông Phạm Công Danh gây thất thoát tiền của VNCB. Những người này bị bắt giam về hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngày 1/8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46 - Bộ Công an) bắt tạm giam ông Trầm Bê (58 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch HĐTD Ngân hàng Sacombank) về hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo buộc cùng hành vi, ông Phan Huy Khang (nguyên thành viên hội đồng tín dụng, nguyên Tổng giám đốc Sacombank) và 15 người là cựu cán bộ các ngân hàng TPBank, BIDV, giám đốc các công ty... cũng bị bắt giam 4 tháng.

Chín người khác bị khởi tố, song được tại ngoại.

Nhà chức trách cũng thực hiện việc khám xét nơi ở của ông Bê và ông Khang tại Sài Gòn, tiếp tục làm rõ sai phạm của nhiều người liên quan.

Động thái này được Bộ Công an đưa ra trong tiến trình điều tra giai đoạn hai, của đại án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB, Tập đoàn Thiên Thanh) gây thất thoát tổng cộng hơn 15.000 tỷ đồng.

Theo hồ sơ của cơ quan điều tra, để có nguồn tiền thanh toán khoản vay 1.700 tỉ đồng tại ngân hàng BIDV, ngày 19/4/2013, Phạm Công Danh, Chủ tịch HĐQT ngân hàng Xây dựng (VNCB) cùng Phan Thành Mai - nguyên tổng giám đốc VNCB, Mai Hữu Khương - Thành viên HĐQT của VNCB, Nguyễn Quốc Viễn - Trưởng ban kiểm soát của VNCB đến ngân hàng Sacombank liên hệ vay tiền.

Ông Danh là người trực tiếp đến gặp ông Trầm Bê (Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank) để đề nghị ông Trầm Bê cho vay tiền.

Ông Trầm Bê - Ảnh: Quang Định.

Ông Trầm Bê. Ảnh: Quang Định.

Do có mối quan hệ với ông Danh từ trước và biết rõ ông Danh không thể vay tiền của VNCB nên ông Trầm Bê đã đồng ý cho ông Danh vay 1800 tỷ đồng với tài sản bảo đảm là tiền gửi của VNCB tại Sacombank.

Sau đó, ông Trầm Bê trực tiếp dắt ông Phạm Công Danh sang gặp ông Phan Huy Khang (Tổng giám đốc Sacombank) và chỉ đạo ông Khang cho Danh vay 1800 tỷ đồng.

Sacombank đã thực hiện việc cho 6 công ty ma của Phạm Công Danh vay 1.800 tỷ đồng. Về việc cho vay này, ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang đã có lời khai cụ thể trong kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an.

Chỉ trong vòng 5 ngày kể từ ngày đầu tiên Phạm Công Danh sang gặp Trầm Bê, đến ngày 24/4/2013 thì việc cho vay đối với 6 công ty của Phạm Công Danh đã hoàn tất.

Toàn bộ số tiền 1.800 tỉ đã được chuyển vào tài khoản của Phạm Công Danh. Ông Danh sử dụng số tiền này để trả nợ cho BIDV và sử dụng việc cá nhân.

Phạm Công Danh tại tòa.

Ông Phạm Công Danh tại tòa.

Một năm sau, do 6 công ty của ông Danh không trả tiền, Sacombank lập tức trừ nợ 1.800 tỷ đồng gốc và 35 tỷ tiền lãi từ tài khoản tiền gửi của VNCB tại nhà băng mình.

Cơ quan điều tra xác định, trong phi vụ này ông Trầm Bê có chủ trương "giải ngân trước bổ sung chứng từ sau", giúp ông Danh gây thất thoát 1.800 tỷ đồng của VNCB.

Tương tự, tháng 9/2013 ông Danh gặp lãnh đạo Ngân hàng BIDV này tại Hà Nội xin vay 4.700 tỷ đồng cho "12 doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng". Ông Danh lấy lý do "VNCB trong thời gian tái cơ cấu không có khả năng cho vay nên giới thiệu sang BIDV". Để đảm bảo, ông Danh sẽ dùng tài sản của VNCB thế chấp.

Thực chất các công ty này do ông Danh lập ra, thuê nhân viên của mình đứng tên làm giám đốc. Sau khi được giải ngân, ông Danh chỉ đạo chuyển tiền lòng vòng trước khi về tài khoản của VNCB để tăng vốn điều lệ dưới danh nghĩa cổ đông mua cổ phần.

Để hợp thức hóa việc rút tiền của VNCB, ông Danh cũng chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ vay 1.666 tỷ đồng của TPBank. Do các công ty này đã đứng tên vay vốn tại Sacombank nên ông Danh nhờ Phan Thành Mai (Tổng giám đốc VNCB) mượn pháp nhân của 11 công ty khác vay.

Sau khi được TP Bank giải ngân, các công ty đã chuyển toàn bộ tiền cho Tập đoàn Thiên Thanh. Ông Danh rút ra trả nợ bà Hứa Thị Phấn (mua TrustBank), trả nợ cũ cho Tập đoàn Thiên Thanh, chi chăm sóc khách hàng... Số tiền này không có khả năng thu hồi, gây thiệt hại cho VNCB 1.740 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra cho rằng, quá trình thẩm định và ký duyệt các hồ sơ cho vay, các cán bộ của TPBank, BIDV, Sacombank có vi phạm pháp luật nhưng chưa gây thiệt hại cho nhà băng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top