Aa

Hàng loạt nhà ở thành chung cư mini không phép, lãnh đạo bảo sai không đáng kể

Thứ Hai, 06/04/2020 - 18:30

Nhiều ngôi nhà được “hô biến” thành chung cư mini không còn là việc mới lạ ở phường Yên Hoà và Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Song các cơ quan chức năng có nắm bắt và xử lý hay không lại là câu chuyện dài tập.

Lời dẫn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.

Tỷ lệ thuận với nhu cầu nhà ở tăng cao của người dân, các chung cư mini nhanh chóng mọc lên như nấm trên địa bàn quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Tuy nhiên, phần lớn các chung cư mini tại khu vực này vẫn đang tồn tại rất nhiều sai phạm về trật tự xây dựng, ảnh hưởng đến quy hoạch đô thị.

Việc chạy theo lợi nhuận kinh tế, mong muốn tiết kiệm chi phí đầu tư nên hàng loạt nhà ở riêng lẻ đã biến tướng thành chung cư mini, bất chấp tiến hành xây dựng sai phép. Theo ghi nhận của PV, hầu hết các công trình xây dựng tại địa bàn này có kiến trúc lộn xộn, tự ý nâng chiều cao, chia nhỏ căn hộ để bán, cho thuê, thậm chí biến tầng lửng và tầng tum thành các căn hộ.

Chỉ cần gõ tìm kiếm "thuê chung cư mini Cầu Giấy" trong thời gian 0,37s google đã cho khoảng 865.000 kết quả

Theo thông tin cư dân phản ánh tại địa bàn phường Yên Hoà, phường Dịch Vọng Hậu, thuộc quận Cầu Giấy, việc xây dựng công trình có nhiều dấu hiệu sai phạm như vượt chiều cao, sai mật độ, phá vỡ quy hoạch đô thị.... Nhiều công trình nhà ở sau khi hoàn thiện đi vào sử dụng lại được chủ hộ cho khách thuê dạng chung cư mini nhưng không bị xử lý đang khiến cư dân vô cùng bức xúc.

Qua thông tin người dân phản ánh, phóng viên (PV) đã ghi nhận thực tế. Tại địa chỉ 27/55/318 đường Nguyễn Khang, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, đang gấp rút hoàn thiện với chiều cao vượt chội gồm 7 tầng, 1 tum. Theo ông Trung chủ công trình cho biết: "Giấy phép thì là giấy phép xây nhà ở. Xây cố lên để 2 tầng trên ở, còn 5 tầng ở dưới cho thuê dạng chung cư mini”.

Công trình có địa chỉ 27/55/318 Nguyễn Khang, Yên Hoà, Cầu Giấy xin giấy phép xây dựng nhà ở nhưng lại được chủ nhà đang gấp rút hoàn thiện đưa vào làm chung cư mini cho thuê...
Ngày 26/02/2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo thành phố làm việc với Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo kiên quyết xử lý và xử lý triệt để các vi phạm về đất đai, xây dựng trái phép, thu hồi các dự án có sử dụng đất nhiều năm không triển khai; có giải pháp bảo vệ môi trường trên địa bàn, giảm thiểu ô nhiễm không khí, ô nhiễm các con sông, nguồn nước, thực hiện phân loại xử lý rác thải, đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành…
Công trình nằm cuối ngách 55/318 đường đi rất hẹp nhưng vật liệu xây dựng đồ tràn ngay trước công trình gây ảnh hưởng đến giao thông, làm mất mĩ quan đô thị...

Cũng tại địa bàn phường Yên Hoà, ngay tại cổng đình Hạ Yên loạt chung cư mini sau khi xây dựng xong đã treo biển cho thuê với giá mỗi căn từ 3.000.000 VNĐ đến 5.000.000 VNĐ. Chị P.T.K.G, tại phường Yên Hoà cũng chia sẻ: “Rất nhiều nhà ở sau khi xây dựng xong liền treo biển cho thuê chung cư mini. Công trình xây dựng nhà dân chỉ cần đổ một xe cát tràn ra đường thì bị cán bộ phường nhắc nhở, nhưng ở đây những công trình được cho là có “quan hệ” thì vô tư xây dựng…. Còn phòng cháy chữa cháy thì cứ nhưng nhìn cái chung cư như kia thì thoát hiểm thế nào lúc cháy”.

Ngay tại cổng đình Hạ Yên, phường Yên Hoà loạt chung cư mini sau khi xây dựng xong đã treo biển cho thuê và cho người thuê vào ở
Cư dân đình Hạ Yên cho biết: Công trình nằm cách UBND phường Yên Hoà không xa nhưng được xây dựng cao hơn so với quy hoạch tại đây là 5 - 6 tầng. Từ nhà ở biến tướng thành chung cư mini mà chưa thấy có cơ quan chức năng nào xử lý.

Tại địa bàn phường Dịch Vọng Hậu, loạt công trình có địa chỉ 84/44/37; 20/64/44 Trần Thái Tông; số 1A Ngõ Đa Lộc, ngách 123/24 đường Xuân Thuỷ đã và đang hoàn thiện và đi vào sử dụng. Các toà nhà đều có chiều cao từ 7-8 tầng, không có thang thoát hiểm phòng cháy chữa cháy.

Theo số liệu thống kê của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân số hiện tại ở quận Cầu Giấy là 28,5 vạn dân - vượt mức quy hoạch dân số theo (Theo quy hoạch đến năm 2025 tầm nhìn 2030) là 28 vạn dân. Trong khi đó, số liệu thống kê trên chưa tính đến 9 vạn học sinh, sinh viên của các trường Cao đẳng, đại học; 7000 người nước ngoài đang sinh sống trên địa bàn quận Cầu Giấy. Với mật độ dân số lớn như vậy thì hiển nhiên nhu cầu thuê/mua nhà ở cũng gia tăng theo tỷ lệ thuận.
Công trình có địa chỉ 84/44/37 đường Trần Thái Tông, Dịch Vọng Hậu đang được hoàn thiện đưa vào sử dụng làm chung cư mini...
20/64/44 Trần Thái Tông công trình xây dựng làm chung cư mini nhưng không hề có thang thoát hiểm đảm bảo phòng cháy chữa cháy...

Bên cạnh đó, những vấn đề liên quan đến thủ tục cấp phép, bán, cho thuê cũng như vấn đề đưa công trình đi vào hoạt động cần phải làm sáng tỏ.

Theo thông tin cư dân sinh sống ở các địa chỉ trên đã nhiều lần kiến nghị đến UBND phường Yên Hoà, phường Dịch Vọng Hậu, UBND Quận Cầu Giấy nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn, phương án khắc phục tồn tại. Cư dân vô cùng bức xúc và lo lắng về tình trạng mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường, không gian sống bị ảnh hưởng.

Số 1A Ngõ Đa Lộc, ngách 123/24 đường Xuân Thuỷ, công trình nhà ở nhưng đang được chủ hộ cho thuê dạng chung cư mini

Trước những thông tin này, PV liên hệ đến chính quyền sở tại để làm rõ về việc cấp phép, quản lý xây dựng. Trong buổi làm việc với ông Đỗ Ngọc Anh - Chủ tịch phường Yên Hoà cho biết những công trình nêu trên đều có giấy phép xây dựng, nhưng là hộ gia đình xin xây dựng nhà riêng.

Sau đó, PV được hướng dẫn đến gặp ông Nguyễn Xuân Quang - Phó chủ tịch UBND phường Yên Hòa để được cung cấp thông tin. Ông Quang cho biết, do mới nhận nhiệm vụ tại phường, nên cũng không nắm rõ. Theo ông Quang, các công trình nêu trên có sai, nhưng sai không đáng kể.

Không thể trả lời PV về các giấy tờ pháp lý, ông Quang giới thiệu PV đến gặp ông Vịnh tổ trưởng tổ Thanh tra xây dựng (TTXD) để được cung cấp giấy phép xây dựng liên quan các công trình. Tuy nhiên, ông Vịnh từ chối cung cấp thông tin cho PV. Theo ông Vịnh việc cung cấp tài liệu ông không làm được theo chỉ đạo của chủ tịch phường và ông Vịnh không có trách nhiệm.

Phải chăng cán bộ TTXD đang đùn đẩy trách nhiệm và "làm khó" phóng viên tiếp cận thông tin về sai phạm xây dựng trên địa bàn?

Tiếp tục liên hệ đến UBND phường Dịch Vọng Hậu nhưng đến nay PV chưa có thông tin phản hồi.

Trước thực trạng nhà ở riêng được chuyển đổi mục đích sử dụng, kéo theo nhiều hệ luỵ về đời sống, an ninh trật tự xã hội rất cần các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc. Không những thế, UBND quận Cầu Giấy cũng cần làm rõ trách nhiệm đơn vị quản lý để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng, phá vỡ quy hoạch đô thị.

Khoản 4 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định:

“4. Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp (trừ trường hợp quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 7 Điều này) đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới như sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị;

b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, điểm c khoản này;

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.”

Ngoài ra thì còn bị áp dụng biện pháp bổ sung và khắc phục hậu quả theo quy định 11 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP:

“11. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Buộc bổ sung phương tiện che chắn theo quy định và khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu và bồi thường thiệt hại đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này;

d) Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 2, khoản 4, khoản 5 (mà hành vi vi phạm đã kết thúc), khoản 6 và khoản 7 Điều này.”


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top