Giá cà rốt chỉ còn 3 - 4 nghìn đồng/kg, chưa bằng ½ các năm trước nhưng vẫn vắng bóng thương lái tới mua. Nông dân trồng cà rốt như ngồi trên đống lửa khi Tết Nguyên đán đã cận kề.
Giá cà rốt tại xã Thái Tân, Đức Chính giảm hơn ½ so với các năm, nhưng tốc độ tiêu thụ quá chậm (Ảnh: Lê Bền) |
Sông Thái Bình chảy qua tỉnh Hải Dương đã ban tặng những dải phù sa cực kỳ màu mỡ thuộc các huyện như Nam Sách, Cẩm Giàng. Cây cà rốt đã gắn bó và trở thành một nghề truyền thống với nông dân các xã ven sông như Đức Chính (huyện Cẩm Giàng), Thái Tân (huyện Nam Sách).
Với diện tích cà rốt vụ đông thường xuyên duy trì khoảng 200ha ở xã Thái Tân và trên 360ha ở xã Đức Chính, đây là 2 vựa cà rốt có thể nói là lớn nhất miền Bắc hiện nay, với trình độ thâm canh, cho năng suất, chất lượng hàng đầu. Thế nhưng, vấn đề tiêu thụ cho củ cà rốt thì vẫn luôn là mối lo ngay ngáy trong lòng nông dân. Vụ cà rốt năm nay, mối lo ấy lại đang hiển hiện trước mặt, khi mà đã tới vụ thu hoạch, hàng nghìn ha cà rốt vẫn ê hề, vắng tanh thương lái.
Bà Nguyễn Thị Linh, thôn Hiển Vũ, xã Đức Chính cho biết, mọi năm cà rốt được mùa, được giá, năm nay thì rớt giá khiến cho ai nấy đều buồn. Giá bán hiện tại của cà rốt tại đây trung bình là 3,5 nghìn đồng/kg. “Tới giờ rất ít thương lái tìm đến mua cà rốt. Chúng tôi đang hết sức trăn trở việc này. Chi phí giống má, mọi thứ sau khi trừ đi khéo còn lỗ”. (Ảnh: Kế Toại) |
Ngẩn ngơ trên cánh đồng cà rốt ngút tầm mắt ở bãi đất ven sông ở xã Đức Chính, ông Đặng Văn Hưng (thôn Địch Tràng) buồn rười rượi cho biết: Tầm rằm tháng Chạp như thời điểm này hàng năm, cánh đồng cà rốt của xã Đức Chính lẽ ra đã được thu hoạch vợi, xe tải thương lái khắp nơi, trong đó phần lớn là thương lái Trung Quốc đã nườm nượp đổ về. Tuy nhiên vụ cà rốt năm nay, thời điểm này đã quá lứa thu hoạch, nhưng cánh đồng cà rốt mênh mông hơn 300 ha của xã Đức Chính vẫn gần như còn nguyên vẹn. Cà rốt ở Đức Chính chủ yếu bán cho thương lái Trung Quốc. Tầm này mọi năm, mỗi ngày có tới 7 - 10 container của thương lái Trung Quốc về túc trực thu mua cà rốt. Nhưng năm nay, không hiểu sao thương lái Trung Quốc vắng bóng.
Đã quá kỳ thu hoạch, nhưng cánh đồng cà rốt bạt ngàn ở xã Đức Chính vẫn vắng tanh kẻ bán, người mua (Ảnh: Lê Bền) |
“Năm nay, lứa cà rốt sớm (gieo đầu tháng 8 âm lịch), do gặp mưa nên củ xấu, có chỗ chỉ được 6 - 7 tạ/sào, giảm 1/3 năng suất so với các năm. Đã thế, giá cà rốt vụ sớm năm nay cũng chỉ có 3.500 – 4.000 đ/kg loại đẹp. Nhà tôi đã bán 5 sào cà rốt vụ sớm, chỉ được hơn 10 triệu đồng, lỗ nặng. Còn 5 sào trà chính hiện đã quá lứa thu hoạch nhưng vẫn không thấy thương lái hỏi mua. Từ nay đến Tết, không bán được cà rốt thì gay to!” – lão nông Đặng Văn Hưng than thở.
Đối diện với xã Đức Chính ở bên kia con sông Thái Bình, vựa cà rốt hơn 200ha của xã Thái Tân (huyện Nam Sách) cũng đang chung cảnh ngộ. Nông dân ở đây cho biết, mọi năm, thương lái Trung Quốc là nguồn tiêu thụ chính cà rốt. Thời điểm chính vụ thu hoạch như hiện tại, mỗi ngày thường xuyên có từ 3 - 4 container (loại 27 tấn/xe) của thương nhân Trung Quốc về ăn hàng. Nhưng năm nay, thương nhân Trung Quốc vắng bóng nên diện tích cà rốt của xã Đức Chính hiện mới chỉ thu hoạch không đáng kể, chủ yếu cho lái buôn trong nước tiêu thụ tại miền Nam, nhưng tốc độ tiêu thụ rất chậm.
Ông Đặng Văn Hưng (thôn Địch Tràng, xã Đức Chính) bên cánh đồng cà rốt chưa có người mua (Ảnh: Lê Bền) |
Hiện nay, cây cà rốt ở Thái Tân đã được cơ giới hóa toàn bộ từ khâu làm đất, lên luống, gieo hạt. Hệ thống tưới cũng đã được nông dân đầu tư tới chân ruộng, nhưng khâu thu hoạch thì vẫn đang phải nhổ bằng tay. Mỗi sào cà rốt, nguyên công thuê người đi nhổ đã phải 700 nghìn đồng/sào. Anh Đỗ Văn Nhàn (thôn Mỹ Xá, xã Thái Tân), một hộ dân trồng hơn 2 mẫu cà rốt than thở: Đầu tư từ giống, làm đất, phân bón... cho cây cà rốt hiện nay trung bình phải 3 triệu đồng/sào. Với năng suất cà rốt bình quân từ 1 đến 1,2 – 1,3 tấn/sào như hiện nay, việc giá cà rốt tụt thảm hại, chỉ còn 3.500 – 4.000 đ/kg (giảm một nửa so với năm ngoái), người trồng cà rốt xem như hòa vốn, không có công.
Giá rẻ đã đành, nhưng gay go nhất là không tiêu thụ được. Bởi cà rốt trồng 3,5 – 4 tháng đã có thể thu hoạch, nếu để kéo dài, củ cà rốt sẽ phát triển rất to, nhưng ruột sẽ bị cứng, xanh, giá bán càng thấp. “Thông thường, vụ thu hoạch cà rốt chính vụ ở đây chỉ kết thúc trước Tết Nguyên đán. Nếu không giải phóng hết lượng cà rốt chính vụ, để lưu ra Giêng, trời ấm, củ phát triển rất nhanh và sẽ dễ ra hoa. Lúc ấy, năng suất cà rốt lưu lại có thể tăng lên thậm chí gấp đôi, tới 2 tấn/sào, cộng với trà cà rốt muộn vào kỳ thu hoạch, lúc ấy, sản lượng cả vùng sẽ càng tăng dồn dập, mà chất lượng củ sẽ thấp dần, giá sẽ lại càng rẻ, nguy cơ nhổ bỏ là rất cao” – anh Đỗ Văn Nhàn lo lắng.