Phát biểu tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng ngày 7/7, đại biểu Lê Xuân Hòa cho hay: Tính tới 30/4, TP Đà Nẵng đã giải quyết được 1.839/2.963 hồ sơ nợ tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, theo số liệu của cơ quan thuế thì có tới 3.900 hồ sơ, hiện vẫn chưa chốt được số liệu này.
Quá nhiều vướng mắc
Đại biểu Lê Xuân Hòa cho hay, việc thực hiện Nghị định 79/2019 về thu tiền sử dụng đất tại TP. Đà Nẵng đang gặp rất nhiều vướng mắc.
Nhóm vướng mắc về đối tượng được thu nợ gồm đối tượng không thuộc diện ghi nợ theo Nghị định 79 nhưng đã được phê duyệt ghi nợ trước ngày Nghị định 79 có hiệu lực, song đến nay chưa làm thủ tục ghi nợ.
Các trường hợp giải tỏa trước ngày Nghị định 79 có hiệu lực nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà chưa được làm thủ tục ghi nợ. Các hộ đã được làm thủ tục ghi nợ nhưng hồ sơ, sổ sách không tuân theo hướng dẫn của TP.
“Đề nghị TP đưa các hộ dân này vào diện được ghi nợ để hoàn thiện hồ sơ và thu nợ theo Nghị định 79”, đại biểu Hòa nói.
Một vướng mắc khác là trước đây TP cho phép chuyển nhượng tên người nhận đất tái định cư. Sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, tháng 7/2014, TP đã chấm dứt chủ trương này.
Tuy nhiên, các trường hợp đã chuyển nhượng đất trước tháng 7/2014, có rất nhiều hồ sơ không làm được thủ tục. Lý do là người chuyển nhượng không hợp tác, đã định cư ở nước ngoài, đã chết... dẫn đến vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận.
“Việc chuyển đổi tên người nhận đất tái định cư là không phù hợp quy định pháp luật về hình thức. Tuy nhiên về bản chất, đây là sự tự nguyện thỏa thuận giữa các chủ thể và được thực hiện trong một thời gian dài trên địa bàn TP.
Thực tế hiện nay, nếu yêu cầu người dân lập lại thủ tục theo quy định pháp luật thì sẽ có nhiều trường hợp không bao giờ làm được vì người được chuyển nhượng không hợp tác”, đại biểu Hòa phân tích.
Một nhóm vướng mắc nữa liên quan các sai số, sai sót trong hợp đồng được ghi nợ, quy hoạch, dự án, tên đường…
Nguyên nhân là do quá trình giải tỏa diễn ra trong một thời gian dài, khối lượng hồ sơ khổng lồ. Cùng với đó là việc giải thể, sáp nhật các ban quản lý dự án trước đây. Việc này gây khó khăn trong công tác sao lục, hoàn thiện hồ sơ.
Về nội dung Nghị định 79, đại biểu Hòa cho rằng đối tượng thu nợ bị thu hẹp so với quy định trước đây, thời gian thực hiện ngắn, có sự bất công và thiệt thòi với những người đã thực hiện theo quy định cũ.
“Đề nghị HĐND TP lần này có nghị quyết về việc chấp thuận chuyển ủy thác 250 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho các hộ khó khăn”, đại biểu Hòa kiến nghị.
Sẽ có gói vay ưu đãi 250 tỷ đồng
Trả lời ý kiến đại biểu Hòa, ông Trần Văn Miên, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho hay, Nghị định 79 đã triển khai hơn nửa năm nhưng số người dân nộp hạn chế vì đa số là dân nghèo.
Theo ông Miên, UBND TP đề nghị ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) 200 tỷ đồng để hộ tái định cư vay, bổ sung đối tượng được vay.
“Chúng tôi đã có sự thống nhất. Sau khi HĐND TP thông qua, UBND TP sẽ đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương bổ sung đối tượng”, ông Miên nói.
Trước mắt trong năm 2020, UBND TP. Đà Nẵng đề nghị Ngân hàng CSXH ủy thác 50 tỷ đồng để cho vay theo quy định, giúp người dân giải quyết nhà ở với lãi suất 4,5%/năm, vay trong 15 - 20 năm.
“Gói 200 tỷ đồng cũng được đề nghị cho vay với lãi suất 4,5%/năm. TP cũng đã báo cáo Chính phủ xin giãn thực hiện nghị định thêm một năm”, ông Miên cho hay
Tại phiên thảo luận, các đại biểu HĐND TP. Đà Nẵng cơ bản thống nhất sẽ đưa nội dung nói trên vào dự thảo nghị quyết để biểu quyết thông qua.
Ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng đề nghị UBND TP sớm triển khai thực hiện, không để người dân chờ đợi.
“Theo số liệu thống kê của cơ quan thuế, hiện nay có đến 303 hộ với số tiền 37 tỷ đồng đã nhận thông báo thuế nhưng vẫn không có tiền để nộp.
Những trường hợp này, hiện số tiền rất thấp khoảng 100 - 200 triệu đồng mà không có tiền nộp thì sau này lên vài tỷ chắc chắn các hộ sẽ không còn khả năng để nộp”, ĐB Lê Xuân Hòa phát biểu.