Aa

Hàng Tết Kỷ Hợi 2019: Các nguồn cung đã chủ động

Thứ Sáu, 14/12/2018 - 02:00

(NB&CL) Những ngày gần Tết này, nỗi lo thiếu nguồn cung về hàng hóa cho nhu cầu tăng đột biến của người dân luôn thường trực. Năm nay, theo dự báo của các cơ quan và doanh nghiệp, lượng hàng hóa sẽ tăng hơn so với năm ngoái trung bình từ 25% - 30%. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ và sớm, các cơ quan quản lý cho biết lượng hàng hóa phục vụ dịp Tết Kỷ Hợi năm 2019 sẽ đáp ứng đủ cho nhu cầu của người dân.

Hàng Tết đã sẵn sàng

Không khí Tết đã tràn ngập khắp các phố phường trên cả nước khi hàng hóa bắt đầu được bày bán. Những siêu thị, trung tâm thương mại cũng dồn dập bổ sung hàng hóa; nhiều doanh nghiệp cho biết hoạt động sản xuất được đẩy mạnh suốt thời gian qua và cho đến nay, hầu hết các đơn hàng lớn đã hoàn thành, sẵn sàng cung ứng ra thị trường. Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit cho biết, năm ngoái, công ty cung ứng ra thị trường gần 300 tấn hàng. Năm nay, dịp Tết Nguyên đán công ty vẫn tập trung vào mặt hàng truyền thống như các loại rau củ quả sấy khô. Nguyên liệu và các công đoạn công ty đã chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước, Công ty chuẩn bị thêm hộp quà biếu để phục vụ nhu cầu dịp này. Ngoài các mặt hàng truyền thống, Vinamit đã chuẩn bị thêm một số sản phẩm mới là nhóm nước hoa quả sấy như: Nước mía tươi sấy khô, nước mãng cầu xiêm sấy khô, nước rau má, nước cóc sấy khô…

Với trang trại công nghệ cao rộng 18ha, nuôi khoảng 1 triệu con gà, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ba Huân - ông Phạm Thanh Hùng cho hay, với tháng cao điểm như tháng Tết, công ty sẽ đẩy công suất nhà máy tại TP.HCM lên 185 nghìn quả trứng/giờ và công suất của nhà máy tại Hà Nội lên 65 nghìn quả trứng/giờ để đủ cung ứng ra thị trường. Bên cạnh sản phẩm truyền thống là trứng, Tết năm nay công ty cũng đẩy mạnh nguồn thực phẩm chế biến từ Nhà máy Chế biến thực phẩm Đức Hòa (Long An) như xúc xích, lạp xưởng, chân gà chua cay… trên cơ sở trang trại gà thịt 30ha với tổng đàn 3 triệu con. Dự kiến hàng Tết năm nay sẽ tăng 30% so với Tết năm ngoái. Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cũng cho hay, dự kiến sản lượng hàng Tết năm nay của Công ty tăng 15% - 20% so với Tết 2018, trong đó thực phẩm tươi sống đạt 3.200 tấn, thực phẩm chế biến 2.800 tấn. Tổng giá trị hàng hóa công ty dự trữ cho đợt Tết năm nay là 800 tỷ đồng.

Hàng tiêu dùng cho Tết Kỷ Hợi 2019 đã được các siêu thị chủ động lên kế hoạch.

Không chỉ doanh nghiệp sản xuất đang hối hả chuẩn bị hàng Tết, các siêu thị cũng đã xây dựng chương trình Tết Nguyên đán năm nay. Tại Co.opmart đã xây dựng kế hoạch tăng 20% lượng hàng cho đợt Tết này. Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Đông (Hà Nội) cho biết, siêu thị vẫn tập trung vào các nguồn hàng Tết như bánh kẹo, hoa quả, mứt Tết, dầu ăn, giò chả, gia vị nước chấm và các nhu yếu phẩm. Co.opmart Hà Đông cũng đã đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá với Sở Công thương Hà Nội, giữ ổn định giá bán các mặt hàng trong dịp Tết. 

Tính đến nay, hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ dịp Tết cũng hết sức khẩn trương. Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội thông tin, Sở đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, trong đó chú trọng tăng cường các mặt hàng thiết yếu như: gạo (190.600 tấn), thịt lợn (44.000 tấn), thịt gà (14.600 tấn), thịt bò (12 tấn), trứng gà vịt (256 triệu quả), rau, củ (254 tấn), bánh mứt kẹo (3.000 tấn), rượu bia, nước giải khát (200 triệu lít)… Theo tính toán của Sở Công thương Hà Nội, lượng hàng hóa dự trữ tháng Tết năm nay tăng 10-15% so với các tháng trong năm, đạt khoảng 28,5 nghìn tỷ đồng. Sở cũng lên các phương án để không xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt hàng hoặc tồn kho sau Tết.

Trong khi đó, tại TP. Hồ Chí Minh, Sở Công thương cũng đã hoàn thành kế hoạch cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Kỷ Hợi 2019 trên địa bàn. Cụ thể, lượng hàng chuẩn bị cho mùa Tết tăng 13,2% - 16,9% so với kế hoạch TP. giao và tăng 23% - 36% so với kết quả thực hiện Tết Mậu Tuất 2018. Tổng trị giá các nhóm hàng lương thực, thực phẩm được các doanh nghiệp (DN) chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng Tết là 18.424,8 tỷ đồng, tăng 612,7 tỷ đồng (3,44%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Mậu Tuất 2018. Trong đó, trị giá hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.532,6 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết từ ngày 6/1 đến 4/2/2019 (tức từ ngày 1 đến 30 tháng Chạp Âm lịch), tổng trị giá hàng hóa của các DN chuẩn bị là 10.812,1 tỷ đồng, trong đó, hàng bình ổn thị trường là 4.211,8 tỷ đồng.

Cần thận trọng với hàng giả hàng nhái

Những ngày lễ Tết cũng là dịp để cho nạn hàng giả, hàng nhái có cơ hội lộng hành. Không ít mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ len lỏi vào các cửa hàng tạp hóa, chợ. Nhiều người tiêu dùng ham rẻ hoặc không tinh ý, rất dễ bị lừa. Đặc biệt những năm gần đây xu hướng mua hàng online, hàng xách tay để làm quà tặng, biếu người thân, bạn bè hoặc cho chính gia đình mình trong dịp Tết vừa tiết kiệm thời gian đi lại, vừa tiện lợi cũng nở rộ. Bên cạnh những mặt tiện lợi, hình thức mua hàng này đã bị nhiều kẻ gian lợi dụng để lừa dối khách hàng.

Đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (thuộc Bộ Công thương) từng thừa nhận, khi mua hàng qua mạng người tiêu dùng không thể nhìn trực tiếp và cầm sản phẩm để đánh giá về hình dáng, màu sắc và chất lượng. Vì thế, rủi ro đầu tiên mà người tiêu dùng gặp phải là hàng hóa nhận được không giống với quảng cáo. Hơn nữa, nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm cũng là một vấn đề đáng quan tâm và người mua hàng qua mạng xã hội hiện do chỉ dựa chủ yếu vào sự tin tưởng từ những bình luận và bạn bè. Vì vậy, người tiêu dùng thuộc lĩnh vực này trong dịp Tết phải hết sức cẩn trọng.

Từ vấn đề trên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (thuộc Bộ Công thương) khuyến cáo, trong dịp Tết cận kề này, người tiêu dùng nên lựa chọn những thương hiệu, địa chỉ uy tín, được Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cấp giấy phép hoạt động với đầy đủ thông tin về doanh nghiệp và được công bố trên trang web của Cục. Tiếp đến, cần tìm hiểu kỹ về các điều kiện và điều khoản của trang web, đặc biệt là những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận… cũng như tìm hiểu kỹ về sản phẩm, dịch vụ trước khi mua.

Tết là dịp mua sắm của tất cả mọi người với đa dạng các loại mặt hàng, vì thế lượng hàng hóa tiêu thụ rất lớn. Đó cũng là dịp “làm ăn” của rất nhiều cơ sở sản xuất chui, làm ăn chộp giật. Vì thế, để tránh tình trạng “tiền mất tật mang”, mọi người dân cần trang bị cho mình những kiến thức về loại hàng hóa mình muốn mua đồng thời nên bỏ túi những khuyến cáo từ cơ quan quản lý.

Đức Minh

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top