Aa

Hành trình của BGI Group hậu "chia tay" Vinaconex

Thứ Tư, 29/05/2024 - 06:12

Từ thành viên Vinaconex, BGI Group sau tái cấu trúc đã trở thành doanh nghiệp nghìn tỷ, tạo đà cho tham vọng hợp nhất kết quả kinh doanh với công ty liên kết IUC. Tuy nhiên, BGI vẫn đối mặt với áp lực nợ vay, cùng vướng mắc pháp lý tại một số dự án.

Bước nhảy vọt sau tái cấu trúc

Lên sàn HNX từ năm 2007 nhưng Vinaconex 7 không để lại nhiều dấu ấn trên thị trường, kết quả kinh doanh không mấy nổi bật với lãi ròng chỉ đạt vài tỷ đồng/ năm. Đến năm 2017 khi Vinaconex hoàn tất việc thoái vốn, Vinaconex 7 chính thức trở thành công ty tư nhân, bắt đầu phát triển độc lập. Năm 2020, Vinaconex 7 quyết định đổi tên thành BGI Group nhằm tái cấu trúc mô hình và tập trung vào ba lĩnh vực chính: Bất động sản, xây lắp và sản xuất vật liệu xây dựng.

Kể từ khi trở thành doanh nghiệp tư nhân, BGI Group đã trải qua những thăng trầm trong hoạt động kinh doanh. Cụ thể, ngay trong năm đầu hậu “chia tay” Vinaconex (2018), doanh thu thuần của doanh nghiệp đã chứng kiến sự sụt giảm 37,4%, tương ứng 76,9 tỷ đồng, tức. Lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ 182 triệu đồng, tức 0.9%. Các năm sau đó từ 2019 đến 2021, kết quả kinh doanh BGI Group cũng không để lại nhiều dấu ấn, doanh thu đi ngang ở mức khoảng hơn 100 tỷ đồng/năm, lợi nhuận sau thuế trên dưới 10 tỷ đồng/năm.

Đáng chú ý năm 2022 - 2023, kinh doanh của BGI Group có bước nhảy vọt. Doanh thu thuần năm 2022 tăng 161% so với năm trước, lên mức 325,13 tỷ đồng. Sang năm 2023, doanh thu thuần đạt 373,42 tỷ đồng, tiếp tục tăng thêm 48,28 tỷ đồng. Cùng với đó, lãi ròng ghi nhận mức tăng kỷ lục 223%, cao nhất từ trước đến nay, đạt 40,8 tỷ đồng. Được biết, khoản lãi này phần lớn đến từ Dự án BGI Topaz Downtown (15,69 tỷ đồng), lãi từ Công ty liên kết CTCP Tập đoàn IUC (10,69 tỷ đồng) và phần lãi tăng thêm (hơn 3 tỷ đồng).

Đây là kết quả khá ấn tượng, bởi 2022 - 2023 là giai đoạn thị trường bất động sản chìm sâu trong khó khăn, trầm lắng. Việc tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận là điều rất ít doanh nghiệp bất động sản làm được. Kết quả kinh doanh có lãi trong bối cảnh khủng hoảng cũng chứng tỏ sự tăng trưởng ổn định và vững chắc hơn của Công ty. Tuy nhiên, sức khỏe tài chính của doanh nghiệp vẫn còn nhiều điều khiến nhà đầu tư băn khoăn. 

90% tổng tài sản của BGI dùng để đầu tư

Qua các năm, tổng tài sản của BGI Group duy trì ở mức trên dưới 400 tỷ đồng. Năm 2021, tổng tài sản tăng hơn 64,7% lên mức 763 tỷ đồng. Đáng chú ý, năm 2023, tổng tài sản tiếp tục tăng thêm 77,1% đạt 1.489 tỷ đồng, tức tăng hơn 648 tỷ đồng so với năm 2022.

Có thể thấy, cơ cấu tài sản phản ánh mức độ đầu tư rất lớn của công ty, với 69,6% là các khoản phải thu, đạt 1.031 tỷ đồng, tăng 4,6% so với đầu năm. Trong đó, 720 tỷ đồng là khoản hợp tác với Công ty Cổ phần Tập đoàn IUC (công ty liên kết của BGI Group) để thực hiện 2 dự án: Dự án chỉnh trang khu dân cư tại lô CTR11, CTR12 và khai thác quỹ đất xen ghép thuộc khu A – đô thị mới An Vân Dương tại Thừa Thiên Huế (tức BGI Topaz Downtown) và Dự án có sử dụng đất khu đô thị phía đông đường Thủy Dương – Thuận An, thuộc khu E – đô thị mới An Vân Dương tại Thừa Thiên Huế (tức BGI Diamond Bay). Ngoài ra, BGI cũng ủy thác đầu tư 161 tỷ đồng cho Công ty Cổ phần Bất động sản Sài Đồng để góp vốn vào doanh nghiệp dự án làm khu đô thị mới thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Ngoài các khoản hợp tác đầu tư trên, 21% tài sản khác của BGI là đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh. Như vậy, có gần 90% tổng tài sản của BGI được tập trung dùng để đầu tư.

Vốn chủ sở hữu của BGI Group không phụ thuộc nhiều vào các nguồn vốn ngoài mà chủ yếu là vốn do các cổ đông đóng góp và từ lợi nhuận sau thuế các năm. Đặc biệt năm 2023, vốn chủ sở hữu đã tăng 50% so với năm 2022, nâng mức vốn lên 1.043 tỷ đồng, chiếm 70,1% tổng tài sản.

Một trong những yếu tố quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng này là việc chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, nâng vốn điều lệ lên 960,9 tỷ đồng. Cụ thể, khối lượng cổ phần chào bán là hơn 48 triệu cổ phiếu, tổng giá trị phát hành hơn 480 tỷ đồng. Số tiền thu được từ đợt phát hành cổ phần này được sử dụng cho mục đích đầu tư thực hiện Dự án BGI Diamond Bay, thông qua hình thức Hợp tác đầu tư với Công ty CP Tập đoàn IUC.

Dù tăng vốn khủng, tài sản hàng trăm tỷ nhưng đi cùng với đó tổng nợ phải trả của BGI Group cũng tăng thêm dần qua các năm. Năm 2017, nợ phải trả vượt vốn chủ sở hữu và bằng 59,5% tổng tài sản. Các năm 2018 - 2022, con số này vẫn khá đáng quan ngại khi tổng nợ dao động trong khoảng bằng trên dưới 40% tổng tài sản. Trong tổng số nợ phải trả, chiếm phần lớn vẫn là các khoản nợ ngắn hạn. Điển hình như giai đoạn 2017 - 2019, toàn bộ nợ phải trả của BGI là nợ ngắn hạn, dẫn đến áp lực lớn cho tài chính ngắn hạn của Công ty. Tuy vậy, năm 2023 BGI đã có chuyển biến tích cực, tỷ lệ nợ giảm, chỉ chiếm gần 30% tổng tài sản năm.

Kết thúc quý I/2024, tổng tài sản của BGI đạt 1.480 tỷ đồng, giảm hơn 9 tỷ so với thời điểm đầu năm nay. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 413,45 tỷ đồng và tài sản dài hạn là 1.067 tỷ đồng, lần lượt chiếm khoảng 27,9% và gần 72,1% tổng tài sản.

Giá trị hàng tồn kho tăng từ 42,3 tỷ đồng vào đầu năm lên 51,03 tỷ vào 31/3/2024. Đặc biệt, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tiếp tục ghi nhận con số âm 54,3 tỷ đồng trong kỳ, trước đó vào quý I/2023, BGI cũng ghi nhận âm 10,8 tỷ đồng.

Đẩy mạnh chiến lược với Tập đoàn IUC

BGI Group định hướng kế hoạch giai đoạn 2021-2026 với mục tiêu chung là ổn định sản xuất, tăng trưởng hoạt động, đảm bảo phát triển doanh nghiệp bền vững.

Chiến lược phát triển trung và dài hạn, với mô hình hoạt động công ty mẹ - công ty con, BGI dự tính hình thành các công ty con, công ty liên kết phát triển theo 3 trụ cột chính: Bất động sản; Xây lắp và Sản xuất vật liệu xây dựng. Trong đó bất động sản chiếm tỷ trọng trên 70%, còn lại là lĩnh vực xây lắp và sản xuất vật liệu xây dựng

Trong giai đoạn này, BGI Group cho biết sẽ tập trung hoạt động trong 3 lĩnh vực chính là kinh doanh bất động sản, sản xuất/kinh doanh vật liệu xây dựng và thi công xây lắp, tùy theo tình hình từng thời điểm cụ thể để điều chỉnh tỷ trọng các ngành nghề sản xuất kinh doanh cho phù hợp nhằm đảm bảo hiệu quả tối ưu nhất. Hiện nay, Công ty Cổ phần Tập đoàn BGI có 3 đơn vị thành viên là Công ty Cổ phần Xây dựng BGI (BGI Contruction), Công ty Cổ phần Đầu tư BGI (BGI Invest) và Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng BGI (BGI Material) cùng hệ thống các sàn giao dịch bất động sản liên kết trên toàn quốc.

Ngoài ra, BGI định hướng đầu tư, liên doanh liên kết vào các doanh nghiệp khác nhằm mở rộng ngành nghề, phạm vi hoạt động, ưu tiên các ngành bổ trợ cho 3 lĩnh vực trọng tâm.

BGI và IUC đều từng là thành viên trong hệ sinh thái Vinaconex (IUC tiền thân là Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng và đô thị Vinaconex - Vinaconex IUC). Năm 2014, Vinaconex thoái vốn tại IUC và năm 2017 thoái vốn tại BGI. IUC có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực sàn giao dịch bất động sản, với các dự án của Vinaconex, Vimeco, Vinaconex 1, Vinaconex 3, BGI...

Hiện IUC là chủ đầu tư của một loạt dự án, trong đó có Khu A và Khu E Khu đô thị mới An Vân Dương (Huế), nhưng tất cả các tên thương mại đều lấy BGI. Vốn điều lệ của IUC là 750 tỷ đồng, cao hơn vốn điều lệ 480 tỷ đồng của BGI.

Trước đó, định hướng đầu tư, liên doanh liên kết của BGI đối với Tập đoàn IUC đã được BGI Group công bố tại Đại hội đồng cổ đông bất thường tháng 6/2021. Tại các dự án ở Hòa Bình và Thừa Thiên Huế mà liên danh IUC và BGI đã được phê duyệt làm chủ đầu tư, tỷ lệ sở hữu của BGI là 30% và IUC là 70%. BGI dự kiến tăng tỷ lệ sở hữu tại Tập đoàn IUC lên trên 51% nhằm hợp nhất kết quả kinh doanh của IUC vào các báo cáo tài chính của Công ty.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, cùng thời điểm với kế hoạch bán cổ phần Công ty cho cổ đông hiện hữu nhằm nâng vốn điều lệ, BGI đã thông qua kế hoạch tiếp tục mua cổ phần IUC.

Đối với các dự án bất động sản, tiến độ triển khai của BGI khá tích cực. Cụ thể, dự án nhà liền kề BGI Topaz Downtown thuộc khu A đô thị mới An Vân Dương tại Thừa Thiên Huế đã triển khai thi công đạt trên 90%. Dự án BGI Diamond Bay đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, bàn giao đất, đã nộp 50% tiền sử dụng đất toàn khu và triển khai thi công hàng rào, mới đây đầu quý II/2024 đã tiến hành khởi công đúng tiến độ. 

Dự án khu đô thị thị trấn Bích Động (Bắc Giang) đã hoàn thành xấp xỉ 100% giải phóng mặt bằng, dự kiến khởi công quý II/2024. Tại Quảng Bình, dự án Khu đô thị Kiến Giang 1, huyện Lệ Thủy, BGI đã tham gia đấu thầu và chờ kết quả lựa chọn nhà đầu tư.

Trong năm 2024, BGI Group tiếp tục triển khai, nghiên cứu phát triển các dự án bất động sản tại các địa bàn tiềm năng như: Hòa Bình, Hải Dương, Quảng Bình, Quảng trị, Thừa Thiên Huế...

Tuy nhiên, hai dự án tại Hoà Bình của BGI Group (DA Khu dân cư tiểu khu 1 thị trấn Lương Sơn và DA Khu nhà ở nghỉ dưỡng và dịch vụ tổng hợp tại tiểu khu 2 thị trấn Lương Sơn) hiện vẫn đang gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý cũng như trong công tác giải phóng mặt bằng. 

Dự kiến Đại hội sẽ được tổ chức vào tháng 6/2024 tại Hà Nội. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top