Hành trình "xanh hóa" các công trình tại Việt Nam: Từ nhận thức đến hiện thực

Hành trình "xanh hóa" các công trình tại Việt Nam: Từ nhận thức đến hiện thực

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Châu Anh
Châu Anh nchauanh9999@gmail.com
Thứ Bảy, 05/10/2024 - 14:21

Công trình xanh, không chỉ là xu hướng kiến trúc hiện đại, mà còn là lời giải cho bài toán phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên. Hành trình "xanh hóa" công trình xây dựng tại Việt Nam ghi dấu ấn đậm nét bởi sự chuyển biến mạnh mẽ trong chính sách, từ chỗ gần như "trắng" quy định đến hệ thống luật lệ, quy chuẩn ngày càng hoàn thiện.

Đầu tiên phải kể đến Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26...

Tiếp đó, các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam về môi trường, về quy hoạch - kiến trúc đã có quy định những thông số kỹ thuật cho các công trình hướng đến công trình xanh như QCVN 01:2021, QCVN 09:2017/BXD về sử dụng đất hợp lý và môi trường ngoài nhà; tiết kiệm nước và tận dụng tài nguyên nước theo TCXDVN 33:2006 và TCVN 4513-88; về tiết kiệm vật liệu theo QCXDVN 05:2008/BXD và TCXDVN 397:2007;...

Bên cạnh đó, hiện nay Việt Nam có tổng cộng 5 công cụ đánh giá công trình xanh. Đó là công cụ công trình xanh do Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam biên soạn; EDGE - hệ thống đánh giá công trình xanh của Tổ chức Tài chính Quốc tế, một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới; LOTUS - hệ thống đánh giá công trình xanh của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam; LEED - hệ thống đánh giá công trình xanh của Hội đồng Công trình Xanh Mỹ; Green Mark – hệ thống đánh giá công trình xanh của Hiệp hội Công trình Xanh Singapore.

Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, nếu như ở giai đoạn 2017 - 2018, công trình xanh còn là một khái niệm khá mới mẻ, các hoạt động chủ yếu tập trung vào nghiên cứu và xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy định thì bước ngoặt đã đến trong giai đoạn 2019 - 2021 khi công trình xanh chính thức được luật hóa. 

Cụ thể là Luật Xây dựng 2020, Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị, Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050... Tiêu chí công trình xanh cũng được lồng ghép vào hệ thống đánh giá, xếp hạng đô thị. Đặc biệt, Việt Nam đã đặt ra mục tiêu cụ thể với 80 công trình xanh vào năm 2025 và 150 công trình vào năm 2030...

Việc lồng ghép tiêu chí công trình xanh vào hệ thống đánh giá, xếp hạng đô thị cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của công trình xanh. Đặc biệt, mục tiêu ban đầu với 80 công trình xanh vào năm 2025 và 150 công trình vào năm 2030 đã nhanh chóng bị phá vỡ chỉ trong vòng 2 năm. Điều này cho thấy sự phát triển vượt bậc, ngoài mong đợi của công trình xanh tại Việt Nam. 

Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, tính đến quý II/2024, Việt Nam có tổng cộng 476 công trình xanh với tổng diện tích sàn đạt chứng nhận xanh là 11,489 triệu m2. Trong đó, công trình công nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất (hơn 37,8%), tiếp theo là công trình nhà ở (hơn 36,3%), công trình văn phòng (11,88%) và cơ sở lưu trú (6,52%).

Đâu là những "đòn bẩy" then chốt tạo nên sức bật này? Theo ông Nguyễn Công Thịnh, trước hết, phải kể đến sự quyết tâm của Nhà nước trong việc ban hành hệ thống chính sách, quy định đồng bộ, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho phát triển công trình xanh. Song song với đó, nhiều chủ đầu tư đã tiên phong áp dụng các tiêu chuẩn công trình xanh vào các dự án của mình. Hệ thống tài chính cũng "vào cuộc" mạnh mẽ với 47 tổ chức tài chính tham gia tài trợ cho các dự án công trình xanh. Ngoài ra, yêu cầu về thuế carbon xuyên biên giới của EU cũng tạo động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu như ngành xi măng, hướng đến sản xuất xanh để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế

"Những nỗ lực này đã mang lại "quả ngọt" với số lượng công trình xanh tăng trưởng nhanh chóng. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động áp dụng các giải pháp kinh tế tuần hoàn, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Hành trình xanh hóa công trình tại Việt Nam đang tiếp tục gặt hái những thành công đáng khích lệ, hướng tới một tương lai xanh và bền vững cho đất nước", ông Nguyễn Công Thịnh nhận định. 

Nhớ lại về những ngày đầu tiên khi khái niệm "công trình xanh" còn khá mới mẻ, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho biết, khi đó việc thiếu vắng hoàn toàn các thông tư hướng dẫn hay quy định cụ thể đã dẫn đến nhiều băn khoăn về tiêu chí đánh giá, phạm vi áp dụng của công trình xanh.

Tuy nhiên, đến nay (2024), những quan điểm, suy nghĩ và quy định về công trình xanh đã dần được định hình rõ ràng. Chúng ta đã nhận thức được tầm quan trọng của việc lồng ghép yếu tố xanh ngay từ giai đoạn quy hoạch, đồng thời các doanh nghiệp cũng chủ động tiếp thu kinh nghiệm quốc tế vào các thiết kế kiến trúc, quy hoạch công trình tại Việt Nam.

"Mặc dù đã có những bước tiến đáng kể nhưng việc hoàn thiện cơ chế chính sách vẫn là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển công trình xanh. Đơn cử như thông tư hướng dẫn về điều kiện xem xét nâng cấp đô thị có đề cập đến tiêu chí công trình xanh, cho thấy sự quan tâm nhất định từ các địa phương. Tuy nhiên, động lực chính hiện nay thường đến từ mục tiêu nâng hạng đô thị, chưa thực sự hướng đến sự phát triển bền vững một cách toàn diện.

Để công trình xanh thực sự trở thành nền tảng cho sự phát triển bền vững, cần thiết phải đưa các tiêu chí xanh vào nghị quyết, trở thành một mục tiêu cốt lõi thay vì chỉ là "điểm cộng" trong quá trình đánh giá. Có như vậy, chúng ta mới có thể xây dựng một tương lai xanh cho các thế hệ mai sau", nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh nhận định.

Như vậy, hành trình "xanh hóa" công trình xây dựng tại Việt Nam đã trải qua những bước chuyển mình đáng kể. Sự thay đổi này chính là động lực quan trọng, thúc đẩy các chủ đầu tư, doanh nghiệp và người dân hướng tới những công trình thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng và nâng cao chất lượng sống. Việc ban hành các chính sách, đặt ra mục tiêu cụ thể cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc "xanh hóa" ngành xây dựng, hướng tới sự phát triển bền vững.

Theo giới chuyên gia, giai đoạn hiện nay là cột mốc đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của công trình xanh tại Việt Nam, khi nhận thức đã chuyển hóa thành hành động thiết thực. Công trình xanh không còn là khái niệm xa lạ mà đã thực sự trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều chủ đầu tư, thể hiện qua sự gia tăng nhanh chóng về số lượng và quy mô dự án.

Bên cạnh đó, các dự án cũng ngày càng đa dạng về loại hình, từ nhà ở, văn phòng đến trường học, bệnh viện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý năng lượng, nước và xử lý rác thải đang trở thành xu hướng tất yếu, góp phần nâng cao hiệu quả vận hành và giảm thiểu tác động đến môi trường.

Hơn thế nữa, xu hướng thiết kế công trình xanh hướng tới mục tiêu Net Zero (cân bằng năng lượng) cũng đang nhận được sự quan tâm đặc biệt, mở ra triển vọng phát triển bền vững cho ngành xây dựng, các công trình nhà ở, hạ tầng và đô thị Việt Nam.

Theo TS. KTS. Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch, khái niệm "công trình xanh" đã trải qua một quá trình phát triển và hoàn thiện không ngừng. Trước đây, việc thiết kế và xây dựng công trình xanh thường tập trung vào các yếu tố kiến trúc và kỹ thuật nhằm tiết kiệm năng lượng, nước... Tuy nhiên, quan niệm này đang dần được mở rộng trên phạm vi toàn cầu.

Ngày nay, thế giới không chỉ dừng lại ở việc xây dựng những công trình xanh đơn lẻ mà còn hướng đến mục tiêu cao hơn, đó là kiến tạo một môi trường sống xanh và bền vững một cách toàn diện. Minh chứng rõ nhất là việc các tiêu chí xanh trong hệ thống LEED ngày càng được mở rộng, bao gồm cả những yếu tố liên quan đến quy hoạch hạ tầng, cảnh quan và sinh thái xung quanh.

Rõ ràng, việc chỉ quan tâm đến tiết kiệm nước hay năng lượng là chưa đủ. Một công trình xanh thực sự cần phải được thiết kế và xây dựng trong mối tương quan hài hòa với môi trường xung quanh, từ việc lựa chọn vị trí, bố trí không gian đến việc ứng phó với những thách thức của biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, yếu tố quy hoạch và kiến trúc ngày càng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau trong việc hiện thực hóa khái niệm công trình xanh.

Theo đó vị chuyên gia này cho rằng: "Vai trò của kiến trúc sư không chỉ dừng lại ở việc tư vấn thiết kế theo yêu cầu của hợp đồng, mà còn mở rộng đến việc tham gia tư vấn chiến lược cho doanh nghiệp và địa phương trong quy hoạch tổng thể. Kiến trúc sư sẽ đóng góp vào việc định hình không gian sống xanh và bền vững, bằng cách tư vấn cho nhà đầu tư lựa chọn vị trí phù hợp, phát triển dự án theo xu hướng xanh, đồng thời hướng dẫn người dân tiếp cận và lựa chọn sử dụng những sản phẩm xanh để công trình luôn bền vững".

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, CEO Phuc Khang Corporation - một trong những chủ đầu tư tiên phong trong lĩnh vực công trình xanh tại Việt Nam, cho biết cách đây 10 năm, để tiếp cận với công trình xanh, các chủ đầu tư phải tốn kém nhiều chi phí ra nước ngoài học tập. Nhưng ngày nay, Việt Nam đã có đội ngũ chuyên gia trong nước, giúp tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí.

Bà Mẫu cũng nhấn mạnh rằng, đô thị là một hệ thống liên ngành phức tạp, mỗi công trình đều có vòng đời riêng. Để xây dựng một nền tảng xanh cho ngành xây dựng, cần có sự chịu trách nhiệm trong từng giai đoạn, từ viết kịch bản đô thị, thiết kế, thi công đến vận hành và chuyển giao. Chỉ có như vậy, mới có thể hoàn thiện hệ sinh thái xanh và hướng tới sự phát triển bền vững.

Chia sẻ về tư duy công trình xanh trong bối cảnh mới, bà Mẫu đề cập đến 5 nội dung: Thứ nhất, mọi sản phẩm đều hướng đến phục vụ con người và nhu cầu của người dùng chính là yếu tố then chốt. Khác với trước đây, khi "an cư lạc nghiệp" chỉ đơn giản là có nơi ăn chốn ở, thì ngày nay, con người mong muốn một "không gian sống" đích thực, nơi họ cảm thấy thoải mái, hạnh phúc và khỏe mạnh.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp bất động sản cần hướng đến tư duy xanh, đặt sức khỏe và hạnh phúc của con người lên hàng đầu. Không chỉ đơn thuần là xây dựng những công trình kiên cố, mà phải tạo ra những không gian sống chan hòa với thiên nhiên, mang lại sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Đây cũng chính là tiếng nói của thế hệ mới, những người trẻ luôn khát khao một cuộc sống ý nghĩa và bền vững.

Công trình xanh, trong sự gắn kết chặt chẽ với quy hoạch tổng thể, chính là chìa khóa để giải quyết bài toán này. Việc sử dụng vật liệu xanh, thiết kế thông thoáng, tận dụng ánh sáng tự nhiên... sẽ góp phần nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho người sử dụng.

Hơn nữa, "đầu tư xanh" đang trở thành xu hướng mới, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Bởi ngoài giá trị kinh tế, việc đầu tư vào công trình xanh còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần bảo vệ môi trường và xây dựng một tương lai bền vững cho cộng đồng.

Thứ hai, vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy công trình xanh chính là sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ. Sau nhiều năm kiên trì cổ vũ và nỗ lực hiện thực hóa các cam kết, những tuyên bố, nghị quyết và quy định đã dần được đưa vào cuộc sống. Minh chứng rõ nét nhất là 11 văn bản chuyên biệt về tiết kiệm năng lượng, cùng hàng loạt nghị định, thông tư nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho công trình xanh phát triển. Sự vào cuộc mạnh mẽ này của Chính phủ đã góp phần thúc đẩy nhận thức và lan tỏa xu hướng xanh trong ngành xây dựng. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao hơn, các chính sách cần được kích hoạt một cách thiết thực và đồng bộ hơn nữa.

Thứ ba, quan niệm về tiết kiệm chi phí trong công trình xanh không đồng nghĩa với việc cắt giảm tiện nghi hay hạ thấp chất lượng công trình. Ngược lại, tiết kiệm cần được bắt đầu ngay từ giai đoạn thiết kế và thi công, thông qua việc lựa chọn vật liệu, công nghệ và giải pháp tối ưu. Nhờ vậy, không chỉ góp phần tiết kiệm chi phí cho ngân sách quốc gia, mà còn giúp người dân giảm gánh nặng tài chính trong suốt quá trình sử dụng công trình.

Thứ tư, một trong những lợi ích quan trọng của công trình xanh là khả năng gia tăng giá trị tài sản. Mặc dù có quan niệm cho rằng chi phí phát triển công trình xanh cao hơn nhiều so với công trình truyền thống (30 - 40%), nhưng thực tế cho thấy chi phí xây dựng chỉ tăng khoảng vài phần trăm. Đây chủ yếu là chi phí ban đầu mà các doanh nghiệp mới tham gia vào lĩnh vực này phải đầu tư. Khi đã có kinh nghiệm và quy trình sản xuất bài bản, chi phí sẽ được tối ưu đáng kể.

Mặt khác, hiện nay, Chính phủ đang triển khai chiến lược quốc gia về phát triển quy hoạch và đầu tư công. Đây là cơ hội lớn để thúc đẩy công trình xanh, xây dựng hệ thống hạ tầng xanh, đô thị xanh, góp phần gia tăng tài sản quốc gia một cách bền vững.

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện và cụ thể hóa quy phạm pháp luật về công trình xanh cũng sẽ tạo động lực cho sự phát triển của thị trường bất động sản xanh. Giá trị của các công trình xanh sẽ được nâng cao, thu hút nhà đầu tư và người dân, đồng thời góp phần phát triển du lịch và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, giá trị của các công trình xanh có thể tăng gấp đôi so với công trình thông thường. Giá thuê cũng cao hơn và có tính thanh khoản tốt hơn, tiệm cận với phân khúc cao cấp, nhờ vào những lợi ích về môi trường sống, tiết kiệm năng lượng mà công trình xanh mang lại.

Thứ năm, hợp tác với quốc tế, song hành cùng nhau thúc đẩy sự tăng trưởng công trình xanh. Việc hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài để tiếp cận công nghệ tiên tiến giúp gia tăng xây dựng công trình xanh.

Tương lai của công trình xanh tại Việt Nam mang đầy triển vọng nhưng cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức. TS.KTS. Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhấn mạnh, hiện tượng "đội lốt" công trình xanh đang diễn ra phổ biến trên toàn cầu, kể cả ở các nước phát triển. Việt Nam cần nâng cao nhận thức, xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng này. Bên cạnh đó, vấn đề tái tạo công trình - một khái niệm còn khá mới mẻ ở Việt Nam - cũng cần được quan tâm đầu tư nghiên cứu, nhằm kéo dài vòng đời của các công trình, giảm thiểu lãng phí tài nguyên và bảo vệ môi trường". 


Khi bàn về kiến trúc xanh, vị chuyên gia nhấn mạnh rằng, thay vì chỉ đơn thuần là những công trình "màu xanh" với cây cối phủ khắp, kiến trúc xanh thực sự là một bản hòa ca tinh tế giữa con người và thiên nhiên, nơi yếu tố thẩm mỹ và công năng được đan xen hài hòa, đồng thời là sự giao thoa giữa bản sắc văn hóa truyền thống và những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến. Tuy nhiên, "lối sống loại bỏ", thói quen phá cũ xây mới của người Việt cũng đang tạo ra những rào cản trên con đường phát triển kiến trúc xanh. Để thực sự "xanh", kiến trúc cần hướng đến sự bền vững, tôn trọng và gìn giữ những giá trị truyền thống. Và để phát triển kiến trúc xanh, cần có hệ thống giải pháp đồng bộ, bao gồm: xác lập địa điểm bền vững, sử dụng tài nguyên hiệu quả, đảm bảo chất lượng môi trường, đáp ứng tính bản sắc và tiên tiến, đáp ứng tính xã hội - nhân văn. Các giải pháp này cần phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, văn hóa và con người của từng vùng miền.

Theo TS.KTS. Phan Đăng Sơn, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và đô thị hóa ngày càng gia tăng, chuyển đổi xanh trong công trình xây dựng không còn là một lựa chọn, mà là một yêu cầu cấp thiết. Đây là hành trình hướng tới sự bền vững, đòi hỏi sự thay đổi toàn diện, từ nhận thức, chính sách đến hành động thực tiễn của toàn xã hội. Mục tiêu là kiến tạo nên những công trình không chỉ đáp ứng nhu cầu của con người mà còn hài hòa với thiên nhiên, bảo vệ môi trường và gìn giữ bản sắc văn hóa.

"Trước đây, chuyển đổi xanh thường chỉ tập trung ở các đô thị lớn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự phát triển ồ ạt, thiếu quy hoạch ở nông thôn đang dẫn đến nguy cơ "xám hóa" nhanh chóng. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách trong việc mở rộng không gian xanh, đưa chuyển đổi xanh đến với mọi miền đất nước, bảo vệ môi trường sống cho tất cả mọi người", TS.KTS. Phan Đăng Sơn cho biết thêm. Đồng thời, ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc thực hiện chuyển đổi xanh một cách quyết liệt, thông qua những chương trình hành động cụ thể, rõ ràng, có định lượng và được ràng buộc bởi khung pháp lý chặt chẽ. Việc đánh giá công trình xanh cần được tiến hành khách quan, minh bạch, đảm bảo tính công bằng và hiệu quả.

"Đối với công trình mới, cần xác định rõ mục tiêu bền vững, lựa chọn khung đánh giá phù hợp, ứng dụng công nghệ và sáng tạo trong thiết kế, xây dựng và vận hành. Công nghệ đóng vai trò then chốt trong chuyển đổi xanh, với các xu hướng như công nghệ xanh, dữ liệu lớn, BIM, năng lượng tái tạo, vật liệu mới, thực tế ảo/tăng cường... Đối với công trình cũ, cần có sự đánh giá hiện trạng, từ đó đề ra các giải pháp chuyển đổi xanh phù hợp, bảo đảm tính hiệu quả và bền vững. Tái tạo công trình cũng là một hướng đi quan trọng, nhằm kéo dài vòng đời của các công trình, giảm thiểu lãng phí tài nguyên và bảo vệ môi trường", TS.KTS. Phan Đăng Sơn nói. 

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, thị trường bất động sản xanh đang đối mặt với một số thách thức như thiếu chứng nhận cho vật liệu xanh, thiếu nhân lực chất lượng cao, và nhận thức hạn chế về công trình xanh từ phía chủ đầu tư và người sử dụng. Bên cạnh đó, vấn đề còn nằm ở khả năng tiếp cận nguồn vốn xanh và thiếu các quy định pháp lý rõ ràng về dự án bất động sản xanh, gây khó khăn cho doanh nghiệp và ngân hàng trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ tài chính.

TS. Nguyễn Văn Đính kỳ vọng thời gian tới sẽ có những thay đổi chính sách tích cực và rõ nét hơn để thúc đẩy phát triển công trình xanh. Theo đó, cần sớm thống nhất khái niệm về bất động sản xanh và đưa vào luật, đồng thời ban hành các văn bản pháp luật chuyên ngành để điều chỉnh trực tiếp và toàn diện lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu và ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể, rõ ràng, dễ tiếp cận dành cho các doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản xanh và sản xuất vật liệu xây dựng xanh.

Những thay đổi này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản xanh phát triển mạnh mẽ cả về quy mô lẫn chất lượng, gia tăng nguồn cung đa dạng về loại hình, quy mô và phân khúc, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ, vật liệu xây dựng xanh cùng với sự hỗ trợ từ các tổ chức tài chính và chính phủ sẽ giúp giảm chi phí xây dựng, thúc đẩy việc tăng cung và nâng cao chất lượng công trình xanh. Các dự án sẽ được thiết kế và thi công theo tiêu chuẩn cao hơn, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường và tích hợp các giải pháp chống biến đổi khí hậu.

Nhờ vậy, giá trị của bất động sản xanh sẽ cao hơn so với bất động sản thông thường, mang lại lợi nhuận bền vững cho các nhà đầu tư và tạo ra môi trường sống lành mạnh, bền vững cho cộng đồng.

Xu hướng xây dựng công trình xanh tại Châu Á - Thái Bình Dương và Thế giới

Trên thế giới, số lượng chứng nhận công trình bền vững có sự khác biệt lớn trên toàn cầu, tiêu biểu như Châu Phi có Nam Phi với 1.080 công trình, châu Mỹ có Hoa Kỳ với 85.495 công trình, Châu Âu có Anh với 18.262 công trình… Nhiều Hội đồng công trình xanh và các quốc gia đã phát triển các hệ thống đánh giá phát thải ròng carbon bằng 0.

Tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, số lượng công trình xanh tăng nhanh với sự tăng trưởng mạnh mẽ về chứng nhận công trình xanh, lành mạnh và hiệu quả về tài nguyên, trong đó Hàn Quốc dẫn đầu với 23.776 công trình.

Về nguồn tài chính xanh, 75% chủ sở hữu đã áp dụng tài chính xanh với 21 tỷ đô la Mỹ từ trái phiếu xanh được phát hành cho các dự án bất động sản vào năm 2022 tại Châu Á - Thái Bình Dương.

Tại Việt Nam, chứng nhận công trình xanh LOTUS đang ngày càng tăng lên nhanh với tổng số chứng nhận công trình là 79. Về chứng nhận này, ông Douglas Snyder cho biết, hệ thống LOTUS Homes Core và Shell mới đã có bản thử nghiệm (khu dân cư lớn) vào năm 2023; có nhãn Sản phẩm xanh mới; phát triển dành cho quy hoạch đô thị và công cụ cấp độ IP.

Đồng thời, cập nhật chứng nhận LOTUS NC v4, đảm bảo tính tuần hoàn, vận hành không phát thải cacbon, thiết kế chống chịu và thích ứng tốt, bình đẳng và tiếp cận.

Ông Douglas Snyder, Giám đốc Điều hành Hội đồng Công trình xanh Việt Nam


Dòng vốn xanh tạo nên công trình xanh

IFC đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy làn sóng công trình xanh tại Việt Nam. IFC không chỉ cung cấp nguồn lực tài chính khổng lồ khoảng 2,3 tỷ USD đầu tư vào các định chế tài chính cho vay mua nhà xanh và các dự án xây dựng xanh tính đến tháng 6/2022 mà còn mang đến những công cụ hữu hiệu và hỗ trợ kỹ thuật toàn diện, góp phần đáng kể vào việc "xanh hóa" ngành xây dựng.

Theo chúng tôi, nhận thức về “xanh” của các doanh nghiệp hiện nay đã rất đầy đủ. Vấn đề then chốt là lý do tại sao phải chọn “xanh”? Câu trả lời rất đơn giản: đó là định hướng chính sách. Việt Nam đang dự thảo danh mục phân loại xanh, và trên thực tế, 100% các dự án được IFC cho vay đều thuộc nhóm này. Trong tương lai không xa, các ngân hàng thương mại cũng sẽ phải hướng tới việc duy trì một tỷ trọng cho vay xanh đáng kể trong danh mục tín dụng của mình.

Để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn xanh, IFC cung cấp nhiều công cụ tài chính, trong đó nổi bật là công cụ EDGE - một hệ thống chứng nhận công trình xanh đã được áp dụng tại 88 quốc gia trên thế giới. Các giải pháp tài chính của IFC hướng đến việc đáp ứng nhu cầu tiếp cận dòng vốn xanh và phát triển công trình xanh của khách hàng. Tại các quốc gia đang phát triển, IFC hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện những bước đầu tiên trong việc xây dựng công trình xanh, từ đó tiến tới các giai đoạn chuyển đổi xanh cao hơn.

Tóm lại, IFC hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát triển công trình xanh, tiếp cận nguồn vốn xanh, và phát hành trái phiếu xanh.

Bà Đỗ Ngọc Diệp, Quản lý Chương trình Công trình Xanh Việt Nam thuộc Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC)


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top