Hạt ngọc cho đời

Hạt ngọc cho đời

Thứ Hai, 09/08/2021 - 15:00

Có hai điều trước khi ra khỏi làng tôi được thầy tôi căn đi dặn lại kỹ lưỡng, ấy là, làm trai chí ở cho bền, bền như hạt lúa hạt gạo quê minh. Và nữa, ăn ở với mọi người phải thận trọng như lúc con đang bưng bát nước đầy. Còn u tôi thì bảo: Khôn ngay khéo đầy con ạ. Vâng.

Ngày ấy như con chim mới ra ràng, thấy bầu trời cao rộng lòng sẵn khát khao tung cánh, chỉ cần tung cánh là bay giữa bao la bát ngát, có gì mà thầy u phải lo! Thầy tôi bảo, con cứ nhớ cho thầy u mấy điều đơn giản ấy là được, rồi muốn làm gì thì làm. Nhà mình từ ông bà cụ kỵ đến bố con mình bây giờ đều thờ chữ Tâm chữ Phúc, thấy tờ giấy có chữ thánh hiền là cấm được ngồi lên hay bước qua. Vào đền chùa không được vô tâm chỉ trỏ, ồn ào, còn vật chất thi phải biết coi trọng như hạt gạo hạt cơm, cơm gạo do mồ hôi nước mắt làm ra nên ngàn đời nay dân Việt mình gọi là hạt ngọc. Giọt mồ hôi thấm đất xưa nay  người ta gọi là hạt ngọc cho đời đấy con ạ.

Bây giờ tôi bằng tuổi thầy tôi ngày ấy, chiêm đi nghiệm lại những điều người dặn, cả hai vế ấy tôi đều nhớ nằm lòng nhưng vẫn chưa thỏa. Mỗi thế hệ có một quan niệm khác nhau bởi mỗi thời đại khác nhau.  Ngày xưa  ruộng đất  gắn liền với cơm gạo với sự sống còn của đời người nhà nông, không như bây giờ gọi là “bất động sản”. “Bất động sản” của xã hội, của con người, có một sự nhìn nhận mới, không phải tư lợi nhưng cũng không phải hoàn toàn chỉ là của công.

Đời riêng con người ta trăm sự vạn điều, có điều cẩn trọng quá, run tay quá thành ra hỏng việc. Lại có điều sao nhãng, đúng hơn là coi nhẹ, coi giản đơn, ấy thế mà hợp thời mà vẫn cứ thành. Thế đấy, người đời hễ việc gì không giải thích ngay được thì quy nó vào “cái số”.

Bộ quần áo, đôi dầy, cái mũ cũng có số huống là một tờ tạp chí mang tên “Bất Động Sản” vừa hợp thời, vừa đúng thời và vừa tạo nên một nhận thức mới về đất đai, về tài sản và về sự quản lý cao hơn, chuẩn xác hơn… dù đại đa số lúc ấy mới nghe còn ngỡ ngàng, vì còn lạ lẫm bởi từ khi Nhà nước ta hình thành, hiến pháp đã quy định đất đai là tài sản Quốc gia, là tái sản toàn dân.

Khái niệm “Bất động sản” không phải là mới mẻ, nó chỉ mới với nhận thức thực tiễn hơn, tất nhiên sâu sắc hơn, gắn liền với xu thế phát triển mới của thời đại. Cái được gọi chung đất đai là của toàn xã hội mà nhiều năm nay con người Xã Hội Chủ Nghĩa đã nghiễm nhiên thành mặc định.

"Tôi gọi tạp chí “Bất động sản” là hạt ngọc của giới truyền thông cho đời".

Thầy tôi là một ông đồ của cái làng Sưa hẻo lánh thời xưa cũ, đất lề quê thói, những lời khuyên dặn không còn thích hợp với thời nay nhưng nó vẫn mang ý nghĩa sâu nặng đời người.

Nhưng tựu chung lại, Tạp chí “Bất động sản” không còn là một tờ tạp chí chỉ thuần túy nói đến đất, nói về đất đai tài sản mà nó đã và đang mang trọng trách lớn hơn, ấy là tiếng nói của tấm lòng người dân với tình cảm của hạt lúa giống mới, của khu cây trái mới, khu du lịch hiện đại hay những trang trại rộng lớn với những bước đi bền vững của một nền kinh tế đa dạng và  lớn mạnh.

Xin chúc mừng Tạp chí “Bất động sản” đã nhận về mình tiếng nói có tính định hướng, hơn thế, 5 năm qua, nó đã thực sự dẫn dắt sự trưởng thành chung của các lĩnh vực mới hơn như du lịch, như các quy hoạch lớn về sự phát triển chung, như các vùng các khu công nghiệp, nông nghiệp gọi chung là các khu kinh tế mới với những giấc mơ “cánh đồng mẫu lớn” hay những chuỗi  trang trại, những kế hoạch sản xuất lớn cho tương lai rộng mở. Tôi gọi tạp chí “Bất động sản” là hạt ngọc của giới truyền thông cho đời.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top