Aa

“Hạt sạn” cổ phần hóa, thoái vốn trong mắt nhà đầu tư ngoại

Thứ Bảy, 24/11/2018 - 20:01

Luật sư Sung Mee Hong, phụ trách nghiệp vụ doanh nghiệp và M&A, Công ty Luật Lee&Ko; chia sẻ góc nhìn về những chuyển động chính sách và bất cập liên quan đến việc chào bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài...

 Luật sư Sung Mee Hong, Công ty Luật Lee&Ko.

Luật sư Sung Mee Hong, Công ty Luật Lee&Ko.

Khoảng thời gian không tưởng để thực hiện thương vụ

Việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược tại doanh nghiệp nhà nước được thực hiện theo Nghị định 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) về cổ phần hóa (thay thế Nghị định 59/2011-NĐ-CP) và Thông tư 40/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 4/5/2018 về hướng dẫn Nghị định 126/2017/NĐ-CP.

Các bước chào bán cho nhà đầu tư chiến lược bao gồm: Thiết lập các tiêu chí cho nhà đầu tư chiến lược và tỷ lệ cổ phần sẽ được bán cho nhà đầu tư chiến lược; gửi kế hoạch cổ phần hóa cho ban chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch cổ phần hóa, thông báo công khai tiếng Anh và tiếng Việt; trong vòng 20 ngày kể từ ngày thông báo công khai, doanh nghiệp nhà nước sẽ chọn ra các nhà đầu tư chiến lược tiềm năng; doanh nghiệp nhà nước chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược tiềm năng (đấu giá hoặc thỏa thuận trực tiếp); triển khai và kết thúc hợp đồng bán cổ phần.

Có thể nói, giới hạn thời gian hoàn thành chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược trong vòng 4 tháng kể từ ngày có quyết định phê duyệt kế hoạch cổ phần hóa là rút ngắn đến mức không tưởng (so với quy trình M&A tiêu chuẩn). Nghĩa là không có thời gian để các nhà đầu tư tiềm năng tiến hành thẩm định doanh nghiệp.

Trước đây, theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP, doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa được phép chào bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư chiến lược sau hoặc trước đợt chào bán công khai.

Tuy nhiên, theo Nghị định 126/2017/NĐ-CP, việc lựa chọn và chào bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược phải được thực hiện sau IPO. Phiên đấu giá giữa các nhà đầu tư chiến lược phải được tổ chức sau phiên đấu giá công khai. Giá mua của các nhà đầu tư chiến lược đủ điều kiện không được thấp hơn mức giá chào bán công khai trung bình.

Khung thời gian rất ngắn khiến nhà đầu tư quốc tế không thể tiến hành thẩm định. Thẩm định doanh nghiệp (các rủi ro về tài chính, pháp lý, hoạt động cần được xem xét và đánh giá, quy trình thẩm định thuế, môi trường, công nghệ cũng được triển khai) là khâu vô cùng quan trọng trong quy trình thực hiện một thương vụ M&A.

Nhà đầu tư tiềm năng cũng tiến hành điều tra doanh nghiệp, nhân sự, hồ sơ và tài liệu quan trọng của công ty, mục tiêu là để đánh giá các rủi ro liên quan.

Ngoài quy trình thẩm định, các bài thuyết trình quản lý và khảo sát thực địa cũng thường được thực hiện. Nếu không có quy trình này, các nhà đầu tư nước ngoài gần như không thể tham gia vào các cơ hội đầu tư, bởi vì họ phải đưa ra được các thông tin đầy đủ, rõ ràng về doanh nghiệp mục tiêu mới có thể có được sự chấp thuận của ban điều hành, ủy ban đầu tư.

Các thành viên hội đồng quản trị chịu trách nhiệm ủy thác cho các cổ đông và phải đảm bảo đưa ra quyết định sáng suốt. Thẩm định, xác định giá trị doanh nghiệp phải được thực hiện đúng đắn bài bản, trên cơ sở rà soát chắc chắn các rủi ro. 

Khó tiếp cận thông tin đầy đủ

Trước năm 2017, tên của các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa và tỷ lệ cổ phần Nhà nước sẽ tiếp tục nắm giữ trong doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa sẽ chỉ khả dụng với các nhà đầu tư khi cơ quan có thẩm quyền (ví dụ Thủ tướng Chính phủ hoặc bộ trưởng bộ chủ quản) đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch cổ phần hóa của doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là các nhà đầu tư sẽ chỉ được thông báo về tỷ lệ phần trăm chính xác mà họ có thể mua sau khi quyết định này được công bố, thường là quá muộn.

Gần đây, việc công bố các thông tin này có bước tiến mới khi Quyết định 58/2016/QĐ-TTg đã liệt kê tên của các doanh nghiệp nhà nước cần được cổ phần hóa trong giai đoạn 2016 - 2020 và tỷ lệ vốn nhà nước còn lại sau khi cổ phần hóa; hay Quyết định 1232/2017/QĐ-TTg liệt kê tên của các doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa, trong đó Nhà nước sẽ tiếp tục thoái vốn trong giai đoạn 2017 - 2020 và tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước còn lại (nếu có) sau khi thoái vốn.

Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài vẫn khó tiếp cận được thông tin về doanh nghiệp nhà nước sẽ thoái vốn hoặc tiến độ thoái vốn chính xác với các điều khoản và điều kiện bán cổ phần quan trọng. Thực tế này khiến việc kết nối các nhà đầu tư tiềm năng với cơ hội đầu tư trở nên rất khó khăn. 

Xuất hiện những rào cản mới

Các văn bản pháp lý gần đây cũng nới lỏng một số quy định về cổ phần hóa, như thời gian hạn chế chuyển nhượng vốn đối với các nhà đầu tư chiến lược được rút ngắn từ 5 năm xuống 3 năm; IPO có thể được thực hiện bằng phương thức dựng sổ, xác định giá bán thông qua việc lập sổ lệnh yêu cầu của nhà đầu tư tổ chức, bao gồm số lượng cổ phần và giá mua mà họ sẵn sàng chi trả.

Việc giới thiệu phương thức dựng sổ này được kỳ vọng sẽ làm thay đổi kỳ vọng về giá của Nhà nước gần hơn với nhu cầu thị trường thực tế. Chính phủ cũng khuyến khích thoái vốn các công ty quy mô lớn mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư ở nhiều thị trường hơn…

Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định bất cập, chẳng hạn, khoản ký quỹ mà nhà đầu tư chiến lược được yêu cầu thực hiện đã tăng từ 10% lên 20% tổng giá trị cổ phần được đăng ký theo quy định cổ phần hóa. Tỷ lệ ký quỹ 20% là quá cao so với hầu hết các giao dịch đấu giá cổ phần quốc tế.

Hơn nữa, quy định nếu có từ hai nhà đầu tư chiến lược trở lên và họ đăng ký mua số lượng cổ phần lớn hơn số lượng được đề xuất bán cho các nhà đầu tư chiến lược trong kế hoạch cổ phần hóa đã được phê duyệt thì việc bán cổ phần sẽ được thực hiện thông qua đấu giá trên sở giao dịch chứng khoán sẽ gây khó khăn cho các nhà đầu tư chiến lược trong quá trình đàm phán các quyền và sẽ không có quy trình thẩm định. Điều này cản trở các nhà đầu tư tiềm năng khi họ xem xét tham gia vào quy trình đấu thầu.

Quan trọng hơn, tỷ lệ cổ phần có thể được chào bán cho nhà đầu tư chiến lược là quá thấp.

Theo Nghị định 126/2017, chỉ các doanh nghiệp mà Nhà nước tiếp tục nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ (sau cổ phần hóa) mới được quyền chào bán cổ phiếu của mình cho các nhà đầu tư chiến lược và ít nhất 20% cổ phần trong một doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa phải được bán thông qua hình thức đấu giá công khai.

Như vậy có nghĩa một nhà đầu tư chiến lược không được phép nắm giữ hơn 30% cổ phần của doanh nghiệp. Tôi đã trao đổi và nhận thấy, hầu hết các nhà đầu tư chiến lược (của Hàn Quốc) đặc biệt là những nhà đầu tư chiến lược đang hoạt động cùng ngành đều mong muốn có được quyền cổ đông đa số, hoặc có tác động đến chiến lược của doanh nghiệp.

Cũng cần lưu ý một điểm là thị trường M&A quốc tế hiện nay đang bị chi phối bởi các nhà đầu tư tài chính, quỹ cổ phần. Theo thống kê trong tổng số 360 giao dịch M&A tại Hàn Quốc trong năm 2017 trị giá 41,6 tỷ USD, có 113 giao dịch đầu tư vốn cổ phần tư nhân, trị giá 18,6 tỷ USD.

Đầu tư vốn cổ phần tư nhân trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương đạt mức 122,7 tỷ USD với 445 giao dịch trong năm 2017, tăng 37,7% về giá trị so với 393 giao dịch, trị giá 89,1 tỷ USD trong năm 2016.

Nhưng Nghị định 126 dường như loại trừ khả năng đầu tư của các nhà đầu tư tài chính với quy định hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư chiến lược phải có lợi nhuận trong ít nhất 2 năm và nhà đầu tư chiến lược phải có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp cổ phần hóa chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp, cung cấp nguyên liệu thô và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Chính phủ Việt Nam đã huy động được 6,4 tỷ USD thông qua thoái vốn, cổ phần hóa năm 2017. Kế hoạch năm 2018 đặt ra với con số tuyệt đối nhiều hơn, mục đích là tăng nguồn thu ngân sách, tăng giá trị dài hạn của doanh nghiệp, đóng góp phát triển kinh tế Việt Nam nhiều hơn nữa.

Trên một chuyến bay, tôi đọc được một bài báo phản ánh sự kiện Diễn đàn Kinh tế Thế giới được tổ chức tại Việt Nam. Tiêu đề liên quan đến câu chuyện Việt Nam tăng trưởng thần kỳ, cuối bài báo nói Việt Nam sẽ tăng trưởng theo cách riêng của mình.

Tôi đọc và thấy thú vị vì dường như người ta thấy Việt Nam đang theo đường hướng không phải dựa vào nguồn lực bên ngoài, tăng trưởng tự lực… Nhưng thực tế rất rõ ràng là Việt Nam vẫn phải thu hút các nhà đầu tư từ bên ngoài vào để giúp Việt Nam tăng trưởng dựa trên nội lực.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top