Mới đây, ông Phan Vĩnh Lộc, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hậu Giang có công văn 1179/SXD-QLXD gửi Ban QLDA ĐTXD công trình Dân dụng và Công nghiệp; Ban QLDA ĐTXD công trình Giao thông và Nông nghiệp; Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị được giao làm chủ đầu tư, về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Theo Sở Xây dựng, thời gian qua, việc thực hiện công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã được các chủ đầu tư, các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện, cơ bản phù hợp với các quy định của pháp luật, hoàn thành nhiều công trình, dự án góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình đã được nêu ra tại Kết luận thanh tra số 101/KL-TTr ngày 22/9/2022 của Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng.
Để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh. Sở Xây dựng đề nghị Ban QLDA ĐTXD công trình Dân dụng và Công nghiệp, Ban QLDA ĐTXD công trình Giao thông và Nông nghiệp, Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, UBND huyện, thị xã, thành phố và cơ quan, đơn vị được cấp thẩm quyền giao làm chủ đầu tư dự án có cấu phần xây dựng, khi triển khai thực hiện dự án phải thực hiện nghiêm túc, tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
Một là, về hồ sơ dự án bước chuẩn bị đầu tư, Sở Xây dựng yêu cầu báo cáo nghiên cứu khả thi phải bao gồm đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 54 Luật Xây dựng hiện hành như: phương án kết nối hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài công trình, giải pháp phòng, chống cháy, nổ; Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng và kết quả khảo sát xây dựng để lập thiết kế cơ sở; giải pháp tổ chức quản lý thực hiện dự án, vận hành, sử dụng công trình và bảo vệ môi trường; đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án,...
Hai là, về kế hoạch lựa chọn nhà thầu và công tác lựa chọn nhà thầu: khi trình thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư phải đề xuất hình thức hợp đồng xây dựng phù hợp quy định. Khi tổ chức lựa chọn nhà thầu phải tuân thủ thời gian theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Ba là, về công tác lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt dự toán xây dựng công trình, dự toán gói thầu xây dựng: thực hiện lựa chọn đơn vị tư vấn có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm theo quy định để thực hiện công tác lập, thẩm tra dự toán xây dựng công trình, dự toán gói thầu xây dựng. Chủ đầu tư thực hiện thẩm định dự toán xây dựng công trình, dự toán gói thầu xây dựng đảm bảo đầy đủ nội dung đúng theo quy định tại Khoản 4 Điều 13 và Điều 18 Nghị định số 10/2021/NĐ- CP, đảm bảo dự toán tính đúng, tính đủ, phù hợp với định mức, đơn giá xây dựng công trình do cấp thẩm quyền ban hành, công bố.
Ba là, về công tác quản lý chất lượng công trình, quản lý chất lượng khảo sát xây dựng: nâng cao chất lượng trong các khâu lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ khảo sát; phê duyệt phương án kỹ thuật khảo sát trước khi tiến hành khảo sát, tổ chức giám sát và nghiệm thu kết quả khảo sát xây dựng theo đúng quy định.
Bốn là, đối với quản lý chất lượng thiết kế xây dựng: tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đảm bảo đúng quy định, phù hợp với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng công trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hồ sơ thiết kế phải đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ thiết kế; phù hợp với nội dung dự án đầu tư xây dựng được duyệt, các quy hoạch liên quan, cảnh quan kiến trúc, điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội tại khu vực xây dựng. Nội dung thiết kế xây dựng công trình phải đáp ứng yêu cầu của từng bước thiết kế; tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng, quy định của pháp luật về sử dụng vật liệu xây dựng, đáp ứng yêu cầu về công năng sử dụng, công nghệ áp dụng; bảo đảm an toàn chịu lực, mỹ quan, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng cháy chữa cháy; giải pháp thiết kế phù hợp với yêu cầu sử dụng và chi phí xây dựng hợp lý; ưu tiên sử dụng vật liệu tại chỗ, vật liệu thân thiện với môi trường./.