Bây giờ hè đến, trẻ được nghỉ ở nhà, bố mẹ chạy theo ngày hè của trẻ, như cũng có được hè của mình, dù chỉ là tằn tiện những khoảnh khắc. Nói hài hước rằng trẻ nghỉ Tết, nghỉ hè suốt bao tháng trời hơn hai năm qua cũng có cái đúng dù hơi ngậm ngùi. Nhưng những nửa năm đằng đẵng trong bốn bức tường học trực tuyến, du ngoạn trực tuyến, nó vẫn khác với cảm giác của nghỉ ngơi thật khi mùa hè đến, một mùa hè bình thường trở lại. Thế nên, một hình ảnh em bé trên cánh đồng, phía trước nắng tràn chảy gây cho ta suy nghĩ, về những mùa nghỉ hè tự nhiên mà trẻ cần được hưởng.
Bây giờ đang nắng chảy người, tôi nhớ những buổi trưa không chịu ngủ, rủ nhau lượn vòng vo khắp các ngõ quê ngoại. Gay gắt thế mà cứ đi, tay hay cầm cái que vung vẩy, lùa lùa, khơi khơi cái này cái nọ, đống rơm, đám lá, một bụi cây nhô ra, mấy sợi tơ hồng thả lưa thưa từ cành cao nào đó phía trên đầu, trước mặt, một mép ao lấm tấm bèo ven đường ngõ. Riêng có con chó đá nhỏ ngoài cổng nhà ai hoặc đôi tượng chó ngoài cửa ngôi đền kia thì thôi đừng có vớ vẩn mà đụng vào. May là đã có lần mẹ tôi dặn nên mình cũng tránh, chứ của đáng tội, đôi chó đá thì to hẳn rồi, không dám, chứ con chó đá nho nhỏ, xinh xinh nó ngồi lầm lũi ở ngoài cửa nhà người ta, thấp thấp dưới đất, bụi bặm, bạc màu, nhìn ai mà chẳng thương, muốn chạm vào, muốn... đá cho nó một cái!
Tôi nhớ những buổi trưa không chịu ngủ, rủ nhau lượn vòng vo khắp các ngõ quê. (Ảnh minh họa)
Chúng tôi cứ lang thang trong nắng, từ cổng nhà ông bà ngoại ra ngõ, ra đường làng lên ngõ trên có nhà bác, bà bác trên mẹ ở gần đầu ngõ, bà bác cả ở gần cuối ngõ, mà một ngõ thì dài hun hút cả mấy trăm mét chứ chả chơi. Con đường nhỏ ấy chạy giữa bao nhiêu thay đổi của cảnh vật hai bên, tường nhà, bên tay trái có hai cái ao liền nhau, bên tai phải là cả một đoạn vừa là sân vừa như cái đường gạch rộng, có bậc bước lên, cao hơn hẳn đường ngõ, dẫn đến một cái cổng to, hai bên cái “sân đường” đó là hai dải tường thấp như kiểu tường bao trong sân những nhà khá giả. Nhà này xưa chắc giàu lắm đây! Lúc chúng tôi dừng lại đứng chơi ở đó, anh họ tôi đã nói nhà này giàu từ xưa rồi, có công nông chở các thứ thóc gạo, xi măng, cát sỏi, gạch ngói cho người ta.
Tôi thì tò mò ngồi trên cái gờ dải tường thấp đó mà xem trẻ con nhà quê đá bóng, có hôm là quả bóng nhựa, hôm thì quả bưởi. Nói chung tôi hay ngại những kiểu hò hét, va chạm như thế, chỉ thích ngồi xem, luồn lách chỗ này chỗ nọ mà nhìn mà nghe. Cái “nhà giàu” đó có hai con chó vện to trông rất hung hăng, với con bò lúc nào cũng ở trạng thái nhai một cái gì đó, khi cỏ, lúc lá mía, lúc lại cả đám xơ mít. Con bò ăn ngon lành, sùi cả bọt mép, nhưng tôi vẫn cứ đứng nhìn nó ăn mà lấy làm lạ. Tất nhiên không thể muốn ăn như nó, nhưng giờ lớn lên ngẫm lại cũng thấy mình thật kiên nhẫn đến lạ lùng khi cứ đứng quan sát bò ăn như thế. Lại cả một đàn gà tây khá đông cứ túc túc gọi nhau ở gần đó mà tôi rất ngạc nhiên khi lần đầu thấy những con gà to đến thế, ban đầu còn nghĩ đến những con công vì đuôi bọn gà tây này cũng xòe ra đáng kể, chỉ có cái là lông chúng đen nhánh chứ không sặc sỡ. Chúng rất dạn người, ai đến gần cũng không sợ gì, gặp trẻ con như tôi còn đi theo làm tôi phát hãi phải bỏ chạy.
Chếch chếch bậc bước lên “sân đường” của cái “nhà giàu” ấy là cổng nhà bà bác tôi. Bức tường lưng nhà bác có ô cửa sổ nhỏ trông sang sân nhà hàng xóm ở phía sau, trẻ con đứng trên phản phải kiễng lên, nghển cổ mới nhìn qua ô cửa được, tôi đứng ở đó suốt một lúc lâu xem nhà người ta làm gì, đứa trẻ con lê la nghịch trên sân, một bà bên nhà ấy giặt giũ ở giếng, và ngọn khói chiều mỏng mảnh lên dần. Mỗi lần về quê thì đúng là lạ lẫm, náo nức với tất cả, từ hình con voi được đắp nổi, đứng rất uy nghiêm ở bức tường cổng đình, có đủ cả bành với cờ, với cái vòng to và chuông đeo cổ; đến con nghê mắt rất to đứng trên đỉnh cây cột trụ cao tít mà lúc đó chưa biết gọi là con nghê; đến cái ao gần cuối ngõ chỗ nhà bà bác cả, có những mõm cá cứ thò thụt trên mặt nước, mới nhìn như những cái xoáy nhỏ, thấy cũng hơi sờ sợ; đến cả một mảnh vườn của nhà nào gần đấy mà đi tắt qua đó thì lại lên ngõ đằng nhà ông bà ngoại được, về thẳng cổng nhà luôn, không phải đi tít ra tận đầu cái ngõ này, ra đường làng rồi vòng lên đầu ngõ kia mà về nữa. Phải cái là theo anh họ đi tắt qua cái vườn um tùm ấy, trên lách cách những mảnh ngói vỡ, chúng tôi đã bị chó nhà ấy xồ ra trực đuổi, sợ thót tim.
Tôi lạ cả những người phụ nữ áo cũ, đội sùm sụp cái nón sờn không rõ mặt, bước nhún nhún quang gánh trên vai. Trong nắng hắt lòa xuống, người đang gánh hai bên những gì che kín trong thúng đó, toát lên một vẻ bàng bạc, bí ẩn, dễ gợi đến những liên tưởng về mẹ mìn, những người phụ nữ chuyên đi bắt trẻ con đem bán lên miền núi hoặc đâu đó chẳng biết. Hồi bé, theo lời dọa của bà, của mẹ với các dì, tôi chỉ hiểu rằng, nếu mải chơi quá, lạc đường, có thể bị mẹ mìn lừa bắt đưa đi xa, và thế là hết đường trở về, hết ăn ngon, mặc đẹp, hết được ăn kem, ăn rượu nếp, hết đốt pháo ngày Tết. Thế nên nhìn các bà mà bịt gần kín mặt, do ngày xưa nhiều cái nón có quai to như một cái khăn vải, và mặc quần dài, áo dài tay gần kín mít người là tôi đã có ý đề phòng. Cho đến những lúc mải đùa nhau chạy lung tung trên đường làng, không để ý suýt va vào, và thật đã có lần va vào rồi, bị các bà, các cô ấy mắng um lên, thì vừa sợ nhưng cũng vừa buồn cười, gọi nhau chạy biến.
Những gì đã là xanh mát, là trong lành từ những hàng cây, cánh đồng, ao chuôm, vườn tược quê nhà, hãy cứ giữ gìn mãi mãi. (Ảnh minh họa)
Tôi cứ mê mải dõi theo một cô, một bác nào đấy gánh hai cái thùng theo từng bậc gạch xuống bến nước, khỏa khỏa chút rồi nhấn từng thùng xuống cho đầy nước và gánh lên. Nước sóng ra miệng thùng, lắc rắc con đường của những đốm nước vẽ hoa trên mặt đất vào tận trong ngõ. Lạ là bởi trên thị xã nhà tôi và các gia đình khác dùng nước máy, về quê thấy bể nước mưa để ăn và giếng nước kéo lên tắm giặt, có nhà gánh nước sông, chắc chưa đào giếng hay lấy nước về tưới rau trong vườn chẳng hạn. Rồi thì lạ làm sao từng cụm những bụi tre thật dày, mọc sát nhau, đan chằng chịt, kéo từ mép đường xuống tận sát bờ sông. Sao mà nhiều tre đến thế! Lá tre rụng kín, phủ nhiều đám trên mặt đất, mặt cỏ như những chiếc thảm nâu, vàng, xanh ngai ngái, nhìn dày như có thể nằm lăn ra được.
Và vừa lạ vừa thấy mời gọi là những sân đất lấp ló sau hàng ô rô, mấy chị em nhà kia nhảy dây. Một hiên nhà nào đó, mấy đứa chơi chắt chuyền, tung lên từng nhịp quả bưởi và những cái que rải đều trên cẳng chân như những que tính. Miệng đọc liên liến, tay tung, tay nhặt que cứ thoăn thoắt. Chúng tôi có được tham gia vào những ván ô ăn quan ở sân nhà ai đó bạn của anh họ mà các vốc quân rất lộn xộn bằng những là các mẩu gạch, đá, sỏi nhỏ, lẫn bi màu, bi ve. Hay cái trò kim kỉm kìm kim thì diễn ra trên sân đất, trong vườn nhà ai đó. Mỗi đứa vạch cho mình một ô vuông, vạch chữ thập ở giữa cho thành bốn ô nhỏ, rồi bí mật chôn “con chó” của mình là một viên đá hay sỏi nhỏ vào một trong bốn ô đó, không cho những đứa kia biết. Sau đó đọc to lên “Kim kỉm kìm kim, nhà ai mất chó sang nhà tôi mà tìm”, rồi đứa này sang “nhà” đứa kia tìm “chó”. Chọn một ô, đào thấy “con chó” lúc nãy đưa ra để quy ước, thì thắng, chọn sai ô, không thấy là thua.
Năm nay hè thật là hè, nên dù trẻ con thi cử đến đợt vừa rồi còn cuống cuồng chật vật lắm, nhưng tôi đã thấy nhiều nhà, nhiều bé phấn khởi. Nào là mát rượi những chuyến biển. Nào những đi chơi, đi ăn tíu tít những đồ nướng những kem những chè, rồi mua quần áo, đồ chơi. Nào là xông đến rạp đã mở sau tháng ngày ủ ê. Và nhiều bố mẹ đã “giao” ngay con cho các khóa rèn luyện kỹ năng hè đang mở tơi tới đón đầu. Có trại hè mở bên bờ biển. Có “khóa tu” ngắn cho các cháu về chùa. Rồi đăng ký cho con cái theo các lớp thể dục thể thao, đàn hát, múa nhảy ở trường, ở nhà thiếu nhi. Có mẹ kể chuyện con vào chùa mấy ngày, mặc áo lam ai cũng như ai, thầy thu hết điện thoại, có đứa nghịch gì đó thì cả lũ bị phạt, quỳ quay mặt vào tường. Kể mà hào hứng lắm, con ở nhà thì chiều chuộng hết cỡ nó vẫn không chịu, giờ đi vào môi trường tập thể, có quy củ, nền nếp, cho biết thế nào là “lễ độ”! Có đứa phởn chí khoe, đội múa bọn con được thưởng 200 nghìn đồng, chị phụ trách cho cả lũ đi ăn chè, chị còn bỏ thêm tiền ra, thích quá!
Nhìn các trẻ sống trong phố phường bây giờ náo nức lắm với những vui thú có khi mình nghĩ là quá bé nhỏ, và đọc những nỗi lo của bố mẹ, của thầy cô, sốt hết cả ruột lên thấy con khép kín, trầm cảm, chống đối, suy nhược…, tôi lại nhớ những ngày lang thang trẻ quê xưa. Có cái gì như tự nhiên lắm, như phóng khoáng và bộc trực nơi thôn dã, nơi trẻ quê lang thang, rong chơi, đùa nghịch, và giữa nắng nôi, cây cỏ, giữa những lam lũ nhà nông mà lớn lên, mà nhanh nhẹn, tháo vát.
Tất nhiên, chẳng “lãng mạn xa lông” mà chỉ biết ngợi ca đời sống nông thôn vốn được đề cao một thời ở sự trong lành và những tập quán, lối sống đậm tình cố kết, đùm bọc, nhưng cũng nhiều năm chìm trong thiếu thốn, chật vật lắm lắm! Nhưng có những cái mà ngẫm lại càng thấy quý báu ở nơi thôn xóm khổ nghèo ấy, thì nay phải nhìn nhận đủ đầy hơn để có cách tái tạo, bảo vệ. Đó chính là cái nền thiên nhiên, là một phần cái lõi tâm hồn tự nhiên của người nông thôn, là môi trường quê, sinh thái làng được tạo dựng tự nhiên hàng trăm năm đã trở nên cả một hệ thống, trở nên một kết cấu tươi tốt và rộng mở. Những quý giá đó, nay chẳng rất nhiều nơi đã lung lay, rạn vỡ, úa tàn đi sao!
Mấy anh em đồng nghiệp ngồi thong dong sau buổi họp ngoài sảnh cơ quan trên tầng ba, nhìn con sóc nâu đuôi đỏ nhảy nhót trên những cành nhãn, chuyền thoắt sang cành đa, khuất sau cái hốc này, lại nảy lên ở đám lá nọ, với mấy con chào mào, se sẻ lao veo véo không ngừng. Giữa phố cuồn cuộn quần đảo, có phút giây bên hồ Gươm mà lắng những nghe nhìn sâu vào vùng xanh bao quanh mặt nước, kể cũng đã là một ân hưởng. Tôi mới nhớ đến những con sóc nâu đuổi nhau trên các cành sấu đan vòm mái phố Phan Đình Phùng mà đoán rằng, theo các tàng cây um tùm nóc nhà cao, bầy sóc chắc có thể phiêu lưu khắp thành phố, và chúng coi những chuỗi xanh nối nhau miên man phố này qua đường nọ chính là nhà của mình.
Anh bạn mới gợi một ý hay, hôm nào khích lệ anh em truyền hình làm một phim tài liệu về “hệ sinh thái thành phố”, sẽ liệt kê được nhiều thú vị không ngờ cho mà xem. Tôi mới nghĩ xa xôi về cuộc gặp gỡ trong phố phường của trẻ và thiên nhiên. Có bao nhiêu điều lạ lùng, náo nức còn đón chờ các em xung quanh nhà mình, phố mình, trên những đường rong chơi, chạy nhảy. Người lớn có thể làm gì cho trẻ gặp thiên nhiên trong phố. Có thể gây dựng thiên nhiên trong phố thế nào đây, để trẻ sinh ra, lớn lên nơi này, sẽ luôn được chăm nuôi bằng xanh mát.
Và không riêng ở đây, những gì đã là xanh mát, là trong lành từ những hàng cây, cánh đồng, ao chuôm, vườn tược quê nhà, hãy cứ giữ gìn mãi mãi. Cho trẻ không ngừng được vỗ về, nâng đỡ bằng tự nhiên, bằng thân mật của người cùng cây cỏ, đồng nước. Như thế, cũng đã là những thế giới tuổi thơ, những vũ trụ nhỏ cho trẻ, cho cả người lớn được sống cân bằng, giao hòa và quan tâm, sẻ chia với quanh mình.
Năm nay, trẻ có hè của mình thật hơn. Người lớn cũng theo đó mà có thêm hè trẻ thơ, hè rộn rã của mình. Hè sinh động với đi, tiếp xúc và trải nghiệm, hè giản dị của những điều bình thường trở lại, như nhắc chúng ta tìm giữ lấy hè thật cho con trẻ. Cho chính cả những người lớn đã từng có hè vui và đang băn khoăn thấy mùa hè có nguy cơ tuột khỏi tầm tay con người./.