Aa

Nghĩ từ cửa cũ

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng tunhi2007@gmail.com
Thứ Năm, 23/06/2022 - 06:08

Tôi nghĩ về những cánh cửa mở ra nhẹ nhàng, thân mật trên những đường ra phố, trên đường đi xa, cho mình biết thêm quanh đây có bao nhiêu ao ước, bao nhiêu suy tư không thể nào mình nghe được hết.

Đi qua đằng cuối Hà Đông, phía con đường Cánh Kiến kéo qua những ruộng vườn Ngọc Trục chớm vào đầu Tây Mỗ… Ừ thì phải đi mới thấy chứ, hàng trăm, có khi nghìn cánh cửa mở khép bên đường. Đất chật người đông, biết rằng nhà xây lên chen chúc lắm, nhưng lấy đâu ra đủ chỗ mà nhiều nhà đến vậy!

Con đường này, từ lâu đã là “trung tâm cửa cũ”, mua, bán, sửa sang những cánh cửa chính, cửa sổ đã dùng để bán lại. Bao nhiêu cửa cũ quy tụ về đây, xếp trùng điệp trên những bãi đất rộng, bao quanh các lán nhỏ mượn bóng hàng xà cừ lâu năm đồ sộ. Cửa cũ sơn sửa lại, dành cho các nhà bình dân, thu nhập thấp và vừa, xây sửa nhà quy mô nhỏ, không cần sắm đồ gỗ mới mà đi kiếm những cánh cửa cũ còn tốt về dùng là được rồi. Bao nhiêu nhà khác xây mới, thay đồ, đã bán cửa về nơi này, tha hồ mà chọn. Giá cả phải chăng, còn sử dụng được lâu dài, mẫu mã nhìn vẫn ổn, vẫn vuông vắn, góc cạnh, bóng bẩy.

Cửa như là một biểu tượng của ranh giới, có lúc lại hiện hữu cho sự kết nối, giao thoa. (Ảnh: Nhà báo Trọng Chính)

Nhưng thế nào mà trong mắt nhìn, chắc từ cảm quan mà lây sang ảo giác, tôi cứ thấy những cánh cửa như mỏng đi, hẹp lại, nghiêng dựa bên nhau thật khiêm nhường, lặng lẽ bên con đường cũ kỹ còn phảng phất nét quê quê bàng bạc một thời dài, một bên đã rừng rực lên đô thị mới chèn lẫn các khu tập thể, một bên trải ra những ruộng vườn còn lại, những bãi đất trống bỏ không, chắc cũng chờ dự án nhà cao. Cũng rất thật khi những cánh cửa cũ đưa về đây, nhiều cái người ta phải bào lại, có tháo lắp, có thay thế, và còn cả những vết sứt sẹo, những đường viền cửa đã mòn mà đục, bào thêm vào, khó còn sắc nét như trước.

Cửa cũ như đang thu mình, nhưng lại như thấy mở ra những gì! Trăm nghìn cánh cửa dựng chen nhau ấy, hay dàn ra để sửa chữa, đã đóng, mở bộ mặt và căn phòng bao nhiêu ngôi nhà, những không gian sinh sống các gia đình… Những cái nắm tay cầm nhẹ nhàng, những cái giật mạnh cửa đập vào tường, tiếng ầm còn vang mấy tầng nhà. Tiếng chìa xỏ khóa cửa lách cách, những cánh cửa khép hờ, mở hé, ai khóc, ai đó buồn buồn đằng sau ấy. Những cánh cửa đầm ướt nước mưa ban công che cho người trong phòng khô ráo đêm mưa giông. Những cửa nắng gặm bạc phai qua nhiều năm hơi vênh lên và lớp vỏ gỗ nhám xốp lại, móng tay có thể cạo ra những vụn khô. Những cửa mở phòng khách bóng lộn đá lát khổ lớn, đèn chùm pha lê, cầu thang uốn lượn. Những cửa vào căn nhà thấp hơi tối, thoảng chút hơi ẩm, nhiều năm dường như không có gì thay đổi… Những cánh cửa rời nhà cũ, đơn độc, phai màu, nhưng còn cất đằng sau những bí mật gì. Cảm thấy như đẩy cánh cửa ra, mình có thể gặp rất nhiều số phận.  

Lại nhớ những bức ảnh thiếu nữ áo dài ngồi trong nắng trên bậc thềm biệt thự cổ, lấy nền là cánh cửa xanh cũ, hoa văn uốn kiểu cách. Nhớ đến nhiều cánh cửa sổ thời bao cấp là hai mảng gỗ hình chữ nhật, được ghép từ những miếng dài, có đóng khung chữ Z hay hai, ba thanh gỗ chạy ngang để cố định, dùng một thời gian là hay xẹo xọ, cho nên đóng cửa vào vẫn còn khe rộng, hoặc gỗ mỏng nên chóng sứt, gãy một hai miếng. Trẻ con tò mò có thể đứng ngoài ghé mắt nhìn vào trong nhà người ta. Những đứa trẻ con đứng trên giường, sau chấn song cửa sổ, chân duỗi chân co, sáng khóc ầm ĩ vì bị bố mẹ nhốt vào để đi làm, rồi chuyển sang khóc ti tỉ, lâu lâu sau thì nín, đứng nhìn mọi người thưa thớt qua lại, chào người lớn vanh vách, gọi đứa này đứa kia nói chuyện vì một mình buồn quá. Cái cảnh một đứa sau chấn song, mấy đứa túm tụm ở ngoài, kể lể, chơi cái này cái nọ, lấy hộ cái kia những buổi trưa nắng gay gắt hồi trước, thật là quen thuộc.

Bước vào nhà, đóng cửa lại, là khép kín một thế giới bên trong này. Nhưng khi mở toang ra đón, thì đầy những gặp gỡ, chào mời. (Ảnh minh họa)

Cửa như là một biểu tượng của ranh giới, có lúc lại hiện hữu cho sự kết nối, giao thoa. Bước vào nhà, đóng cửa lại, là khép kín một thế giới bên trong này. Nhưng khi mở toang ra đón, thì đầy những gặp gỡ, chào mời. Cửa đóng chặt như co lại, trú ẩn, tránh né. Cửa mở rộng rãi như muốn tiếp xúc, sẻ chia. Cửa nửa mở nửa khép, cửa đóng hờ, còn gợi cho ta ít nhiều băn khoăn, phỏng đoán, phải như có gì uẩn khúc nơi kia? Cửa đóng một cánh, mở một cánh, nhìn không gian bước vào nhà như cái khung chữ nhật dài và tối cũng lại làm ta suy nghĩ…

Thực ra cứ nghĩ lan man thì nó ra thế, chứ thật tình lắm khi lại thấy, làm gì mà người ta gửi gắm lắm nỗi niềm vào mấy cánh cửa như thế! Có chăng cứ tự đóng tự mở mãi cánh cửa trong tâm cảm của mình rồi thành ra liên tưởng cửa giả nhà người ta, cuộc sống nhà người như thế. Thử đứng nhìn chằm chằm vào cửa nhà ai đó một lúc xem! Thời buổi này, chủ nhà có mà phát hãi, gọi điện cho công an ngay. Cửa chính mà đóng, mình ngồi ngoài xa, lãng đãng gió trời cây lá bay bay, mà đón già đoán non xem có gì diễn ra trong cái nhà ấy nhỉ, không hiểu chủ nhà đứng sau rèm cửa sổ, liệu cũng có tò mò thấy cái tay ngoài kia có nguy cơ hay vô hại gì chăng.

Có lần lang thang hè phố Hải Phòng, thấy một khung cửa cũ, một cầu thang gỗ kiểu xưa dựng chéo từ thềm cửa thẳng lên, phía trên cửa gắn chiếc đinh ba nhỏ chĩa ra ngoài và chiếc gương bát quái, nhiều nhà ở Hải Phòng có gắn kiểu này, tôi tò mò đứng lại nhìn. Và đến sát cửa… ngó lên trên, bởi thấy tò mò trước một thềm cửa đã có ngay bậc thang rồi. Đồng nghiệp đi cùng phải gọi giật lại, đang tự dưng lại ngó vào nhà người ta làm gì, nhỡ người ta hiểu lầm thì lôi thôi ra!

Cửa là một khoảng dừng, một dấu lặng. (Ảnh: KTS Nguyễn Trần Đức Anh)

Chúng tôi cũng đã nhiều lần bước đến, bước vào những cửa nhà gỗ của đồng bào trên những đường đi xa. Những nhà ven đường, dựa lưng vách núi, những nhà lưng dốc trên đường lên bản, mấy nếp nhà co lại gần gần nhau giữa khoảng không gian rộng ngợp sương gió, mây trời. Những cánh cửa ám khói khen khét, người trong nhà cúi hơi thấp thấp nhìn ra, bước ra nghe lời chào hỏi, lạ lẫm thì có, nhưng không thấy nét đề phòng. Còn những nhà vốn đã rộng cửa để đón, thì thôi khỏi phải nói, mình tự cảm thấy chính mình mới khỏi phải có những băn khoăn, những nghi ngại gì trước những nước nôi, những câu chuyện, những ăn uống mà gia đình chủ nhà dành cho, trước những đồ vật dù lạ lùng nhưng gợi nét mộc mạc, cũ càng phủ màu thời gian mà mình nhìn ngắm trong không gian ấy, thấy có chiều quen thân từ khi nào đó.

Tôi nhớ cái then cửa to chốt ngang hai cánh cửa gỗ rộng nhà bà bác ở quê ngoại. Tối đen như mực ngoài sân mà giờ nhớ lại, từ đó bước qua sân gạch ra cổng chỉ chục bước mà tưởng như không nhìn thấy gì. Vừa đóng sáu cánh cửa với ba cái then ngang, dưới lại còn cái chốt to cắm thẳng xuống lỗ trên sàn gạch, vừa hơi sờ sợ pha lẫn chút mừng, vì ngoài kia tối đen đe dọa quá, mà nhanh tay đóng cửa lại thì phần nào yên tâm. Nhưng lên giường nằm thì còn lo lo một lúc, vì đèn dầu tắt hết cả khiến cho trong này cũng tối đen bao trùm, khác gì ngoài kia đâu. Những cánh cửa bỗng trở nên mỏng manh khi tiếng gió hút qua khe, qua vách tường, mái ngói…

Mỗi lần xem chèo, tôi lại nhớ đến những cánh cửa cài then ngang ở nhà bà bác. Nhớ bộ cửa nhà ông bà ngoại với những cánh cửa có con chốt giữ giữa hai góc mỗi bộ cánh cả ở trên và ở dưới, với một ống sắt dài xuyên qua hai vòng đai sắt ở hai đầu, chèn chắc chắn ngang lưng bộ cửa hình như là tám cánh. Sân khấu làm gì có cánh cửa, chỉ có một khoảng… không giữa hai diễn viên. “Phía ngoài”, người muốn vào ghé ghé đầu, tay gõ gõ, nhịp với tiếng nhạc công gõ chiếc mõ mấy tiếng như âm thanh “cốc, cốc, cốc”, người “ở trong”, một chú tiểu đồng hay cô chủ quán, đưa hai tay lên làm động tác tháo cái then và mở hai cánh cửa, trong tiếng gõ tang trống lách cách. Sao mà tôi nhớ cái động tác nhịp nhàng, mềm mại ấy!

Bây giờ trên chung cư, thỉnh thoảng tôi nhìn cánh cửa đóng kín của căn hộ nhà mình và nghe tiếng bước chân lướt qua bên ngoài cùng đôi tiếng lao xao nhè nhẹ. Tôi tò mò không biết người đi qua nói gì. Cũng như khi bước theo hành lang ra thang máy, nhìn những cánh cửa gỗ giống cửa nhà mình, chỉ khác số, mà bản thân kiểu chữ số cũng giống nhau, mình lại tò mò không hiểu những đời sống khác diễn ra thế nào. Tôi nghĩ về những cánh cửa mở ra nhẹ nhàng, thân mật trên những đường ra phố, trên đường đi xa, cho mình biết thêm quanh đây có bao nhiêu ao ước, bao nhiêu suy tư không thể nào mình nghe được hết./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top