Aa

Hé lộ hàng loạt sai phạm tại dự án nhà ở xã hội SDU 143 Trần Phú

Thứ Tư, 14/09/2016 - 21:52

Không chỉ tự ý đổ thêm tầng lửng ở tầng một, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Sông Đà (SDU) còn tự ý mở rộng diện tích tầng tum và chia nhỏ thành nhiều căn hộ sai phép.

Thời gian qua, tại dự án nhà ở xã hội SDU 143 Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội) xảy ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng khiến cư dân và dư luận bức xúc như chủ đầu tư tự ý đổ thêm tầng lửng, tự ý mở rộng diện tích tầng tum, chia nhỏ tầng tum thành nhiều căn hộ… Mặc dù đã được cơ quan chức năng phát hiện từ lâu nhưng cho đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư vẫn chưa hề bị xử phạt gì khiến dư luận đặt ra nhiều nghi ngại.

Cụ thể, dự án nhà ở xã hội SDU 143 Trần Phú do SDU làm chủ đầu tư và thực hiện. Đây là dự án được chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp, với mục đích kinh doanh nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngoài ngân sách.

Dự án được xây dựng trên khu đất bến xe Hà Đông cũ tại số 143 Trần Phú, Hà Đông, TP. Hà Nội, có vị trí thuận lợi trên trục đường chính của quận Hà Đông, được bao quanh bởi bệnh viện, trường học và các cơ quan an ninh.

Toàn cảnh về dự án SDU 143 Trần Phú

Toàn cảnh về dự án SDU 143 Trần Phú

Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng

Dự án có diện tích đất xây dựng 11.370m2, là một tòa nhà 35 tầng gồm 512 căn hộ, tổng diện tích sàn xây dựng là 48.444m2. Tầng 1 gồm khu kinh doanh thương mại rộng 430m2 để phục vụ tiện ích cho các dân cư của tòa nhà và 410m2 làm phòng sinh hoạt cộng đồng. Tầng 2 có diện tích 1.250m2 dùng làm nhà trẻ và mẫu giáo. Tầng 3 được bố trí 300m2 sử dụng làm khu y tế và 950m2 sử dụng làm khu thể thao. Từ tầng 4 đến tầng 35 gồm tổng số 512 căn hộ chung cư với các loại kích cỡ từ 55m2 đến 70m.Trong quá trình xây dựng chủ đầu tư của dự án này là Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà đã tự ý hạ thấp chiều cao 3 tầng 2, 3, 4 để nâng thêm chiều cao tầng một, từ đó đổ thêm tầng lửng ở tầng một.

1/3 còn lại của tầng một, có thể dễ dàng quan sát thấy tầng một cao hơn các tầng còn lại, được chia làm 2 tầng nhỏ (2 mặt sàn).

1/3 còn lại của tầng một, có thể dễ dàng quan sát thấy tầng một cao hơn các tầng còn lại, được chia làm 2 tầng nhỏ (2 mặt sàn).

Theo thông tin trên tờ Kiến thức, tại mặt tiền dự án nhà ở xã hội SDU 143 Trần Phú, 2/3 tầng một được cho thuê làm shop quần áo nhãn hiệu Ivy. 1/3 còn lại của tầng một, có thể dễ dàng quan sát thấy tầng một cao hơn các tầng còn lại, được chia làm 2 tầng nhỏ (2 mặt sàn), trong đó tầng nhỏ dưới có để biển quảng cáo với nội dung: “Bán và cho thuê mặt bằng văn phòng - siêu thị. LH 0913083xxx”. Cả 2 tầng nhỏ của tầng một đều được sơn tường trắng, xung quanh là cửa kính, hiện đang trong quá trình hoàn thiện.

Phần tự ý đổ thêm tầng lửng ở tầng 1.

Phần tự ý đổ thêm tầng lửng ở tầng 1.

Không chỉ tự ý hạ thấp chiều cao 3 tầng 2, 3, 4 để nâng thêm chiều cao tầng một, từ đó đổ thêm tầng lửng ở tầng một, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà còn tự ý mở rộng diện tích tầng tum và chia nhỏ thành nhiều căn hộ sai phép.

... để lên tầng 36, phải đi qua 1 cầu thang bộ.

... để lên tầng 36, phải đi qua 1 cầu thang bộ.

Các căn hộ được chia nhỏ trên tầng 36

Các căn hộ được chia nhỏ trên tầng 36.

Ghi nhận thực tế của PV cho thấy, thang máy của tòa SDU 143 Trần Phú có thể đi đến tầng 35, sau đó, theo cầu thang bộ lên tầng 36. Tại đây, tầng 36 hay còn gọi tầng tum được chia nhỏ thành 16 căn hộ, chưa gắn số, phía ngoài hành lang một phần đã bật điện, phần khác trong tình trạng tối tăm tạo cảm giác bí bách.

Trao đổi trên tờ Pháp luật Việt Nam, Phó Giám đốc SDU thừa nhận có việc đổ tầng lửng ở tầng 1 và có việc chia nhỏ tầng áp mái thành các căn hộ.

"Dù như vậy nhưng chiều cao tổng thể của tòa nhà không vượt quá. Khu vực đổ thêm tầng lửng là để cho đơn vị quản lý vận hành tòa nhà làm việc.

Tầng áp mái bản thân trước đó gọi là tầng dịch vụ, Công ty đã  phân chia thành các phòng, quan điểm của công ty là từ nay về sau không có bán hoặc cho thuê, phục vụ chung cho tòa nhà.

Phía công ty cũng có đội ngũ kĩ thuật và đơn vị quản lý vận hành tòa nhà, đây sẽ là chỗ cho anh em, kĩ thuật, nhân viên công ty nghỉ ngơi", vị lãnh đạo SDU cho hay.

Và theo ông này thì dù sai phạm như vậy nhưng không làm tăng thêm mật độ, không làm ảnh hưởng đến dân cư trong tòa nhà.

Nên xử lý mạnh như vụ 8B Lê Trực

Trước những thông tin trên, trao đổi với báo chí, Luật sư Lê Ngọc Hoàng – Trưởng văn phòng Luật sư Long Tâm (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội), Luật sư Hoàng cho biết:

Việc xây dựng trái phép đó đã rõ, theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 106 Luật Xây dựng 2014 quy định về nghĩa vụ của người xin cấp giấy phép xây dựng: Thực hiện đúng nội dung của giấy phép xây dựng; khi có sự điều chỉnh, thay đổi thiết kế phải được sự chấp thuận của cơ quan cấp giấy phép xây dựng.

Các vi phạm của chủ đầu tư là rất nghiêm trọng. Để sảy ra hàng loạt sai phạm như trên, trách nhiệm đi đầu thuộc về chủ đầu tư dự án.

Cũng theo Luật sư Hoàng: Việc chủ đầu tư cho xây dựng tầng lửng ở tầng 1 đồng nghĩa với việc chủ đầu tư đã cố tình xây dựng sai với Giấy phép xây dựng ngay từ đầu.

Không chỉ có chủ đầu tư, việc quy trách nhiệm cũng không thể thiếu đối với  các đơn vị liên qua như: Đơn vị tư vấn giám sát, Đơn vị thi công, Các lực lượng Thanh tra xây dựng đô thị các cấp từ Phường, Quận, Thành phố.

Luật sư Hoàng cho rằng: Để những sai phạm động trời như vậy sảy ra, đơn vị tư vấn giám sát công trình đã không hoàn thành nhiệm vụ khi biết việc thi công xây dựng là “sai giấy phép” mà vẫn “làm ngơ”.

Đơn vị thi công về nguyên tác phải thi công theo Bản vẽ được đóng dấu phê duyệt của cơ quan chức năng theo quy trình thi công xây dựng mà vẫn “Nhắm mắt làm liều”.

Các lực lượng Thanh tra xây dựng đô thị các cấp từ Phường, Quận, Thành phố đã “thiếu trách nhiệm một cách khó hiểu” trong việc kiểm tra, giám sát công trình lừng lững giữa Thủ đô đê đến mức vi phạm “con voi chui lọt lỗ kim” như vậy.

Như vậy cần phải quy trách nhiệm cụ thể có từng cá nhân, để có hình thức xử phát đúng người đúng tội, đảm bảo tính thượng tôn của pháp luật.

Luật sư Hoàng cho biết, theo quy định pháp luật xây dựng thì các chủ thể sẽ phải chịu chế tài xử phạt như sau:

Đối với Chủ đầu tư, đơn vị thi công có hành vi vi phạm phải bị xử phạt hành chính với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng (Điểm C khoản 5 Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ: “Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình thuộc trường hợp phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình hoặc lập dự án đầu tư xây dựng công trình".

Đi kèm với đó, buộc Chủ thể vi phạm thực hiện “Biện pháp khắc phục hậu quả” theo quy định tại  Khoản 3, Điều 5 Nghị định 121/2013/NĐ-CP là: Buộc phá dỡ các bộ phận công trình xây dựng vi phạm(Tức là phải phá dỡ các bộ phần/Phần xây dựng không đúng theo thiết kế đã được cấp phép).

Luật sư Hoàng có ý kiến rằng: Cần phải áp dụng nghiêm nguyên tắc “thượng tôn pháp luật”. Theo đó cơ quan chức năng cần phải tiếp tục áp dụng biện pháp xử lý như đã thực hiện tại Tòa nhà 8B Lê Trực.

Xem xét có dấu hiệu “cấu kết, dung túng, bao che cho chủ đầu tư” của những cán bộ trong các cơ quan Quản lý - Thanh tra xây dựng liên quan đến Công trình xây dựng Dự án SDU 143 Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội) hay không?

Qua đó để xử lý nghiêm nếu vi phạm, đồng thời góp phần làm trong sạch vững mạnh đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý – thanh tra xây dựng của Thủ đô.

Cần phải tăng mức xử phạt hành chính đối với các hành vi: “Cố tình vi phạm, tái phạm, thu lợi nhuận lớn đối với các chủ thể vi phạm trong lĩnh vức xây dựng nói chung” hoặc quy định “Mức định lượng về khối lượng xây dựng vi phạm, giá trị vi phạm, hành vi cố ý vi phạm… mà vượt qua đó chủ thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Giải pháp này tránh tình trạng “Mức phạt quá nhẹ só với lợi nhuận thu được từ các hành vi cố tình vi phạm trật tự xây dựng đã và đang diễn ra tràn lan trên địa bàn Thủ đô hiện nay”.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.

Được biết, dự án nhà ở xã hội SDU 143 Trần Phú là dự án nhà ở xã hội thuộc diện được vay gói 30.000 tỉ đồng bị phanh phui sai phạm đầu tiên. Theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng về việc chấp hành pháp luật trong cổ phần hóa, quản lý, sử dụng vốn, tài sản, Công ty SDU đã có nhiều sai phạm trong việc triển khai dự án xây dựng nhà ở xã hội 143 Trần Phú.

Công ty SDU đã sai phạm khi dự toán tính thêm chi phí vận chuyển lên cao đối với gạch vữa xây, dẫn đến tăng sai số tiền hơn 1,6 tỉ đồng; trong việc lắp đặt ống cấp nước lạnh cũng tính thêm chênh lệch khiến tăng vốn đến hơn 536 triệu đồng.

Bên cạnh đó, đoàn thanh tra cũng phát hiện số tiền tạm ứng chưa được quyết toán lên đến hơn 12,9 tỉ đồng. Đồng thời SDU đã đầu tư vượt vốn chủ sở hữu, dẫn đến thiếu vốn trầm trọng cho sản xuất, kinh doanh phải đi vay ngân hàng, dẫn đến chi phí tài chính lớn, chiếm đến 16,8% doanh thu.

Thanh tra Bộ Xây dựng cũng phát hiện riêng trong năm 2014, ông Hoàng Văn Anh là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty ký ban hành 38 Nghị quyết, nhưng không có sự tán thành của đa số thành viên Hội đồng quản trị công ty.Thanh tra Bộ Xây dựng đã yêu cầu Công ty SDU phải giảm trừ dự toán số tiền hơn 2,1 tỉ đồng và tiếp tục nộp về ngân sách nhà nước số tiền nợ thuế của năm 2014 trên 14,3 tỉ đồng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top