Có ý kiến cho rằng, cần sớm xem xét giảm hệ số rủi ro tín dụng với một số phân khúc bất động sản khác và tăng hệ số rủi ro tín dụng với bất động sản có tính đầu cơ.
Tại Nghị quyết số 44/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023, Chính phủ yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi sát tình hình, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để ưu tiên hơn nữa cho thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội.
Theo Chính phủ, NHNN phải có giải pháp tiếp tục đẩy mạnh giải ngân các gói tín dụng 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, 15 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Đáng chú ý, tại Nghị quyết số 44, Chính phủ yêu cầu khẩn trương xem xét, điều chỉnh phù hợp theo thẩm quyền hệ số rủi ro tín dụng đối với các phân khúc bất động sản khác nhau.
Trước đó, việc xem xét điều chỉnh hệ số rủi ro với tín dụng bất động sản đã được Chính phủ yêu cầu NHNN triển khai thực hiện tại Nghị quyết số 33/NQ-CP tháng 3/2023. Theo đó, Chính phủ yêu cầu thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, trong đó chỉ đạo NHNN xem xét điều chỉnh phù hợp hệ số rủi ro tín dụng đối với các phân khúc bất động sản khác nhau.
Về hệ số rủi ro với tín dụng bất động sản, tháng 4/2023, NHNN đã dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Dự thảo).
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 41/2016/TT-NHNN đề xuất giảm hệ số rủi ro với các khoản cho vay để mua nhà ở xã hội và khoản cấp tín dụng tài trợ dự án kinh doanh bất động sản khu công nghiệp.
Theo quy định tại Thông tư số 41, hệ số rủi ro tín dụng 200% được áp dụng đối với tài sản là khoản cấp tín dụng tài trợ dự án kinh doanh bất động sản. Tại Dự thảo, nội dung này được sửa đổi thành: “Hệ số rủi ro tín dụng 200% được áp dụng đối với tài sản là khoản cấp tín dụng tài trợ dự án kinh doanh bất động sản. Trường hợp đối với tài sản là khoản cấp tín dụng tài trợ dự án kinh doanh bất động sản khu công nghiệp, hệ số rủi ro tín dụng là 160%”.
Dự thảo cũng đề xuất giảm mạnh hệ số rủi ro với các khoản cho vay để mua nhà ở xã hội, mua nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ từ mức 25% - 100% xuống còn 12% - 50% tùy theo tỷ lệ bảo đảm (LTV) và tỷ lệ thu nhập (DSC).
Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn thị trường tài chính của Đại học Kinh tế TP.HCM, việc giảm hệ số rủi ro với cho vay mua nhà ở xã hội và tín dụng tài trợ các dự án kinh doanh bất động sản khu công nghiệp là phù hợp với mục tiêu khuyến khích phát triển hai loại hình bất động sản này, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp tiếp cận được vốn vay với chi phí thấp hơn, phát triển được các khu công nghiệp với chi phí hợp lý hơn. Một số phân khúc bất động sản nhà ở khác cũng cần được giảm hệ số rủi ro như nhà ở cho người thu nhập trung bình. Trong khi đó, nhà ở cao cấp, biệt thự, bất động sản nghỉ dưỡng là những phân khúc có tính đầu cơ cao thì có thể tăng hệ số rủi ro tín dụng lên trên mức 200% để hạn chế đầu cơ.
“Đây là những điểm cần làm rõ khi sửa đổi hệ số rủi ro với tín dụng bất động sản. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh giải ngân gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội để tạo nguồn vốn tích cực cho thị trường”, ông Huân nhấn mạnh.
Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cần sớm triển khai kiểm soát rủi ro tín dụng bằng cách điều chỉnh lại hệ số rủi ro đối với các phân khúc bất động sản. Trong đó, Bộ Xây dựng cần là đầu mối để cơ cấu lại thị trường bất động sản theo các phân khúc khác nhau như nhà ở xã hội, nghỉ dưỡng… để ngành ngân hàng có căn cứ thực hiện.