Thanh khoản tín dụng có dư thừa
Ngày 7/9, tại Hội nghị Giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp do Chính phủ tổ chức, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận định, hiện thanh khoản của các tổ chức tín dụng được đảm bảo và có dư thừa, mặt bằng lãi suất thị trường liên ngân hàng ở mức thấp, thị trường hoạt động thông suốt.
Theo thông tin từ NHNN, đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87). Đặc biệt, trong 3 năm gần đây, tín dụng toàn hệ thống tăng thêm bình quân khoảng 1 triệu tỷ đồng/năm (năm 2019 hơn 984 nghìn tỷ, năm 2020 hơn 997 nghìn tỷ, năm 2021 hơn 1,25 triệu tỷ, năm 2022 gần 1,5 triệu tỷ đồng - đây là số tín dụng tăng thêm ròng).
Có thể thấy, thực tế doanh số cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng cung ứng vốn ra nền kinh tế trong năm lớn hơn rất nhiều lần, cụ thể: Năm 2019 doanh số cấp tín dụng toàn hệ thống khoảng 13,2 triệu tỷ đồng; năm 2020 là 14,3 triệu tỷ đồng; năm 2021 là 17,4 triệu tỷ đồng; năm 2022 là 19,7 triệu tỷ đồng; 06 tháng đầu năm 2023 gần 10,2 triệu tỷ đồng.
“Điều này thể hiện hệ thống ngân hàng đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ trung gian cung ứng vốn cho phục hồi và phát triển kinh tế phần lớn nhờ vào việc TCTD thực hiện thu nợ cũ để cho vay mới (Số liệu thu nợ năm 2019 là 12,2 triệu tỷ đồng; năm 2020 là 13,7 triệu tỷ đồng; năm 2021 là 16,2 triệu tỷ đồng; năm 2022 là 18,2 triệu tỷ đồng; 06 tháng đầu năm 2023 gần 9,6 triệu tỷ đồng)”, NHNN nhấn mạnh.
Theo NHNN, đối với tín dụng theo loại hình TCTD, dư nợ tín dụng của NHTM nhà nước là 5.908 nghìn tỷ đồng, tăng 3,96% so với cuối năm 2022, chiếm 47,40% tổng dư nền kinh tế;
(ii) Tín dụng của nhóm NHTMCP là 5.530 nghìn tỷ đồng, tăng 6,01% so với cuối năm 2022, chiếm 44,37%;
(iii) Tín dụng của nhóm TCTD nước ngoài là 617 nghìn tỷ đồng, tăng 2,09%, chiếm 4,95% so với cuối năm 2022;
(iv) Tín dụng của nhóm công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính là 253 nghìn tỷ đồng, giảm 3,21% so với cuối năm 2022, chiếm 2,02%;
(v) Tín dụng của Quỹ tín dụng nhân dân là 158 nghìn tỷ đồng, giảm 0,79% so với cuối năm 2022, chiếm 1,26% dư nợ nền kinh tế.
Đối với tín dụng theo ngành kinh tế, dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 910 nghìn tỷ đồng (tăng 2,2%, chiếm 7,3%), ngành công nghiệp và xây dựng đạt gần 3,3 triệu tỷ đồng (tăng 4,81%, chiếm 26%), ngành dịch vụ đạt trên 8,3 triệu tỷ đồng (tăng 4,70%, chiếm 66,67%).
Đối với cấp tín dụng theo loại hình kinh tế, dư nợ tín dụng doanh nghiệp nhà nước15 đạt 402.036 tỷ đồng, giảm 4,73% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng 3,23% tổng dư nợ nền kinh tế;
(ii) Dư nợ tín dụng doanh nghiệp tư nhân đạt 5.504.434 tỷ đồng, tăng 7,45%, chiếm tỷ trọng 44,15%;
(iii) Dư nợ tín dụng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 460.750 tỷ đồng, tăng 8,94%, chiếm tỷ trọng 3,70%;
(iv) Dư nợ tín dụng đối với Hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã đạt 5.753 tỷ đồng, giảm 8,92%, chiếm tỷ trọng 0,05%;
(v) Dư nợ tín dụng đối với Hộ kinh doanh, cá nhân đạt 5.938.129 tỷ đồng, tăng 1,61%, chiếm tỷ trọng 47,63%;
(vi) Dư nợ khác đạt 155.138 tỷ đồng, tăng 45,85% và chiếm tỷ trọng 1,24% tổng dư nợ nền kinh tế.
Còn đối với tín dụng lĩnh vực ưu tiên, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt trên triệu tỷ đồng, chiếm 22,37% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 3,75% so với cuối năm 2022;
(ii) Tín dụng đối với DNNVV đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng, chiếm 18,22%, tăng 3,95% so với cuối năm 2022;
(iii) Tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu đạt khoảng 330 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,64%;
(iv) Tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt trên 335 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,69%, tăng 13,47% so với cuối năm 2022;
(v) Tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao là khoảng 44,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,36%, tăng 16,09% so với cuối năm 2022.
Đối với tín dụng lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông là gần 92 nghìn tỷ đồng, giảm 0,22% so với cuối năm 2022, chiếm 0,75% tổng dư nợ cấp tín dụng đối với nền kinh tế;
(i) Tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán là trên 68 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,55% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 62% so với cuối năm 2022;
(iii) Tín dụng lĩnh vực bất động sản đạt trên 2,7 triệu tỷ đồng tặng 4,99% so với cuối năm 2022, chiếm 21,74% tổng dư nợ nền kinh tế, tỷ lệ nợ xấu là 2,58%.
Cùng với đó, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng đạt trên 2,7 triệu tỷ đồng, tăng 4,99% so với cuối năm 2022, chiếm 21,73% dư nợ nền kinh tế.
Và tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH đạt 305.144 tỷ đồng, tăng 7,69% so với tháng 12/2022 với hơn 6,7 triệu khách hàng còn dư nợ. Được biết, dư nợ tập trung ở một số chương trình cho vay hộ nghèo đạt 33.162 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo đạt 41.360 tỷ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo đạt 44.556 tỷ đồng; cho vay học sinh, sinh viên đạt 12.365 tỷ đồng; cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đạt 24.264 tỷ đồng; cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn đạt 53.066 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm đạt 71.111 tỷ đồng.
Đẩy mạnh cho vay người mua nhà
Nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, đặc biệt tổ chức, cá nhân khi tiếp cận tín dụng, góp phần phát triển thị trường bất động sản lành mạnh trên cơ sở bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, thời gian qua, NHNN đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, cụ thể: NHNN đã có văn bản 2931/NHNN-TD ngày 24/04/2023 yêu cầu các TCTC tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận tín dụng khi đáp ứng đầy đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định; tập trung nguồn vốn tín dụng đối với dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ và phát triển.
Đồng thời, xem xét cấp tín dụng đối với cả chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trường bất động sản; chủ động kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, mục đích sử dụng vốn vay, thu nợ đầy đủ, đúng hạn. Đẩy mạnh cho vay người mua nhà, thu nợ người bán nhà trong cùng một dự án.
Đặc biệt đối với chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng, NHNN đã khẩn trương có văn bản số 2308/NHNN-TD ngày 01/4/2023 hướng dẫn các nội dung chính về lãi suất, thời gian ưu đãi để đảm bảo triển khai thống nhất cho các NHTM và các khách hàng thuộc đối tượng vay vốn; chương trình đã triển khai từ 01/4/2023.
Cùng với đó, Bộ Xây dựng đã có Công văn số 1551/BXD-QLN ngày 20/04/2023 hướng dẫn xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
“Ngày 16/6/2023, BIDV đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 01 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ tham gia chương trình với số tiền cấp tín dụng khoảng 95 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân 23,7 tỷ đồng. Agribank cũng đã cấp tín dụng đối với 01 dự án với số tiền cam kết cấp tín dụng là 950 tỷ đồng, dự kiến giải ngân trong quý III. Được biết, các NHTM đang tiếp cận khoảng 16 dự án (Agribank 11 dự án, BIDV 5 dự án)”, NHNN thông tin.
Bên cạnh đó, NHNN đã có nhiều chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Cụ thể, thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2023, Nghị quyết 59/NQ-CP ngày 23/4/2023 của Chính phủ, NHNN đã ban hành Thông tư 02/2023/TT- NHNN ngày 23/4/2023 quy định về việc TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Đồng thời, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 23/5/2023 về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023/TT-NHNN.
Có thể thấy, việc NHNN cho phép TCTD cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn không có khả năng trả nợ đúng hạn sẽ tạo điều kiện cho khách hàng được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu. Qua đó, khách hàng có điều kiện được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Đồng thời, khách hàng có nguồn tài chính để tìm kiếm việc làm, nguồn thu nhập mới để trả nợ vay tại các TCTD.
“Đến cuối tháng 7/2023, lũy kế tổng giá trị nợ (gốc và lãi) được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khoảng 96.000 tỷ đồng, với gần 97.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ”, NHNN cho biết.
Cuối cùng, để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, NHNN và các TCTD đã phối hợp các Bộ, ngành, địa phương, các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, các Hội nghị tín dụng lĩnh vực bất động sản, Hội nghị tín dụng vùng Đông Nam Bộ nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Được biết, đến cuối quý II/2023, đã có khoảng 320 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp được tổ chức trên toàn quốc; thông qua Chương trình, các TCTD đã thực hiện kết nối, hỗ trợ cho trên 145.000 doanh nghiệp với dư nợ được hỗ trợ là 1,4 triệu tỷ đồng thông qua các biện pháp như cho vay mới, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hỗ trợ khác (điều chỉnh giảm lãi suất, giảm phí...)./.