Đánh giá hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam năm 2018, báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, tổng tài sản hệ thống tăng khoảng 11,5% so với cuối năm 2017; trong đó, tổng tín dụng ước tăng khoảng 14-15% (năm 2017 tăng 17,6%).
Đó là mức tăng trưởng thấp nhất trong ba năm gần đây, nhưng phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Theo các tổ chức tín dụng báo cáo, dư nợ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản năm 2018 chiếm khoảng 16,6% tổng tín dụng của toàn hệ thống; dư nợ cho vay phục vụ đời sống chiếm 18,8% tổng dư nợ.
Trong năm 2018, nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư của hệ thống tăng trưởng ổn định so với năm 2017. Vốn huy động ước tăng 15% so với năm 2017 (năm 2017 tăng 14,6%).
Đáng chú ý, huy động vốn ngoại tệ tăng mạnh năm qua. Vốn huy động ngoại tệ tăng khoảng 17% (năm 2017: 2,1%), nhưng tỷ trọng vẫn ở mức thấp, chiếm 9,9% tổng vốn huy động. Vốn huy động VND tăng khoảng 14,3%, chiếm 90,1% tổng vốn huy động.
Thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng ổn định, do vốn huy động tăng trưởng ổn định trong khi tín dụng tăng thấp hơn so với các năm trước. Cuối năm 2018, tỷ lệ tín dụng/huy động (LDR) bình quân của hệ thống là khoảng 87,5% (năm 2017: 87,8%).
Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn bình quân đã giảm đáng kể, xuống còn 28,7% (năm 2017: 30,4% ). Các ngân hàng thương mại đã chủ động cơ cấu lại kỳ hạn huy động và cho vay để đáp ứng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn dưới 40% từ 1/1/2019.
Cũng theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, năm 2018, kết quả kinh doanh của các tổ chức tín dụng tăng trưởng khả quan. Lợi nhuận sau thuế ước tăng khoảng 40% so với năm 2017 (năm 2017 tăng 52,3%). Các chỉ tiêu sinh lời tiếp tục được cải thiện, ROA ước đạt 0,9% (năm 2017: 0,73%), ROE ước đạt 13,6% (năm 2017: 11,22%).
Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) bình quân của hệ thống tổ chức tín dụng năm 2018 cũng được cải thiện. CAR toàn hệ thống đạt 11,1%, do vốn tự có tăng 12,2%, trong khi tổng tài sản có rủi ro tăng thấp hơn (khoảng 10,8%). Tỷ lệ vốn cấp 1/tổng tài sản có hệ số rủi ro là 8,8% (năm 2017 là 7,8%).
Về nợ xấu, theo báo cáo từ các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu 2018 giảm nhẹ so với cuối năm 2017, ở mức 2,4% (năm 2017: 2,5%). Dự phòng rủi ro tín dụng tăng khoảng 30,1% so với cuối năm 2017. Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng so với nợ xấu báo cáo cải thiện rõ rệt, lên mức 78,2% so với mức 65,4% năm 2017.
Giá trị xử lý nợ xấu năm 2018 tăng khoảng 30% so với năm 2017 (không bao gồm nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC). Trong đó, sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng chiếm 59,8%; thu nợ từ khách hàng chiếm 33,2%; bán phát mại tài sản chiếm 3%, còn lại bằng các hình thức khác.
Một số ngân hàng thương mại đã tất toán toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC hoặc chủ động mua lại các khoản nợ đã bán cho VAMC để tự xử lý. Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 42, hệ thống tổ chức tín dụng xử lý được khoảng 30% nợ xấu xác định tại thời điểm 15/8/2017.