Xe bus đi trong làn đường riêng với rào chắn cao ngăn không để các phương tiện khác lấn làn. (Ảnh: Đỗ Quyên/Vietnam+)
TransJakarta còn được gọi là Bus Rapid Transit (BRT) - hệ thống xe buýt nhanh của một trong những thành phố đông đúc nhất thế giới.
Có thể còn nhiều vấn đề khiến Jakarta vẫn là thành phố được đánh giá có tình trạng giao thông tồi tệ vào hàng nhất thế giới. Tuy nhiên, nếu nhìn vào hệ thống xe buýt nhanh Transjakarta, không thể phủ nhận sự hiệu quả của loại hình giao thông công cộng này.
Hệ thống TransJakarta được Indonesia thiết lập từ hơn 12 năm trước (đầu năm 2004) nhằm tạo ra một hệ thống giao thông công cộng tiện lợi với giá thành rẻ và khuyến khích người dân giảm việc sử dụng phương tiện cá nhân, góp phần giảm lưu lượng giao thông, nhất là trong các khung giờ cao điểm.
Cô Atreka, y tá tại một bệnh viện của Jakarta, cho biết: "Hằng ngày tôi đi làm bằng xe buýt, từ nhà đến chỗ làm tôi đi mất khoảng 30 phút, tôi chọn Transjakarta vì xe buýt đi nhanh hơn và an toàn hơn. Xe buýt có đường riêng nên dù vào những giờ cao điểm, đường chung có bị ùn tắc thì xe buýt vấn có thể đi nhanh trong làn đường riêng. Tôi không thấy có các xe khác đi vào đường riêng của xe buýt, vì tôi biết là cảnh sát sẽ phạt nặng những người vi phạm.”
Ông Asro Rudim, một người dân của Jakarta cũng coi xe buýt là phương tiện giao thông tiện lợi, nói rằng: “Tôi làm ở Sở địa chính thành phố, hằng ngày tôi đều đi lại bằng xe buýt vì thấy phương tiện này rất tiện lợi, dễ dàng và nhanh chóng. Tôi phải chuyển chặng 2 lần để đến được cơ quan trên đường Sudirman, nhưng nó rất dễ dàng và tôi mất 1 giờ để đi từ nhà đền cơ quan. Không có phương tiện cá nhân nào được phép đi vào đường riêng của xe buýt vì đây là quy định, kể cả khi giờ cao điểm và đường chung bị tắc do có quá nhiều phương tiện đi lại thì xe buýt vẫn có thể đi nhanh.”
Xe bus đón trả khách tại trạm. (Ảnh: Đỗ Quyên/Vietnam+)
Hiện nay, toàn thành phố có khoảng hơn 500 xe hoạt động động trong khung giờ phổ biến từ 5 giờ đến 22 giờ, một số tuyến đặc biệt thì hoạt động suốt ngày đêm.
Transjakarta đã phủ tới khắp các khu vực của Thủ đô bao gồm 12 tuyến chính với hơn 200 trạm dừng đón trả khách.
Mỗi xe buýt có thể chở tối đa lên đến 80 hành khách, dù chỉ có 30 chỗ ngồi nhưng có khoang đứng khá rộng. Các trạm xe buýt ở Indonesia thường được liên thông với nhau bằng những con đường riêng dành cho người đi bộ. Giá của mỗi lần qua cửa trạm là 3.500 rupia (tương đương khoảng 6.500 đồng).
Nếu đổi tuyến xe mà không ra khỏi trạm thì không cần phải trả thêm tiền. Những trạm cách xa nhau cũng được nối với nhau bằng các cầu đi bộ có mái che để người dân có thể đổi tuyến bằng cách đi bộ từ trạm này qua trạm khác rất tiện lợi.
Hệ thống cầu đường bộ nối với các trạm xe bus hoặc để người dân sang đường. (Ảnh: Đỗ Quyên/Vietnam+)
Các trạm xe buýt được bố trí cùng bên với làn đường riêng và mỗi trạm đều được kết nối với hệ thống cầu sang đường. Tất cả các trạm xe buýt ở Jakarta đều xây rất cao, cách mặt đường khoảng 1m để phù hợp với thiết kế của xe buýt trong hệ thống TransJakarta. Điều đó khiến xe buýt chỉ có thể đón trả khách tại trạm chứ không thể thả khách dọc đường.
Thực tế giao thông ở Jakarta cho thấy những chiếc xe buýt lớn 2 khoang mang tên TransJakarta tỏ ra khá hiệu quả nhất là vào giờ cao điểm bởi chúng được thiết kế làn đường riêng với dải phân cách cao, ngăn không cho các phương tiện khác lấn làn.
Thực ra thì ở mỗi đầu đường hoặc phân đoạn đường vẫn có phần đường mà các phương tiện nếu cố tình vẫn có thể lấn sang, tuy nhiên, đã thành ý thức và một phần do cảnh sát sẽ phạt nặng những người vi phạm nên không có phương tiện cá nhân nào chạy lấn vào làn dành riêng cho xe buýt.
(Ảnh: Đỗ Quyên/Vietnam+)
Chính điều đó đã giúp cho hoạt động của xe buýt thực sự hiệu quả kể cả trong giờ cao điểm, khi các phương tiện khác dày đặc trên đường.
Trong khi tắc đường là vấn nạn của thành phố Jakarta thì xe buýt thực sự là lựa chọn tối ưu cho mọi người tham gia giao thông./.