|
Bãi biển hoang sơ này nằm trong vùng lõi bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia có tên dân gian là “Bãi Thịt”, bởi đây là nơi dân địa phương thường tới bắt rùa biển để lấy thịt. Ngày nay, Bãi Thịt là khu vực được bảo vệ. Ðây là nơi duy nhất trên đất liền Việt Nam có rùa về đẻ trứng mùa hè hàng năm.
Những người tình nguyện đã quyên góp xây dựng ngôi nhà dành cho các tình nguyện viên, kiểm lâm và các nhà khoa học nghỉ và làm việc, trong đó có cả những đóng góp đáng yêu của các bạn nhỏ bán tranh vẽ về trái đất và môi trường.
Việc xây dựng vô cùng khó khăn khi không có điện, không nước ngọt và không đường giao thông. Bên cạnh đó, cần bảo vệ nghiêm ngặt môi trường sinh thái khu vực từ rừng cây, địa hình cho đến rặng san hô ven biển.
Nhóm thực thi đã phải đi vào làng mạc xung quanh tìm kiếm từng người thợ, thuyết phục họ cùng chung sức làm công trình. Việc vận chuyển vật liệu diễn ra vô cùng khó khăn, nguy hiểm khi diễn ra cả trong những ngày biển động, giông, bão.
Sự sáng tạo và chung sức của người thợ địa phương đã giúp KTS chọn lựa vật liệu và xử lý các vấn đề kỹ thuật đầy ngẫu hứng theo kinh nghiệm bản địa: vật liệu xây cơ bản là đá granite thừa đã bị loại thải, mua rẻ tại mỏ cách đó 30km, mái lợp tre và phủ nhựa như kỹ thuật làm thuyền thúng của dân chài địa phương, kèo gỗ và tre đều ngâm nước biển chống mối mọt, kết cấu gỗ neo chằng mang tính chống bão cao…
Ngôi nhà có tên gọi “anh hùng” bởi muốn ghi nhận sự đóng góp to lớn chung sức đầy quả cảm của những con người góp sức nên, từ những nhà khoa học đầy tâm huyết bảo vệ loài rùa, đến các người dân địa phương.
Từ nay, những “người anh hùng” sẽ được bảo vệ bởi những người anh hùng từ chính ngôi nhà anh hùng…