Tăng chi phí xã hội
Bộ GTVT vừa gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý và hoàn thiện lại dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Theo đó, Bộ GTVT đồng thuận với ý kiến đề xuất quản lý của các cơ quan có quan điểm cho rằng hoạt động của loại hình vận tải Grab, Uber cần có các quy định chặt chẽ, chịu sự quản lý như taxi. Dự thảo mới nhất này cũng bỏ quy định “taxi điện tử” đã được đưa ra tại bản dự thảo đã trình ngày 31/7. Như vậy, nếu được thông qua, các ứng dụng gọi xe điện tử như Grab, Go-Viet... sẽ phải đáp ứng tất cả các quy định kinh doanh như một hãng taxi truyền thống và toàn bộ các phương tiện đối tác hiện kết nối phần mềm điện tử sẽ phải gắn phù hiệu “Xe taxi” trên kính xe; niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe theo quy định, đồng thời, phải có hộp đèn với chữ “Taxi” gắn cố định trên nóc xe.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích việc đầu tư vào phân khúc tiếp ứng vận tải như mô hình của Grab có thế mạnh là phát triển công nghệ phần mềm hiện đại, xử lý hệ thống dữ liệu lớn, kết hợp trí tuệ nhân tạo để đưa ra đề xuất kết nối giữa hành khách với phương tiện gần nhất, hoặc đề xuất hiệu quả với mức giá. Điều này giúp hành khách và người lái xe tiết kiệm thời gian trong các cuộc trao đổi về giá cả, đồng thời góp phần tiết kiệm điều tiết giao thông vận tải trong giờ cao điểm.
“Định danh họ là công ty vận tải, yêu cầu doanh nghiệp (DN) công nghệ phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh và điều kiện hoạt động như một hãng taxi truyền thống sẽ làm biến đổi bản chất của đơn vị cung cấp hoạt động, tạo gánh nặng cho việc thực thi. Khi đó, các DN như Grab sẽ phải phình bộ máy, tăng chi phí thuê mặt bằng, chi phí quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng xe, chi phí lương thưởng, chế độ đãi ngộ cho nhân viên... Tất cả chi phí sẽ được DN áp vào giá thành, triệt tiêu lợi ích của cả DN và người tiêu dùng, đồng thời, cản trở sáng tạo công nghệ số, xóa bỏ kinh tế chia sẻ”, ông Long nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, luật sư Bùi Quang Nghiêm (Đoàn luật sư TP.HCM) đi vào chi tiết: Đa phần là phương tiện cá nhân tham gia kết nối phần mềm nên việc bắt Grab gắn cố định mào hay niêm yết logo, phù hiệu là vô lý. Còn nếu yêu cầu phương tiện trong thời gian hoạt động phải gắn bảng nhận diện thì rất khó kiểm soát xem phương tiện có chịu dán phù hiệu khi hoạt động hay không. Nhà nước sẽ phải tốn thêm chi phí cho lực lượng thanh tra sát sao, hoặc phải gắn con chíp để kiểm soát, nguy cơ làm tăng chi phí quản lý, dẫn đến tăng chi phí xã hội. “Người dân có thể đi xe hơi giá rẻ là do các hãng taxi có công nghệ đơn giản hóa tối đa bộ máy, tiết giảm chi phí quản lý, từ đó giảm giá thành. Giờ quy về như taxi truyền thống, làm cho rắc rối lên thì chi phí tăng là hiển nhiên”, ông cảnh báo.
Không thể đẩy về cái cũ
Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật BASICO, bày tỏ bất ngờ vì sau gần 3 năm thí điểm, 5 lần trình dự thảo với những cuộc vận động lấy ý kiến từ nhiều đơn vị, chuyên gia, cuối cùng Bộ GTVT quay lại phương án hạn chế nhất. Ông thừa nhận để quản lý một mô hình mới như Grab không phải chuyện dễ, từ luật hiện hữu của chúng ta đã không ổn, có xoay xở quy định kiểu gì cũng bất cập. Trong tình hình xã hội thay đổi quá nhanh, bắt buộc phải có điều chỉnh và đành phải chấp nhận một số bất cập chưa thể cải thiện. Tuy nhiên, tất cả phải dựa trên một cơ sở logic, tư duy nguyên tắc rõ ràng, hợp lý. Việc Bộ GTVT liên tục thay đổi quan điểm thể hiện không có chính kiến, làm nghị định kiểu “đẽo cày giữa đường”, bên nào nói mạnh hơn thì nghe, đến khi cả hai bên cùng “tổng tiến công” thì Bộ ở giữa rút lui, coi như không quản gì. “Ngay cả thế giới cũng phải công nhận Uber, Grab là mô hình khác biệt. Có thể mình quản lỏng nhưng không thể đẩy về cái cũ. Như vậy coi như Bộ GTVT xóa sổ luôn Uber, Grab, đẩy hết thành Vinasun, Mai Linh, còn ông muốn dùng tổng đài hay phần mềm gì kệ ông, không quan tâm. Điều ngày hoàn toàn đi ngược với chủ trương hướng tới công nghệ 4.0 của Chính phủ, đẩy từ 4.0 về 0.4”, ông Đức nói thẳng.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm cũng nhận định việc dự thảo nghị định liên tục thay đổi, cách đây 2 tháng thế này, sau 2 tháng lại khác không chỉ khiến DN mất niềm tin mà còn ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, khiến các DN nội, ngoại muốn đầu tư vào lĩnh vực mới cũng e dè, ngăn cản sự phát triển của công nghệ. Theo ông, 3 yếu tố quan trọng nhất phải đảm bảo đối với mục tiêu quản lý nhà nước là: thu đủ thuế, hạn chế đến mức thấp nhất DN lách, trốn thuế; tăng chất lượng dịch vụ và giảm giá cả. Taxi công nghệ đang dần chuyển đổi thói quen tiêu dùng của người dân từ tiền mặt sang dùng thẻ, minh bạch tài chính hơn, dễ thu thuế hơn. Ép các DN taxi công nghệ tuân theo những quy định như taxi truyền thống không có ý nghĩa gì đối với quản lý trật tự an toàn giao thông, không tiện cho quản lý nhà nước, không làm tăng chất lượng dịch vụ và nguy cơ tăng giá cả đối với người tiêu dùng.