Aa

Tăng trưởng xanh và hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP26

Chủ Nhật, 17/07/2022 - 14:16

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đánh giá cao những ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, truyền thông trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP26.

Là một trong 6 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các cam kết “xanh”, được cộng đồng quốc tế đánh giá như là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu cho “ngôi nhà chung” an toàn của nhân loại.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam xác định đoàn kết ứng phó biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên là ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách. Đây cũng là bước đi dài để bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân và đóng góp trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế phát triển bền vững trong thời gian tới.

Đặc biệt, tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu.

Tại Diễn đàn với chủ đề “Phát triển xanh với cam kết của Việt Nam tại COP26”, Bộ TN&MT đánh giá cao các báo cáo viên đã giới thiệu, chia sẻ các tham luận quan trọng, thiết thực nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường; đồng thời cung cấp đến các nhà báo, phóng viên những thông tin cần thiết thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, cũng như chia sẻ tới cộng đồng doanh nghiệp những kinh nghiệm, sáng kiến, mô hình hoạt động sản xuất kinh doanh xanh, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ TN&MT, Thứ trưởng Lê Công Thành trân trọng cảm ơn và ghi nhận tất cả các báo cáo tham luận, các ý kiến đóng góp, gợi mở, chia sẻ, cũng như các đề xuất kiến nghị của các cơ quan, đại biểu, cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan thông tấn, báo chí. Trong đó, ý kiến thành lập Câu lạc bộ báo chí phát triển xanh - Net-zero là một đề xuất rất thiết thực.

“Tất cả các ý kiến đóng góp, gợi ý, chúng tôi sẽ xem xét tiếp thu, nghiên cứu để phục vụ mục đích sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường, với mục tiêu chung nhằm bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26” - Thứ trưởng Lê Công Thành khẳng định.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành (Ảnh: Báo Tài nguyên Môi trường)

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và môi trường) cho biết, những cam kết và những đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại Hội nghị COP26 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các đối tác phát triển trong và ngoài nước đã thể hiện mong muốn và cam kết hợp tác với Việt Nam để triển khai thực hiện các cam kết sau hội nghị. Việc cam kết đưa phát thải ròng về “0” và tham gia Tuyên bố chuyển đổi năng lượng, cam kết giảm phát thải mê-tan đã phát đi tín hiệu mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế, khai thông cơ hội tận dụng sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải vào Việt Nam.

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: Báo Tài nguyên Môi trường)

Ông Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, Bình Thuận nằm ở cực Nam vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh Bình Thuận là 794.245ha; bờ biển dài 192km... với nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của nhân dân tỉnh Bình Thuận. 

Trong đó, 25.757ha diện tích đất bị suy thoái dưới tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là các vùng phía bắc tỉnh Bình Thuận như các huyện Tuy Phong, Bắc Bình đã gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, canh tác nông nghiệp của người dân trong khu vực. Tác động nặng nề của biến đổi khí hậu còn ảnh hưởng đến du lịch, thương mại, năng lượng… và nhiều hoạt động kinh tế khác trực tiếp hay gián tiếp. “Những ảnh hưởng này trong những năm vừa qua đã biểu hiện khá rõ nét, mỗi ngành, lĩnh vực đều có thể cảm nhận và đánh giá được ảnh hưởng của biến đổi khí hậu”, ông Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận cho biết.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền - Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Công tác tuyên truyền thời gian qua đã có nhiều nỗ lực trong việc chuyển từ ít quan tâm đến quan tâm; từ chưa hiểu biết sang hiểu biết; từ nhận thức chưa đầy đủ, không đúng đến nhận thức đầy đủ, đúng cho mọi tầng lớp nhân dân về BĐKH. Nhận thức, hành vi, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp, người dân về BĐKH có nhiều chuyển biến tích cực. Tính chủ động, năng lực ứng phó, thích ứng của chính quyền, doanh nghiệp, người dân được nâng lên.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hoài, trong thời gian tới, các cơ quan báo chí, truyền thông cần thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước với mọi người dân, động viên, cổ vũ mỗi người dân và cộng đồng tích cực thực hiện, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về BĐKH.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ tại diễn đàn (Ảnh: Báo Tin tức)

Tại Diễn đàn, lãnh đạo Bộ TN&MT, UBND tỉnh Bình Thuận đã tặng hoa, Bằng khen cho các doanh nghiệp đã có những đóng góp cho thành công của Diễn đàn “Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường” lần thứ VI- năm 2022./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top