Nan giải bài toán ngập lụt
Theo số liệu thống kê, trước năm 1970 tần suất mưa, lụt lớn tại TP. Hà Nội xảy ra từ 15 - 25 năm/lần. Trong vòng 60 năm qua, các đợt lũ lụt xảy ra trở nên thường xuyên hơn với tần suất 5 - 7 năm/lần.
Rõ ràng biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân gây mưa lớn, ngập nặng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, thiên tai chỉ là một phần nguyên nhân, còn lại xuất phát từ công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển đô thị.
TS. KTS Vũ Hoài Đức - Giảng viên trường Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội cho rằng, trong các đồ án quy hoạch đô thị Hà Nội trước đây đã đặt ra vấn đề ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, sự tham gia của các chuyên ngành như khoa học thủy lợi, tài nguyên môi trường trong quá trình quy hoạch động hầu như chưa có.
Do vậy, để ứng phó những hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt đang là vấn đề nan giải của Hà Nội, đặc biệt, ở khu vực phía Tây gồm vùng nông thôn nằm trong vành đai xanh dọc theo các tuyến sông. Ví như trận lụt vào các năm 2017, 2018 ở khu vực huyện Chương Mỹ do vỡ đê lũ dâng từ sông Tích, sông Bùi đã khiến người dân tại đây phải nhiều ngày sống trong biển nước.
Hay tình trạng cứ mưa là ngập đã không còn xa lạ ở các khu đô thị mới phía Tây Nam Hà Nội trong những năm gần đây, tạo ra những vấn đề bức xúc. Trước kia, Hà Nội bị ngập trong khu vực nội đô vì khu vực này có hạ tầng thoát nước yếu kém, không đồng bộ, quá tải... Nay, ngập úng lan rộng ra ngoại thành, đến các khu phố mới, khu đô thị mới. Những khu đô thị được quy hoạch mới 100% cũng đã ngập trong nước.
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 (QHC 1259) đã đặt ra 2 vấn đề trọng tâm là phát triển kinh tế đô thị và bảo vệ môi trường. Các nội dung này đã được cụ thể hóa trong những quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành về hạ tầng kỹ thuật như quy hoạch thoát nước, quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, hồ…
Tuy nhiên, sau thời gian triển khai, không ít chỉ tiêu đặt ra tại các quy hoạch này đã không đạt được. Cụ thể, tỷ lệ đô thị hóa còn thấp trong khi dân số gia tăng vượt quá mục tiêu quy hoạch chung đặt ra đã gây quá tải hạ tầng. Việc chậm triển khai xây dựng các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái nên còn thiếu không gian xanh, lá phổi bảo vệ môi trường. Ở khu vực nội đô chưa thực hiện tốt việc di dời trụ sở bộ, ngành, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở sản xuất công nghiệp để dành đất cho không gian công cộng… Từ những tồn tại trong việc thực hiện quy hoạch đã dẫn đến hệ quả TP đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường như ô nhiễm không khí, rác thải, nước thải, ngập lụt...
Cần phối hợp đa ngành trong thực hiện quy hoạch
Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Thậm chí, tác động của biến đổi khí hậu còn diễn biến nhanh hơn so với dự kiến. Đối với Hà Nội, điều này thể hiện rất rõ thông qua một số tiêu chí mà TP chưa lường được trong các quy hoạch. Trong quy hoạch chung để đảm bảo vấn đề thoát nước, mặc dù đã tính việc thoát nước của cả nước mặt, nước thải sinh hoạt, nước mưa, tuy nhiên, dân số tăng nhanh kéo theo nước thải sinh hoạt tăng.
Cùng với đó, việc xuất hiện những trận mưa lên đến 300 - 400mm, đã vượt qua ngưỡng tính toán của quy hoạch thoát nước chỉ là những trận mưa có cường độ 200 - 250mm. Chính điều này đã gây quá tải hệ thống thoát nước, gây ra úng ngập nặng, kể cả những khu vực chưa bao giờ ngập úng như xung quanh hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ.
Trước thực tế này, nhiều chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng, trong thời gian tới, cùng với việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô hướng tới bảo vệ môi trường, các quy hoạch chuyên ngành về hạ tầng kỹ thuật cần được nghiên cứu đồng bộ nhằm sớm khắc phục những tồn tại, xây dựng đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu đang ngày càng phức tạp.
Nguyên Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, để đối phó với biến đổi khí hậu, rõ ràng không thể chỉ xử lý những điểm ngập cục bộ mà phải đánh giá tổng thể hệ thống thoát nước toàn TP, kết hợp giữa yêu cầu thoát nước với phát triển đô thị; kết hợp xử lý thoát nước với quy hoạch hệ thống công viên, cây xanh.
“Hà Nội đã có quy hoạch thoát nước, nhưng với tốc độ đô thị hóa tăng mạnh, TP phát triển nhanh cần sớm phê duyệt điều chỉnh quy hoạch để ứng phó theo hướng nâng cao khả năng tiêu úng cho cả nội thành và ngoại thành”, KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu.
Ở bình diện rộng hơn, TS.KTS Vũ Hoài Đức cho rằng, trong quá trình lập Quy hoạch chung Hà Nội chúng ta đã từng nghiên cứu mô hình của Hà Lan, Hàn Quốc… thậm chí có cả một cuộc thi về quy hoạch đô thị ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu. Do đó, Hà Nội hoàn toàn có thể học tập các nước phát triển để có giải pháp mang tính kỹ thuật ứng phó với những hiện tượng thời tiết cực đoan gây ngập lụt ở khu vực đô thị.
Đối với khu vực sông Hồng, sông Đuống hoàn toàn có thể lồng ghép trong kỳ điều chỉnh đồ án quy hoạch chung Hà Nội lần này với sự tham gia của các ngành liên quan đến tài nguyên môi trường, khí tượng thủy văn, và thủy lợi. “Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện nay không có gì không thể giải quyết. Vấn đề là phải có giải pháp làm cùng nhau như thế nào giữa các ngành liên quan”, KTS Vũ Hoài Đức nhận định.
Tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 438/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030”. Trong đó đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay là cần đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các giải pháp và hành động như: Lồng ghép việc thích ứng với biến đổi khí hậu vào quy hoạch đô thị, trong đó quy hoạch đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu phải góp phần tạo điều kiện giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, tạo điều kiện thực hiện các biện pháp công trình và phi công trình, tạo điều kiện cứu trợ khi có tai họa và phục hồi sau tai họa.