Aa

Hiện tượng chưa từng có trên thị trường lãi suất

Thứ Ba, 20/10/2020 - 14:12

Lãi suất qua đêm của Việt Nam tại một số thời điểm còn thấp hơn lãi suất tại Mỹ. Đây là hiện tượng chưa từng có trên thị trường Việt Nam.

Trong 5 năm gần đây, mặt bằng lãi suất đã thay đổi rất mạnh. Ảnh: Đức Thanh

Tiền rẻ khó tin

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), gần 70% doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng là cho vay qua đêm. Thế nhưng, lãi suất cho vay qua đêm cả tháng qua chỉ xoay quanh 0,1%, thấp nhất trong lịch sử. Dù lãi suất thấp, song nhu cầu vay của các ngân hàng vẫn rất thấp, có ngày chỉ hơn 30.000 tỷ đồng.

Mức lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng tại Việt Nam đang xấp xỉ lãi suất cho vay qua đêm tại Mỹ (hiện là 0,8%). Thậm chí, trong tháng 10, có thời điểm lãi suất cho vay qua đêm tại Việt Nam thấp hơn cả tại thị trường Mỹ.

“Đây là hiện tượng chưa từng xảy ra trên thị trường lãi suất tại Việt Nam, chứng tỏ các ngân hàng đang rất thừa tiền”, chuyên gia phân tích Phan Dũng Khánh nhận định.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cũng khẳng định, tín dụng tăng chậm trong khi vốn huy động vẫn ồ ạt chảy vào ngân hàng đang khiến ngân hàng dư thừa một lượng vốn lớn. Trong khi đó, việc đầu tư cho vay trên thị trường 2 không hiệu quả do lãi suất thấp kỷ lục, ngân hàng nào cũng dư thừa tiền, không có nhu cầu vay mượn lẫn nhau.

Trong 5 năm gần đây, mặt bằng lãi suất đã thay đổi rất mạnh. Nếu đầu năm 2016, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng trên thị trường ở mức 5%/năm, thì hiện tại đã giảm còn 3,1 - 3,3%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm tại các ngân hàng lớn cũng tụt về 5,8%/năm so với mức 7%/năm 5 năm trước.

Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội, NHNN khẳng định, từ năm 2016 đến nay, NHNN điều chỉnh giảm 2 - 2,5%/năm các mức lãi suất điều hành, giảm 0,8 - 1,5%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng, giảm 2,5%/năm trần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên.

Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm nay, NHNN đã 3 lần giảm đồng bộ các mức lãi suất với quy mô cắt giảm tương đối mạnh. So với các nước trong khu vực, mức giảm lãi suất điều hành của Việt Nam là một trong các mức giảm mạnh nhất: Philipines giảm 1,75%; Thái Lan giảm 0,75%; Malaysia giảm 1,25%; Indonesia giảm 1%; Ấn Độ giảm 1,15%; Trung Quốc giảm 0,3%. Mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm, lãi suất cho vay tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên hiện ở mức 4,5%/năm, giảm khoảng 2,5%/năm so với năm 2016.

Dòng tiền được “bẻ lái” vào lĩnh vực ưu tiên

Không chỉ nguồn vốn đang rẻ đi đáng kể, mà luồng tín dụng cũng đang được nắn vào các địa chỉ ưu tiên theo định hướng của Chính phủ, vốn vào các lĩnh vực “nóng” dần được kiểm soát.

Lãi suất của Việt Nam không cao hơn các nước trong khu vực

Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), lãi suất cho vay của Việt Nam không cao hơn mặt bằng lãi suất cho vay của các nước trong khu vực có trình độ phát triển tương đồng. Tính đến tháng 7/2020, lãi suất cho vay bình quân của ASEAN-6 khoảng 5,7%/năm, ASEAN-4 khoảng 4,82%; Việt Nam 7,2%/năm. Trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam (4,5%/năm) hiện thấp hơn mức lãi suất cho vay bình quân của ASEAN-4.

Trích báo cáo của NHNN gửi Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội

Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, tính đến ngày 30/9/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8,69 triệu tỷ đồng, tăng 6,09% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,4%).

Đặc biệt, tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá.

Theo báo cáo về môi trường kinh doanh 2020 do Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, Chỉ số Tiếp cận tín dụng của Việt Nam tăng 5 điểm và tăng 7 bậc so với báo cáo trước, đứng thứ 2 trong các nước ASEAN (sau Brunei), đứng 25/190 nền kinh tế.

Thống kê của NHNN cho thấy, từ năm 2016 đến nay, tín dụng đều có mức tăng trưởng dương ngay từ những tháng đầu năm và có mức tăng trưởng bình quân năm trên 16%. Cơ cấu tín dụng có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào lĩnh vực đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế như sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tín dụng với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.

Tính đến cuối tháng 9/2020, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ước đạt 2,12 triệu tỷ đồng với 14,17 triệu khách hàng còn dư nợ, chiếm 24,67% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, tăng 5% so với cuối năm 2019. Tính đến cuối tháng 8/2020, tín dụng ngành công nghiệp tăng 3,24%, chiếm 18,75% tổng dư nợ nền kinh tế; tín dụng ngành xây dựng tăng 7,13%, chiếm 9,99% tổng dư nợ ngành kinh tế; tín dụng với ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng gần 5%, chiếm 20,52% tổng dư nợ.

Những tháng đầu năm, do tác động của Covid-19, cầu tín dụng thấp, nên tăng trưởng tín dụng thấp hơn các năm trước, song cũng đang phục hồi tích cực. NHNN cho biết, đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung rót vốn vào các lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. NHNN cũng liên tục xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2020 với các tổ chức tín dụng đáp ứng tốt các tỷ lệ bảo đảm an toàn và có khả năng mở rộng tín dụng, nhưng không làm tăng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top