Aa

Hiệp định IPA: Những điều cần biết

Thứ Bảy, 09/11/2019 - 10:34

Nhà đầu tư bất động sản Việt Nam cần biết những gì để có thể hưởng lợi từ Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (IPA)?

Vào ngày 30/6, Việt Nam và Liên minh Châu Âu đã ký kết Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (Investment Protection Agreement, gọi tắt là IPA). Đây là một thoả ước quan trọng vì đã đề ra những quy định giúp bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư giữa các bên, trong bối cảnh mà chỉ riêng dòng vốn đầu tư trực tiếp từ châu Âu đến Việt Nam đã lên đến hơn 1 tỷ USD/năm.

Các quan chức Việt Nam và Châu Âu trong buổi lễ ký kết IPA và Hiệp định Thương mại Tự do

Tuy vậy, do IPA được ký kết cùng ngày với Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam nên chưa nhận được sự quan tâm nhiều. Đến nay vẫn còn các cá nhân, tổ chức đầu tư ở Việt Nam gặp khó khăn trong việc tìm hiểu thông tin về IPA, dẫn đến không biết cả chính những quyền lợi của mình.

Reatimes đã phỏng vấn ông Kent Wong và ông Trần Thái Bình, hai chuyên gia về lĩnh vực pháp lý bất động sản của Phòng Thương mại & Công nghiệp châu Âu tại Việt Nam (gọi tắt là EuroCham), để nghe họ nói về những yếu tố cơ bản của IPA và cơ chế mà Hiệp định này bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư Việt Nam tại châu Âu và ngược lại.

Trước năm 2017, các điều khoản trong IPA được coi là một phần của Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam. Phải đến tháng 9/2017 thì hai hiệp định này mới được tách ra. Lý do chính là vì độ phổ quát của IPA – khi được đi vào thực hiện, hiệp định sẽ chính thức thay thế 21 thoả ước về đầu tư được Việt Nam ký kết với 22 (trên tổng số 28) quốc gia thuộc khối EU.

Ông Kent Wong - Chuyên gia pháp lý bất động sản của Phòng Thương mại & Công nghiệp châu Âu tại Việt Nam

Hai vị chuyên gia cho biết, theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, IPA cam kết bảo vệ sự an toàn của vốn và các tài sản khác của nhà đầu tư quốc tế trên các phương diện như được đối xử công bằng trước luật pháp của nước sở tại.

“Các bên tham gia IPA cam kết sẽ không quốc hữu hoá một cách bất hợp pháp tài sản của nhà đầu tư; và sẽ bồi thường thoả đáng cho nhà đầu tư trong trường hợp xảy ra thu hồi/quốc hữu hoá, hoặc là khi tài sản của nhà đầu tư bị thiệt hại do chiến tranh. Nhà đầu tư sẽ có được quyền tự do chuyển vốn và lợi nhuận ra nước ngoài.”

Các điều khoản của IPA chi tiết hơn so với những thoả thuận song phương mà Việt Nam đã ký kết với nhiều nước thành viên khối EU. IPA quy định chi tiết những hành vi mà các nước tham gia bị cấm thực hiện, lẫn các công cụ để họ có thể bảo vệ quyền lợi của mình trong những trường hợp cụ thể.

"Trong vấn đề giải quyết tranh chấp đầu tư, IPA đặt ra một khuôn khổ pháp lý giúp chính quyền nước sở tại giải quyết tranh chấp, thay vì việc phải vận dụng các hiệp định song phương trước đây. Những tranh chấp sẽ được giải quyết tại các cơ quan luật pháp địa phương theo hai cấp nối tiếp nhau: sơ thẩm và phúc thẩm. Bên tham gia giải quyết tranh chấp sẽ được chỉ định chung bởi Việt Nam và châu Âu để bảo vệ tính công bằng. Bộ khung pháp lý này giúp cho Việt Nam đi đến cân bằng giữa thu hút đầu tư và bảo vệ lợi ích của quốc gia, xã hội, đồng thời cũng tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững”, ông Kent Wong cho biết. 

Khi được hỏi về những đối tượng tài sản được bảo vệ bởi IPA, ông Kent và ông Bình chỉ ra hai nhóm khác nhau gồm có: Tài sản lưu động và cố định (cả vô hình lẫn hữu hình) cùng với các quyền sở hữu, sử dụng tài sản như hợp đồng cho thuê, các khoản vay cầm cố…; và các loại hình đầu tư dựa vào sở hữu vốn trong các công ty, dự án, trong đó gồm: Chứng khoán, trái phiếu, hợp đồng, lợi tức, quyền sở hữu máy móc thiết bị, quyền sở hữu trí tuệ…

Ông Trần Thái Bình - Chuyên gia pháp lý bất động sản của Phòng Thương mại & Công nghiệp châu Âu tại Việt Nam

Riêng về vấn đề bất động sản, đất đai và các công trình xây dựng được IPA coi như một loại tài sản được bảo vệ:

“Khi được đi vào thực hiện, IPA sẽ giải quyết một số bất cập đang tồn tại hiện nay trong hệ thống pháp lý của Việt Nam, đặc biệt là trong việc bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư trong trường hợp nhà thầu tuyên bố phá sản giữa lúc đang tiến hành dự án. Nhờ vào IPA, nhà đầu tư (và cả người mua nhà) châu Âu sẽ dễ dàng lấy lại được tiền của mình khi trường hợp đó xảy ra thông qua những biện pháp như hoà giải và ra toà trọng tài, mà không còn phải chịu thế yếu trong tranh chấp với các bên tại Việt Nam", ông Trần Thái Bình chia sẻ.

Tác động của IPA lên dòng vốn đầu tư giữa Việt Nam và châu Âu khó có thể nói quá lên được, đặc biệt là đối với ngành bất động sản. IPA là bàn đạp để các bên tiến tới tạo một môi trường đầu tư bình đẳng, công bằng và an toàn. Đây là điều kiện để tăng lên cả về số lượng lẫn chất lượng của nguồn vốn đầu tư, mở cửa cho những dự án phát triển táo bạo và đem lại nhiều lợi ích hơn cho cả nhà đầu tư, doanh nghiệp và xã hội.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top