Buổi tập huấn diễn ra nhằm thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước về phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông đưa tìn đầy đủ, kịp thời về hoạt động ngân hàng; đồng thời, cung cấp thêm thông tin liên quan đến lĩnh vực tài chính tiêu dùng đối với các phóng viên, qua đó định hướng thông tin, tuyên truyền về vai trò và sự phát triển lành mạnh của tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam phù hợp với các quy định pháp luật và thông lệ quốc tế.
Tại buổi tập huấn, ông Nguyễn Trọng Du – Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng, cơ quan TTGSNH-Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thông qua khuôn khổ pháp lý, bao gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn; Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn; Luật Các tổ chức tín dụng; Nghị định số 39/2014/NĐ-CP; các thông tư số 19/2016/TT-NHNN, số 39/2016/TT-NHNN, số 43/2016/TT-NHNN về các quy định hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Bên cạnh đó, vị này đưa ra các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường tài chính tiêu dùng. Cụ thể là, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, xây dựng hệ thống quy định quản lý, tạo lập và duy trì môi trường vĩ mô ổn định; phát triển hệ thống thông tin khách hàng; bảo vệ lợi ích của khách hàng vay tiêu dùng và tuyên truyền để nâng cao nhận thức về tài chính, quản lý tài chính; quan trọng là cảnh báo về sự gia tăng rủi ro (nợ xấu) trong điều kiện thị trường phát triển nhanh.
Liên quan đến thực trạng và tiềm năng của Tín dụng tiêu dùng Việt Nam, Tiến sĩ Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho hay, thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam hiện nay vẫn chưa được đẩy mạnh, có nhiều nguyên nhân “kìm hãm” sự phát triển của nó, ví dụ như thói quen vay tiêu dùng của người dân còn hạn chế, thủ tục vay phức tạp và còn thủ công, quan niệm về tín dụng chưa nhất quán,… .
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Lực cho biết, Việt Nam là một đất nước có tiềm năng về tín dụng tiêu dùng, bởi đặc điểm dân số nước ta là dân số trẻ (dân số vàng đến năm 2025), thu nhập bình quân tăng nhanh, dịch vụ tài chính số sẽ phát triển nhanh,…
Vị tiến sĩ này còn cho rằng, tín dụng tiêu dùng sẽ góp phần đáp ứng nhanh, kịp thười nhu cầu tiêu dùng của người dân và hộ gia đình với những sản phẩm, dịch vụ khá đa dạng, góp phần giảm “tín dụng đen”, kích thích tiêu dùng, sản xuất - kinh doanh, hợp lý hóa quá trình luân chuyển hàng hóa trên thị trường, đòng thời, “lãi suất hiện nay không phải là điểm nghẽn của nền kinh tế”.
“Tín dụng chính thức không phát triển thì tín dụng phi chính thức, tức “tín dụng đen”sẽ phát triển. Trường hợp vay với lãi suất cao, không hợp đồng đã tạo ra hệ lụy xã hội lớn, đồng thời việc làm này đã vi phạm pháp luật, cần phải ngăn chặn”, ông Lực nhận định.
Ngoài ra, trên đà phát triển thị trường tài chính tiêu dùng trong Cách mạng công nghiệp 4.0, đại diện Công ty Tài chính tiêu dùng, ông Nguyễn Thiện Tâm – Giám đốc Trung tâm Sáng kiến FE Credit đánh giá cao những công nghệ tiên tiến của kỳ nguyên 4.0, đây được xem là chiến lược cần thiết để doanh nghiệp bứt phá và đảm bảo vị thế của mình trong tương lai.
Theo đó, ông Tâm cũng đưa ra những chiến lược vươn xa của FE Credit trong kỷ nguyên 4.0. Đó là: Cơ sở dữ liệu khổng lồ (Big Data) giúp doanh nghiệp sử dụng dữ liệu hiệu quả hơn, đưa ra những quyết định chính xác hơn từ đó sẽ tiếp cận với khách hàng một cách thành công và hiệu quả; Tự động hóa (Automation) ứng dụng trí tuệ sáng tạo cùng công nghệ nhận diện khuôn mặt, giọng, ký tự thông minh,… điều này giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí vận hành, nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường kiểm soát, đồng thời đồng bộ và tối ưu hóa hiệu quả làm việc trong hệ thống vận hành giúp cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng; cuối cùng là Số hoá dữ liệu (Digitalization) làm phong phú kho dữ liệu khách hàng, làm gia tăng tính chính xác trong hoạt động thẩm định vay, khả năng kiểm soát rủi ro cao hơn, giảm thiểu thời gian xử lý thông tin.