Aa

Hiểu luật để không thành “oan gia” khi xây, sửa nhà cũ, nhà cổ

Thứ Bảy, 17/09/2016 - 17:02

Sửa chữa nhà cũ, nhà cổ là nguyện vọng chính đáng của người dân để “vực dậy” những ngôi nhà đã rệu, rã xuống cấp. Song, dù việc sửa chữa đã được chính quyền cơ sở cấp phép, vẫn xảy ra không ít khiếu kiện đáng tiếc giữa những người hàng xóm.

Reatimes đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội về vấn đề này.

PV: Thưa ông, hiện nay nhiều gia đình ở phố cổ, khu phố cũ chịu cảnh nhà bên cạnh xây, sửa dẫn tới bị nghiêng, đổ, thậm chí sập nhà, chết người. Ai phải chịu trách nhiệm chính sau khi hậu quả nghiêm trọng xảy ra?  
Luật sư Đặng Văn Cường: Với vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng như chết người, bị thương thì cơ quan công an sẽ vào cuộc để làm rõ nguyên nhân và để có biện pháp xử lý với những người có liên quan theo đúng quy định pháp luật. Nếu trong quá trình kiểm tra, xác minh mà cơ quan công an xác định nguyên nhân sự cố sập nhà là do việc thi công đào móng ngôi nhà bên cạnh gây ra thì chủ ngôi nhà bên cạnh phải chịu trách nhiệm chính về hậu quả thiệt hại đã gây ra.

Điều 6, Thông tư số 05/2015/TT-BXD ngày 30/10/2015 quy định rất rõ về quản lý chất lượng xây dựng và bảo trì nhà ở riêng lẻ quy định về quản lý trong thi công xây dựng trong điểm a, b. Trong quá trình thi công xây dựng, chủ nhà phải kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường. Nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường, phải tham khảo ý kiến của thiết kế để kịp thời xử lý.

PV: Nhiều trường hợp hàng xóm đã “đánh tiếng” với chủ căn nhà xây, sửa nhưng vẫn không ăn thua. Người dân phải làm gì?

Luật sư Đặng Văn Cường: Luật quy định rất rõ, đơn vị thi công phải thực hiện đúng các qui định về các biện pháp đảm bảo an toàn với các nhà liền kề. Khi đào móng nếu thấy các móng nhà liền kề yếu thì phải tạm dừng ngay công trình, thực hiện các biện pháp khẩn cấp như di chuyển người, tài sản để đảm bảo an toàn nếu nhà ở có nguy cơ sập đổ, thông báo cho chính quyền địa phương, mời các tổ chức kiểm định chất lượng công trình và đưa ra các giải pháp khắc phục.

Trong trường hợp hàng xóm đã cảnh báo về nguy cơ mất an toàn với các công trình liền kề nhưng đơn vị thi công vẫn tiếp tục làm thì phải thông báo cho chính quyền địa phương hoặc khởi kiện ra tòa. Người tổ chức thi công công trình có thể phải chịu trách nhiệm Hình sự về hành vi vi phạm quy định về xây dựng, gây hậu quả nghiêm trọng.

Điều 229 BLHS quy định rất rõ, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 5 năm nếu gây ra sự cố nghiêm trọng. Trường hợp phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3-10 năm, phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 8 – 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Hàng xóm xung quanh nhà 43 Cửa Bắc đã

Hàng xóm xung quanh nhà 43 Cửa Bắc đã "đánh tiếng" với chủ nhà nhưng không ăn thua

PV: Có nhiều gia đình đã thông báo với chính quyền địa phương về sự mất an toàn nhưng không được quan tâm đúng mức. Chính quyền địa phương nhiều khu vực, nhiều thời điểm vẫn “loạn” cấp phép xây sửa nhà; giám sát theo kiểu “úi xùi”… Có nên đề xuất bổ sung chế tài hay nội dung mới vào luật để ràng buộc trách nhiệm của chính quyền địa phương với sự an toàn của người dân?

Luật sư Đặng Văn Cường: Đúng là mặc dù pháp luật về xây dựng đã có nhiều thay đổi tích cực đặc  biệt trong công tác quản lý, xây dựng và cấp giấy phép đối với các công trình xây dựng nhà ở đô thị, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn không ít những bất cập cần phải khắc phục. Tôi nghĩ cần phải bổ sung quy định chặt chẽ hơn về việc cấp giấy phép xây dựng mới, sửa chữa nhà… Nếu chính quyền cơ sở - cấp gần dân nhất, hiểu rõ địa bàn nhất có thể sâu sát và “để mắt” nhiều hơn thì sai phạm đã sớm được phát hiện.

Sau khi cấp giấy phép, yêu cầu chính quyền phải tiến hành kiểm tra việc thực thi giấy phép có đúng theo yêu cầu hay không, tránh tình trạng cấp giấy phép cho sửa chữa nhưng lại xây dựng mới gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Nếu cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, không kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm trong lĩnh vực xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng thì cơ quan quản lý về xây dựng cũng phải chịu trách nhiệm với những hậu quả đã xảy ra cho gia đình nạn nhân.

PV: Với những chủ hộ nhà cổ, nhà cũ, khi muốn tiến hành xây sửa hay gia cố nhà cửa cần phải chuẩn bị những gì để đảm bảo pháp lý thưa ông?

Luật sư Đặng Văn Cường: Theo quy định của pháp luật, trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ nhà phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp gồm: Giấy phép xây dựng mới; Giấy phép sửa chữa, cải tạo; Giấy phép di dời công trình. Hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng được quy định tại các Điều 95, 96, Luật Xây dựng 2014.

Nếu chủ nhà (chủ công trình) cho xây dựng nhà khi không có giấy phép xây dựng hoặc có giấy phép xây dựng nhưng thực hiện không đúng nội dung mà thuê đơn vị thi công xây dựng là hành vi vi phạm hành chính và  riêng hành vi này sẽ bị xử phạt theo qui định tại Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng theo quy định tại Điều 13, Nghị định 121/2013/NĐ-CP.

Nhà từ 7 tầng trở lên, việc thi công xây dựng phải được tổ chức có đủ điều kiện năng lực thi công xây dựng theo quy định thực hiện. Chủ nhà phải chuẩn bị hồ sơ hoàn thành công trình theo quy định và thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

PV: Trong trường hợp chủ nhà cũ, nhà cổ đã được cấp phép xây dựng, muốn thi công đảm bảo quyền lợi cho tất cả hàng xóm xung quanh thì phải làm gì? Làm sao để đảm bảo quyền lợi cho chính mình vì đã từng có nhiều hộ dân bị gán tội oan, tuy không gây ra thiệt hại gì nhưng nhà bên cạnh vẫn lu loa lên là gây nguy hiểm cho họ?

Luật sư Đặng Văn Cường: Trước khi thi công xây dựng, chủ nhà nên chủ động liên hệ với các chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình liền kề, lân cận để kiểm tra hiện trạng và ghi nhận các khuyết tật của công trình liền kề, lân cận (nếu có). Hãy chụp ảnh, làm biên bản cụ thể các vết tích có sẵn trước khi thi công.  

Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình liền kề, lân cận phải có trách nhiệm phối hợp với chủ nhà để kiểm tra, ghi nhận hiện trạng công trình làm căn cứ giải quyết các tranh chấp (nếu có). Chủ nhà cũng có thể mời đại diện tổ dân phố, lãnh đạo phường, mời luật sư… đến ghi nhận và chứng kiến.

PV: Thưa ông, nếu chẳng may bất ngờ xảy ra hậu quả ngoài mong muốn, chủ nhà phải ứng xử với hàng xóm như thế nào?

Luật sư Đặng Văn Cường: Trong quá trình thi công xây dựng, nếu công trình liền kề, lân cận có dấu hiệu bị lún, nứt, thấm, dột hoặc có nguy cơ sập đổ do ảnh hưởng của việc xây dựng nhà ở gây ra, chủ nhà phải phối hợp với chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình liền kề, lân cận để kiểm tra, xác định nguyên nhân và thống nhất biện pháp khắc phục. Trường hợp các bên không thống nhất thì tranh chấp phát sinh được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm về bồi thường thiệt hại được nêu rất rõ tại Điều 267, Bộ luật Dân sự 2005 quy định về nghĩa vụ tôn trọng quy tắc xây dựng. Trường hợp chủ nhà thuê người thi công xây dựng, sửa chữa nhà mà có sự cố sập nhà thì người đó phải chịu trách nhiệm bồi thường. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ở đây là bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản của người bị hại.

Điều 604 quy định rõ căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại:  Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác…

Người gây ra hậu quả chết người phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về các khoản chi phí mai táng, tiền cấp dưỡng cho người mà người chết có nghĩa vụ phải cấp dưỡng và tiền bồi thường tổn thất về tinh thần cho thân nhân của người chết. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận, không thỏa thuận được thì có thể khởi kiện để tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.../.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top