Theo thông tin từ HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cơ quan này vừa ban hành nghị quyết thông qua điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 với nội dung “Điều chỉnh quy hoạch tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thừa Thiên - Huế” do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trình tại kỳ họp vừa diễn ra hồi tuần trước (7 - 8/12/2020).
Thúc đẩy hình thành các đô thị ven biển
Tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ được điều chỉnh lại, có những định hướng phát triển, xây dựng khác với điều chỉnh quy hoạch ban hành năm 2015 và những văn bản liên quan khác do tỉnh ban hành.
Tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thừa Thiên - Huế (đoạn từ huyện Phong Điền đến huyện Phú Lộc) có tổng chiều dài khoảng 127km. Trong đó, điểm đầu tại Tỉnh lộ 22, thuộc xã Điền Hương, huyện Phong Điền (giáp thôn Thâm Khê, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị); điểm cuối tại chân đèo Hải Vân, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc (giáp TP. Đà Nẵng).
Theo quy hoạch điều chỉnh dự kiến tuyến đường sẽ đi qua địa phận của 21 xã, thị trấn thuộc 4 huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và TX. Hương Trà. Việc điều chỉnh đảm bảo mục tiêu hình thành được tuyến đường du lịch ven biển xuyên suốt từ phía Bắc đến phía Nam, đi dọc bờ biển của tỉnh.
Trong đó, quy hoạch vị trí xây dựng tuyến đi vào gần bờ biển hơn (cách bờ biển không quá 1km, cục bộ không đi xa biển quá 2km) nhằm tạo điều kiện thúc đẩy hình thành các đô thị ven biển và phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của địa phương, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân tại các xã ven biển nói riêng và tỉnh nói chung.
Đáng chú ý, trên chiều dài vùng ven biển và đầm phá của tỉnh Thừa Thiên Huế từ lâu đã tồn tại tuyến Quốc lộ 49B đi qua hàng chục xã, thị trấn từ vùng “Ngũ Điền” qua thị trấn Thuận An về khu vực vùng núi Phước Tượng, huyện Phú Lộc.
Khi tuyến đường ven biển hình thành sẽ kết nối liên hoàn, thông suốt với các tuyến đường bộ vùng ven biển hiện có hoặc quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải theo hướng Bắc - Nam và tăng tính kết nối đến các các cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp trọng điểm ven biển của tỉnh và của quốc gia.
Đồng thời, củng cố quốc phòng - an ninh, nâng cao năng lực phòng tránh thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ tài sản tính mạng của nhân dân trong mùa mưa bão; thúc đẩy và tăng sức thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đến với Huế để đầu tư xây dựng, phát triển các dự án hạ tầng du lịch, dịch vụ, các khu resort, du lịch nghỉ dưỡng và các dự án phát triển kinh tế xã hội khác cho tỉnh Thừa Thiên Huế.
Xã ven biển có ít nhất 1 tuyến đường xuống bãi tắm
Theo phạm vi điều chỉnh quy hoạch được thông qua, trên toàn tuyến đường ven biển tỉnh Thừa Thiên - Huế, sau khi quy hoạch điều chỉnh hướng tuyến sẽ rút ngắn khoảng 10km, từ 127 còn 117km. Trong đó, tổng chiều dài tuyến quy hoạch điều chỉnh khoảng 84,5km, từ Tỉnh lộ 22, thuộc xã Điền Hương đến đoạn sông Bù Lu, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc.
Riêng đoạn tuyến còn lại từ đường ven sông Bù Lu đến chân đèo Hải Vân, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc (dài khoàng 32,5km) là đoạn tuyến thuộc phạm vi Quy hoạch chung của Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và cơ bản đã có quy hoạch chi tiết về hướng tuyến ven biển nên sẽ không nghiên cứu lập quy hoạch điều chỉnh.
Đáng chú ý, theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, để đảm bảo tính kết nối tuyến ven biển mới quy hoạch và các bãi tắm cộng đồng, thì quy hoạch xây dựng các tuyến đường ngang theo nguyên tắc “mỗi xã ít nhất có 1 tuyến đường ngang kết nối từ tuyến đường bộ ven biển xuống bãi tắm và điểm vui chơi cộng đồng theo quy hoạch”. Khoảng cách tối thiểu khoảng 500m-1.000m/vị trí.
Riêng với tuyến đường ngang vào bãi tắm sẽ đi theo đường ngang hiện trạng sẵn có, chỉ nắn chỉnh cục bộ để đảm bảo hạn chế đền bù giải phóng mặt bằng và đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật của đường; với khu vực chưa có đường cũ thì sẽ bổ sung tuyến kết nối tại các vị trí phù hợp quy hoạch của từng địa phương.
Cùng với đó, để tạo điều kiện đường xuống biển cho người dân, du khách, tỉnh cũng yêu cầu giữa ranh giới 2 khu đất giao cho các nhà đầu tư liền kề nhau, cần chừa 1 tuyến đường xuống biển để đảm bảo tính tiếp cận cận dễ dàng cho nhân dân, du khách. Theo quy hoạch dự kiến trong 22 xã, thị trấn của 4 huyện, thị xã ven biển nói trên sẽ có 29 đường ngang kết nối từ đường ven biển vào 27 bãi tắm cộng đồng.
Theo nghị quyết được HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua tổng mức đầu tư để điều chỉnh quy hoạch tuyến đường bộ ven biển tỉnh có kinh phí khoảng 6.547 tỷ đồng. Thời kỳ thực hiện quy hoạch từ năm 2021 - 2030 (tầm nhìn đến 2050).
Trong đó giai đoạn 1 (2021 - 2025) triển khai đầu tư xây dựng đoạn tuyến mới để nối thông với tuyến Quốc lộ 49B hiện hữu, bao gồm cả việc cả việc xây cầu qua cửa biển Thuận An dài khoảng 2,3km…
Giai đoạn 2 (2025 - 2030) triển khai đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng các đoạn tuyến còn lại. Giai đoạn 3 (2030 - 2050) xây đường, làm hầm tuyến đường và hầm xuyên núi nối Quốc lộ 49B đến tuyến 2 ven biển Cảnh Dương…