Hộ chiếu vắc-xin – câu trả lời không chỉ riêng cho Phú Quốc
Phú Quốc từng là hòn đảo của niềm hy vọng. Không chỉ của chính những người dân trên đảo, mà còn của cả một vùng kinh tế.
Dung năm nay 16 tuổi. Quê em ở Hòn Ngang, một hòn đảo chỉ rộng hơn hai mươi hecta, cách bờ biển Rạch Giá chín mươi cây số.
Trên đảo Hòn Ngang chỉ có 900 hộ dân và không có trường cấp 3. Ba mẹ cũng không có tiền nuôi con đi trọ học xa. Để nuôi tiếp ước mơ đèn sách, tháng 5/2021, Dung một mình đến Phú Quốc – cách nhà em 80km đường biển. Trong tưởng tượng của cô bé, em sẽ ứng tuyển vào trường THPT Phú Quốc, rồi đi tìm việc làm, vừa đi làm vừa đi học.
Phú Quốc đã trải qua một thập kỷ tăng trưởng bùng nổ, và đó đáng ra là nơi có thể nuôi dưỡng ước mơ của Dung. Một công việc bán thời gian, chân phụ bàn ở quán ăn, hay quán café, sau giờ học ở trường, là điều hoàn toàn dễ tưởng tượng trong đầu cô bé 16 tuổi. Chỉ đôi ba triệu đồng mỗi tháng, là đã đủ để em vượt qua 3 năm phổ thông.
Nhưng đó chỉ là một kịch bản nếu không có Covid-19. Kinh tế của hòn đảo, cơ hội việc làm và sinh kế của nhiều lao động, vốn phụ thuộc hoàn toàn vào dòng khách du lịch, đã suy giảm nghiêm trọng từ năm 2020, lại nhận cú đánh mới từ làn sóng thứ 4.
Tháng 9/2021, Dung đang kẹt lại Phú Quốc. Không có việc làm, cũng chẳng có tiền mua sách vở để bắt đầu năm học mới. Toàn bộ ngành lữ hành tỉnh Kiên Giang đã 2 tháng không ghi nhận doanh thu.
Cô bé được một cô giáo trong trường cho trọ nhờ và giúp bữa ăn. Nhưng cô giáo trường huyện cũng một mình nuôi hai con ăn học, và bản thân cô cũng đã giúp hơn một em học sinh chỗ trọ. Cô không đủ điều kiện tài trợ cho Dung theo hết đường học hành.
Câu chuyện được chia sẻ trên các diễn đàn của người Phú Quốc, và một vài mạnh thường quân tìm đến, tặng em chiếc xe đạp, tiền học phí và sách tập. Dung có thể bắt đầu năm học mới. Nhưng trong kỳ vọng của cả người lớn lẫn bản thân Dung, con đường theo học của em chỉ có thể nối dài khi kinh tế huyện đảo trở lại. Hay nói cách khác, khi Phú Quốc mở cửa đón khách trở lại.
Phú Quốc không cá biệt. Khắp các vùng biển Địa Trung Hải, năm 2020 là những thị trấn kiệt quệ mong chờ ngày thế giới mở cửa trở lại bằng chính sách hộ chiếu vắc-xin.
“Tồi tệ hơn cả khủng hoảng tài chính”, Kondylia – một chủ khách sạn ở đảo Amorgos phía Bắc Hy Lạp – nói về mùa du lịch năm 2020. Đó là một nền kinh tế phụ thuộc vào dòng khách du lịch quốc tế. Có đến 25% lực lượng lao động của Hy Lạp làm việc trong ngành du lịch. Năm 2020, ngành này chứng kiến sự sụt giảm 80%.
“Khủng hoảng tài chính” mà Kondylia nói tới là cuộc khủng hoảng nợ quốc gia Hy Lạp, GDP nước này sụt giảm 26% từ 2008 đến 2014. Rất nhiều người rời bỏ đất nước trong giai đoạn đó.
Nhưng ngay cả trong cuộc khủng hoảng lịch sử ấy, năm tồi tệ nhất là 2011, kinh tế Hy Lạp cũng chỉ sụt giảm 6,9%. Năm ngoái, bất chấp nỗ lực chống dịch, nền kinh tế này tăng trưởng âm 8,2%. Họ mất hơn 13 tỷ USD doanh thu du lịch.
Trên bờ vịnh đảo Amorgos, có bức tượng nàng Erato, con gái của thần Zeus ngồi ôm cây đàn lyre nhìn ra bờ biển mênh mông. Đã từng có thời nàng nhìn những chuyến phà đầy ắp khách du lịch từ Athens cập bến. Erato là nhân vật bảo hộ những lời ca và vần thơ tình trong thần thoại Hy Lạp. Một nàng thơ theo nghĩa đen.
Nhưng nay, đi qua phía trước nàng là những con phà lác đác người. Những thị trấn trắng muốt dọc những triền núi, nhìn ra Địa Trung Hải xanh biếc, từng là biểu tượng của du lịch châu Âu, giờ tĩnh lặng.
Đi sâu vào trong biển Adriatic, bạn sẽ bắt gặp những bi kịch khác. Croatia – một nàng thơ khác của Địa Trung Hải – với những thành phố trung cổ nguyên vẹn bên bờ biển, có tới 25% GDP đến từ ngành du lịch.
Sau trận chung kết World Cup 2018, một triệu bài báo khắp thế giới nhắc tên Croatia và từ khóa “thăm Croatia” đạt mức cao kỷ lục trên Google mùa hè năm ấy. Triển vọng chói lọi bị dập tắt vì Covid-19. Nửa cuối năm 2020, nền kinh tế Croatia chứng kiến tăng trưởng âm 14,9%.
Sau một năm 2020 đầy gắng gượng, họ bắt đầu nín thở chờ đợi. Từ đầu năm 2021, một giải pháp bắt đầu được nhắc đến tại châu Âu – và trở thành niềm hy vọng lớn nhất để bấu víu của nhiều nền kinh tế, như Hy Lạp. Đó là hộ chiếu vắc-xin.
Hy Lạp đón mùa du lịch 2021 bằng một loạt chính sách mở cửa với những người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid, hoặc đã nhiễm nhưng bình phục. Khi EU chưa thống nhất được chính sách về “hộ chiếu vắc-xin”, Hy Lạp thực hiện hàng loạt thỏa thuận song phương với hơn 30 quốc gia, để tiếp nhận công dân có chứng nhận đã tiêm hoặc có kháng thể từ những nước này.
Trước sự thúc đẩy của Hy Lạp, tháng Bảy, EU chính thức phát hành hộ chiếu vắc-xin toàn khối, bằng một chứng nhận điện tử (EUDCC).
Cuộc trở lại ấn tượng: tháng 8 vừa qua, Hy Lạp ghi nhận số chuyến bay thương mại bằng 93% so với cùng kỳ năm 2019, một năm đỉnh cao trước đại dịch.
Khách du lịch trở lại, và dần hồi sinh nền kinh tế. Hy Lạp vẫn ghi nhận ca nhiễm mới, nhưng chính phủ nước này khẳng định rằng ca nhiễm mới không liên quan đến dòng khách du lịch. Chỉ có 0,07% số mẫu xét nghiệm khách du lịch tại cửa khẩu cho kết quả dương tính.
“Đất nước chúng tôi không gặp vấn đề gì với việc mở cửa biên giới trở lại”, Bộ trưởng Bộ Du lịch Hy Lạp khẳng định.
Croatia cũng đón mùa hè 2021 bằng sự hồi sinh, khi số chuyến bay thương mại trong tháng 8 đạt gần 80% so với 2 năm trước. “Cứ như là năm 2020 chưa bao giờ diễn ra vậy”, Josip Crncevic, một hướng dẫn viên ở Dubrovnik chia sẻ. Tại Dubrovnik, điểm đến hàng đầu của du lịch Croatia, thậm chí một số nhà hàng còn không kịp thuê phục vụ - họ bị bất ngờ vì sự hồi sinh quá nhanh chóng sau năm 2020 ảm đạm. Số lượng phòng đặt qua đêm trong tháng 7/2021 đạt 69% so với năm 2019.
Các quốc gia này vẫn đề cao cảnh giác với Covid-19, đặc biệt là khi biến chủng Delta đang hoành hành. Nhưng Hy Lạp có một lợi thế đã từng khiến họ thành công trong việc khống chế các làn sóng đầu tiên: các vùng du lịch của họ nằm trên các hòn đảo.
Ngay khi “có biến”, Hy Lạp áp chính sách thắt chặt với các đảo có thêm ca nhiễm cộng đồng. Tháng 7 vừa qua, khi Mykonos, hòn đảo nổi tiếng với các bữa tiệc thâu đêm, có dấu hiệu gia tăng ca nhiễm, chính phủ đặt giờ giới nghiêm từ 1 giờ tới 6 giờ sáng hàng ngày. Chính sách này được gỡ bỏ chỉ sau 9 ngày.
Năm nay, doanh thu từ du lịch của Hy Lạp dự kiến đạt 40% so với năm 2019 – và nếu đạt được thì đó đã là một kết quả xứng đáng được ăn mừng.
Bộ chính sách ứng phó với Covid-19 của EU nói chung và các vùng du lịch tại Nam Âu nói riêng, cơ bản bao gồm: Thúc đẩy nhanh việc tiêm vắc-xin cho phần lớn dân số trưởng thành; Mở cửa với những du khách đã tiêm đủ liều vắc-xin (có hộ chiếu vắc-xin), đã nhiễm nhưng khỏi bệnh, hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính PCR.
Tại một số nước, du khách có thể được nhập cảnh nếu kết quả PCR là âm tính, nhưng sẽ cần hộ chiếu vắc-xin để được phép vào nhà hàng, quán bar, khách sạn và các cơ sở dịch vụ trong nhà khác.
Bất chấp sự xuất hiện của chủng Delta và việc thúc đẩy giao thương, du lịch trở lại, hầu hết các quốc gia châu Âu đều đang ghi nhận số ca nhiễm thấp hơn rất nhiều so với đỉnh cuối năm 2020. Pháp – một trong những nước đầu tiên áp dụng hộ chiếu vắc-xin cho các cơ sở dịch vụ trong nhà – đang ghi nhận số ca nhiễm giảm liên tục trong một tháng qua.
Trong biểu đồ trên, cả 4 nước được chọn đều là những quốc gia châu Âu có số chuyến bay thương mại đạt hơn 70% so với cùng kỳ năm 2019, tức là đang tiến gần hơn về trạng thái “bình thường”.
Kinh nghiệm từ chính sách “hộ chiếu vắc-xin” của châu Âu sẽ trở nên rất quan trọng cho Việt Nam, hay cụ thể là những vùng du lịch như Phú Quốc trong ngày trở lại.
Nhìn vào doanh thu từ dịch vụ lữ hành của cả tỉnh Kiên Giang, có thể nhận ra phần nào tâm lý của những con người sống nhờ vào ngành du lịch nơi này suốt gần 2 năm qua. Một cuộc sa sút chóng vánh sau làn sóng thứ nhất. Rồi sau đó là sự gắng gượng qua một mùa hè 2020 thận trọng. Cuối năm đó, những hy vọng nhen nhóm khi Việt Nam khống chế thành công làn sóng thứ 3. Và rồi hy vọng lại bị dập tắt.
Có lẽ Dung và nhiều người dân Phú Quốc khác, đã lên kế hoạch khác cho cuộc đời mình trong những ngày tháng “phục hồi” ngắn ngủi cuối năm 2021, khi rất nhiều chuyên gia đều có chung nhận định, rằng “zero covid là bất khả thi”. Nhưng họ lại tiếp tục nhen nhóm hy vọng trong lần mở cửa sắp tới, vào tháng 11/2021, khi Bộ Chính trị đồng ý kế hoạch thí điểm hộ chiếu vắc-xin với khách quốc tế đến Phú Quốc.
Những kế hoạch, giải pháp đã được tỉnh Kiên Giang và thành phố Phú Quốc đồng bộ triển khai những ngày qua, từ xin phân bổ vắc-xin cho đến huy động nhân lực để đảm bảo 100% dân số Phú Quốc từ 18 tuổi được tiêm mũi 1 và phấn đấu hoàn thành tiêm mũi hai vào cuối tháng 10. Kế hoạch phục hồi du lịch tỉnh Kiên Giang, Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trong phòng chống dịch đối với từng loại hình dịch vụ và tiêu chí đối với khách du lịch… đã được gửi đi để xin ý kiến các bên liên quan, chuẩn bị tốt nhất những điều kiện đón khách.
Lượng khách đến Phú Quốc giảm tới trên 95% thời gian qua, tốc độ phát triển kinh tế của một thành phố với thế mạnh về du lịch bởi thế không thể nói là không ảnh hưởng. Thế nên, chủ trương thí điểm chọn Phú Quốc mở cửa đón khách du lịch quốc tế thông qua "hộ chiếu vắc-xin" giống như một cơ hội lớn được đặc biệt trao cho Phú Quốc.
PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng nhìn nhận: “Việc triển khai thành công hộ chiếu vắc-xin tại Phú Quốc sẽ là cơ hội lớn để điểm đến này bứt phá trên thị trường du lịch thế giới, bởi nơi đây hội tụ đầy đủ điều kiện để có thể tham gia cuộc đua nhanh nhất, rút ngắn khoảng cách của du lịch Việt Nam với thế giới. Phú Quốc hoàn toàn có thể bứt phá, trở thành một Phuket hay Maldives mới của châu Á”.
Trong bối cảnh có rất ít ca nhiễm, tỷ lệ phủ vắc-xin cao, lại là một hòn đảo – nếu so sánh với sự “lên xuống” trong các danh sách cảnh báo của Thái Lan, mật độ dân số của Singapore, Phú Quốc hoàn toàn có thể là ngôi sao sáng nhất trong bầu trời du lịch Đông Nam Á trong mùa du lịch cuối năm tới.
Rất dễ tìm thấy tên “Phú Quốc” trên các website du lịch hàng đầu thế giới ở thời điểm này, khi chính sách thí điểm mở cửa được công bố thuộc hàng sớm nhất khu vực.
Đó cũng là lý do mà chính phủ kỳ vọng cao vào cuộc thí điểm mở cửa đón khách, và đưa ra con số dự kiến hơn 2 triệu lượt khách. Trước đại dịch, mỗi du khách quốc tế đến Việt Nam tiêu hơn 900 USD cho cả kỳ nghỉ, nghĩa là chỉ hơn 1 triệu lượt khách đã tạo ra doanh thu 1 tỷ USD. Ngay cả trong những kịch bản thận trọng nhất, khi khách giảm chi tiêu trong đại dịch (nhưng lại chỉ ở Phú Quốc thay vì di chuyển), nếu vượt qua mốc 2 triệu lượt khách, thì doanh thu tỷ USD là điều có thể trông đợi.
Doanh thu hơn 20.000 tỷ từ du lịch chỉ là một kỳ vọng “bình thường” của Kiên Giang trong một năm “bình thường”. Nhưng ở thời điểm này, nó là một hy vọng lớn lao cho những người dân đảo ngọc và cả cho những đứa trẻ ở nơi này, để nuôi tiếp ước mơ về tương lai.
Đấy là từ góc nhìn về cơ hội đối với ngành du lịch. Nhìn tổng quan hơn, hộ chiếu vắc-xin đang mang tới cho Phú Quốc những đổi thay có tính dẫn dắt xu thế, khi các doanh nghiệp du lịch tại đây đang không chỉ đưa dịch vụ không chạm, một chạm vào Phú Quốc để đón khách. Những tập đoàn lớn như Sun Group thậm chí còn tiên phong tạo nên những gói trải nghiệm Wellness, những dự án bất động sản nghỉ dưỡng mang phong cách Wellness, xuất phát từ chính nhu cầu du lịch chăm sóc sức khỏe của du khách sau dịch bệnh, đưa Phú Quốc trở thành điểm đến của những gì mới nhất, thú vị và đáng khám phá nhất.
Ngay trong lĩnh vực bất động sản (BĐS), rất nhiều chuyên gia cũng xem đây như một miếng bánh ngọt cho các nhà đầu tư, khi xu thế sở hữu BĐS nghỉ dưỡng ven biển đã trở thành một “trend” thời thượng. PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định: “Hiện nay Nam Phú Quốc đã định hình là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất, đặc biệt là với mảng bất động sản gắn với du lịch nghỉ dưỡng, có tiềm năng phát triển trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn cùng dư địa phát triển lớn, hứa hẹn khả năng sinh lời bền vững, lâu dài. Quả ngọt thường dành cho người nhanh chân, nhất là với các cơ hội đầu tư”.
Từ vài năm gần đây, liên tục có những chính sách mở lần đầu tiên áp dụng cho Phú Quốc, từ 1 trong 3 “ứng viên” có cơ hội thành đặc khu kinh tế, đến thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam và bây giờ là điểm đến đầu tiên thí điểm đón khách có hộ chiếu vắc-xin. “Điều này chắc chắn sẽ tạo ra thời cơ cho Phú Quốc bứt phá, phát triển mạnh mẽ so với những địa phương khác, tương xứng với tiềm năng, lợi thế riêng biệt của vùng đất này. Đây là cơ hội mà Phú Quốc cần biết nắm bắt sớm”- ông Thiên nhấn mạnh./.