Theo VCCI, năm 2021 chứng kiến một khoảng thời gian đầy khó khăn của doanh nghiệp khi dịch Covid-19 lan nhanh và trở nên nghiêm trọng hơn. Doanh nghiệp ở hầu hết mọi lĩnh vực đều rơi vào trạng thái đóng băng hoạt động nên việc thực hiện hợp đồng bị gián đoạn, mất đối tác kinh doanh.
Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, do tác động của đại dịch, nhiều doanh nghiệp đã phải tạm ngừng hoạt động. Các doanh nghiệp có thể duy trì thông qua 3 tại chỗ cũng chỉ hoạt động được từ mức 5 - 10% công suất, trong khi các chi phí khác lại rất cao.
Bước qua giai đoạn bình thường mới với việc rút kinh nghiệm từ các tổ chức trước đó, cùng các chiến lược phù hợp, nhiều doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang tái khởi động lại, phục hồi dần, hướng đến năm 2022 với những thay đổi tích cực hơn.
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết, năm 2021 là năm rất nhiều khó khăn đối với nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam khi chúng ta đang phải đối phó với sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 94% doanh nghiệp Việt Nam đã gặp phải khó khăn dịch bệnh, mỗi tháng có khoản một vạn doanh nghiệp đã phải rút lui khỏi thị trường, hàng triệu người lao động mất việc làm.
Riêng các tỉnh, thành phố phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long đã có tới 98% doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề. Đặc biệt là vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long với sự lan nhanh nghiêm trọng của dịch bệnh chúng ta đã phải trải qua một thời kỳ giãn cách kéo dài dẫn tới các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sản xuất bị đình trệ. Hệ thống giao thông vận tải vận chuyển hàng hóa bị gián đoạn ở nhiều lĩnh vực hoạt động xuất kinh doanh. Nhiều trạng thái đóng băng hoặc là suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là thời kỳ đỉnh dịch vào quý III/2021.
“Chúng ta trân trọng và đánh giá cao những nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua. Phần lớn các doanh nghiệp đều đã tích cực chuẩn bị có phương án kế hoạch mới nhằm thích ứng nhanh chóng. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang hình thức số hóa, phân bổ lại lực lượng lao động phù hợp với chủ trương của Chính phủ để vừa duy trì được sản xuất kinh doanh, vừa tiếp cận giao dịch hàng hóa qua các sàn giao dịch điện tử để đảm bảo cho quá trình sản xuất kinh doanh ở mức tốt nhất”, ông Lộc cho biết.
Ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, trong giai đoạn bùng phát dịch bệnh Covid-19, Long An là một trong các tâm dịch của cả nước với tổng số ca nhiễm ở mức rất cao, đe dọa sức khỏe, tính mạng của người dân và tác động trực tiếp đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh. Hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn do phải thực hiện theo các quy định của Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh nghiêm ngặt.
Theo quy định của UBND tỉnh Long An tại Văn bản số 6619/UBND-VHXH ngày 11/7/2021, kể từ 00 giờ ngày 13/7/2021, doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ) nhằm ổn định sản xuất và đảm bảo phòng chống dịch Covid-19. Sau khi UBND tỉnh ban hành Văn bản số 6619, tính đến ngày 23/8/2021, có 207 doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp đăng ký và đủ điều kiện hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” với 11.898 lao động.
Ngày 24/8/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2759/KH-UBND về phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An. Kết quả tính đến ngày 4/9/2021, số doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp đăng ký và đủ điều kiện hoạt động theo phương án 3 tại chỗ còn 202 doanh nghiệp với 11.796 lao động. Một số doanh nghiệp ngưng hoạt động do không đủ điều kiện tổ chức “3 tại chỗ” hoặc tự chủ động xin tạm dừng hoạt động.
Kể từ ngày 13/9/2021, sau khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh số 2962/KH-UBND, tỉnh Long An không còn bắt buộc doanh nghiệp phải hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” mà cho doanh nghiệp lựa chọn các hình thức phù hợp. Kết quả lũy kế đến tháng 10/2021, có 316 doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp hoạt động sản xuất trở lại với 26.691 lao động. Sau khi UBND tỉnh Long An ban hành Kế hoạch 3222 ngày 04/10/2021 và văn bản số 10555/UBND-VHXH ngày 26/10/2021 về việc điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 trên địa bàn tỉnh thì đến nay, ước có 95% doanh nghiệp đã hoạt động lại với khoảng 330.000 lao động.
Về khó khăn, ông Thắng cho biết, đa số doanh nghiệp hoạt động trở lại nhưng vẫn trong tình trạng khan hiếm lao động. Tỷ lệ thiếu hụt lao động khoảng 10 - 20%. Doanh nghiệp phục hồi năng suất đạt từ 70 - 80% so với trước dịch.
Bên cạnh đó, nguyên liệu, hàng hóa nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, đáp ứng không kịp thời, khan hiếm và giá thành cao. Chi phí hoạt động tăng cao, do các phát sinh liên quan đến công tác phòng chống dịch như: Chi phí xét nghiệm, đầu tư đáp ứng điều kiện kiểm soát, phòng chống, đảm bảo an dịch bệnh…
“Đây cũng là một khó khăn chung của doanh nghiệp cả nước. Như chúng ta biết, gần đây Quốc hội, Chính phủ cũng đã có nhiều thảo luận trong việc thiết kế các gói kinh tế để hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, tôi đồng với ông Vũ Tiến Lộc rằng, thực sự hỗ trợ tiền chỉ là một phần, với doanh nghiệp, cái quan trọng hơn mà Chính phủ, Quốc hội cần hỗ trợ thực tế là về các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Một chính sách chậm sẽ làm chậm đi một bước đi của doanh nghiệp, có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp rất lớn, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ thiệt hại khôn lường”, ông Thắng nhấn mạnh./.