Aa

Còn hạn chế trong việc miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp

Thứ Bảy, 25/09/2021 - 13:30

Được đưa ra với nhiều kỳ vọng, tuy nhiên, dự thảo chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp của Bộ Tài chính mới đây, được cho còn một số quy định hạn chế đối tượng tiếp cận…

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của Covid-19 (Dự thảo).

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, đơn vị có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và bị giảm so với tổng doanh thu năm 2019 sẽ được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, mới chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong kỳ tính thuế năm 2020 và năm 2021 thì sẽ không xét tới tiêu chí doanh thu năm nay giảm so với năm 2019.

Đáng chú ý, trong Dự thảo này, Bộ Tài chính cũng đề xuất giảm 30% thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ ngày 01/10 đến hết năm 2021 cho các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động sản xuất - kinh doanh trong các ngành vận tải, dịch vụ lưu trú, ăn uống; hoạt động của đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch; các hoạt động xuất bản điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc…

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính - Hồ Đức Phớc, đối tượng được thụ hưởng trực tiếp của chính sách giảm thuế suất GTGT nêu trên là người mua hàng hóa, dịch vụ, do mức giảm 30% thuế suất thuế GTGT thể hiện trên hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ của người bán, qua đó giảm số tiền mà người mua phải thanh toán. Đồng thời, chính sách này cũng sẽ gián tiếp hỗ trợ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, khuyến khích bán hàng tốt hơn, nhiều hơn, qua đó góp phần tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất cá nhân, hộ kinh doanh được miễn thuế 6 tháng cuối năm. Như vậy, thay vì giảm 50% như đề xuất cũ, dự thảo mới của Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế GTGT và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất - kinh doanh của các tháng trong quý III và IV/2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi ngành nghề, địa bàn, không kể hình thức, phương pháp khai thuế, nộp thuế. Tuy nhiên, đối tượng được áp dụng chính sách này sẽ không bao gồm cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số.

Bên cạnh mặt tích cực, Dự thảo được cho còn một số quy định hạn chế đối tượng tiếp cận - Ảnh minh họa
Bên cạnh mặt tích cực, Dự thảo được cho còn một số quy định hạn chế đối tượng tiếp cận - Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, việc nhanh chóng soạn thảo Dự thảo này là hết sức cần thiết, đặc biệt khi người dân và cộng đồng doanh nghiệp vừa phải hứng chịu nhiều tác động tiêu cực từ làn sóng dịch Covid-19 thứ 4. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, Dự thảo chính sách này của Bộ Tài chính vẫn còn tồn tại một số quy định hạn chế đối tượng tiếp cận.

Cụ thể, việc quy định doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng mới được giảm 30% thuế TNDN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, mức quy định này chưa thật hợp lý và sẽ loại bỏ một số doanh nghiệp nhỏ và vừa ra khỏi đối tượng được hưởng hỗ trợ. Bởi theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, một trong những tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa là có tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.

Do đó, để bảo đảm tính hiệu quả của chính sách hỗ trợ, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo xác định đối tượng được hưởng chính sách giảm thuế TNDN là các doanh nghiệp có tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng.

Thông tin với báo chí, chuyên gia kinh tế - PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, các chính sách hỗ trợ cần ban hành kịp thời vì đợt bùng dịch thứ 4 đã khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, “cần xem xét nới rộng các điều kiện để doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách và kéo dài thời gian triển khai. Trong thực tế, không có nhiều doanh nghiệp tiếp cận được chính sách gia hạn thuế TNDN do ngừng kinh doanh hoặc kinh doanh lỗ, không có thu nhập để được giảm thuế”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thịnh, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch khi hàng loạt cửa hàng kinh doanh đã đóng cửa từ đợt dịch năm 2020, đến nay không thể hoạt động trở lại. Hàng loạt chi phí từ thuê mặt bằng, nhân viên trong khi kinh doanh ế ẩm buộc nhiều người phải rời khỏi thị trường, do đó, chính sách miễn thuế là rất cần thiết vào thời điểm này.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh việc đơn giản hóa điều kiện và thủ tục tiếp cận các chính sách hỗ trợ như đã nêu thì yếu tố thời gian phải được đặt lên hàng đầu khi giải cứu doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh cấp bách như hiện nay, bởi nếu chính sách triển khai sớm một ngày sẽ cứu được hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp, còn nếu triển khai chậm thì nhiều doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top