Hòa Bình và vị thế dẫn đầu làn sóng đầu tư bất động sản ven đô
Như một quy luật, khi bất động sản khu vực trung tâm dần trở nên bão hòa, làn sóng đầu tư bất động sản sẽ có xu hướng dịch chuyển theo vết dầu loang sang những vùng đất mới tiềm năng. Và Hòa Bình đang dần chứng minh vị thế dẫn đầu của bất động sản ven Thủ đô khi hội tụ đầy đủ các yếu tố không chỉ về vị trí, cảnh quan..., mà còn cả về quy hoạch bài bản, sự chuẩn bị về hạ tầng, quỹ đất cùng chính sách thu hút đầu tư cởi mở của chính quyền địa phương.
Sức hấp dẫn của bất động sản Hòa Bình cũng đang ngày càng gia tăng nhờ sự đồng hành của các doanh nghiệp bất động sản tiên phong, mà theo đánh giá của các chuyên gia, trong một tương lai không xa, Hòa Bình sẽ trở thành trung tâm nghỉ dưỡng mới hàng đầu Việt Nam.
Sở hữu vị trí chiến lược ở cửa ngõ phía Tây Thủ đô, đồng thời là tâm điểm giao thương giữa các tỉnh Tây Bắc với TP. Hà Nội, Hòa Bình đã sớm chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông liên vùng. Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm có ý nghĩa quan trọng đã được quy hoạch, triển khai thi công và đưa vào sử dụng. Trong đó, tuyến Đại lộ Thăng Long - Hòa Bình thông xe năm 2018 đã rút ngắn thời gian từ Hà Nội đến Hòa Bình chỉ còn một giờ di chuyển. Đây là động lực quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản Hòa Bình có sự chuyển biến rõ rệt. Các nhà đầu tư bắt đầu dịch chuyển dòng vốn và quan tâm nhiều hơn đến các tiềm năng vượt trội của Hòa Bình với vị thế là vệ tinh quan trọng của Thủ đô.
Xác định rõ “giao thông phải đi trước một bước mở đường cho kinh tế”, cuối tháng 4/2021, HĐND tỉnh Hòa Bình đã thông qua 11 nghị quyết về đầu tư công và nâng cấp hệ thống giao thông, trong đó có Nghị quyết phê duyệt chủ trương dự án Đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu)...
Theo chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công trong giai đoạn 2021 - 2025 của TP. Hà Nội, tỉnh Hòa Bình được hưởng lợi trực tiếp từ dự án cao tốc Đại lộ Thăng Long (đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội – Hoà Bình) và dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai. Với số vốn đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng, chiều dài khoảng 21,7km, dự án Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai được đánh giá là một trong những tuyến đường quan trọng tại cửa ngõ phía Tây Thủ đô, kết nối Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc, trong đó có Hòa Bình.
Cùng với đó, chính quyền tỉnh Hòa Bình cũng đề xuất triển khai thực hiện nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như đường nối TP. Hòa Bình - Kim Bôi, đường tỉnh 450, đường tỉnh 436...; nỗ lực huy động mọi nguồn lực để đầu tư các tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đường Hồ Chí Minh - vành đai 5 Hà Nội (đoạn qua địa phận tỉnh), xây dựng các tuyến tránh qua khu vực đông dân cư ở các thị trấn...
Việc đưa vào hoạt động các tuyến giao thông này sẽ góp phần gia tăng khả năng kết nối, giao thương giữa Hòa Bình với Hà Nội cũng như các tỉnh Tây Bắc, Đồng bằng sông Hồng, đồng thời là nền tảng thu hút doanh nghiệp về khu vực đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh cho biết, bên cạnh chú trọng đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, tỉnh Hòa Bình đang khẩn trương hoàn thành, công khai quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, trong đó xác định rõ các vị trí có lợi thế để kêu gọi, thu hút đầu tư.
Theo số liệu của UBND tỉnh, tính đến giữa tháng 6/2021, Hoà Bình có 629 dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước còn hiệu lực hoạt động. Trong đó có 40 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư 619,362 triệu USD, 589 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 92.218 tỷ đồng.
Mặt khác, quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2035, với tổng quy mô 52.200ha đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một trong những dấu hiệu cho thấy, Hòa Bình đang chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bổ sung lĩnh vực du lịch và dịch vụ là một trong những mũi nhọn của nền kinh tế, coi đây là yếu tố đòn bẩy quan trọng trong việc thúc đẩy sự chuyển mình của bất động sản Hòa Bình. Theo đó, bức tranh thị trường bất động sản sẽ mang màu sắc chủ đạo của phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và đô thị sinh thái.
“Quy hoạch chung Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình có ý nghĩa đối với tỉnh Hòa Bình, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển khu vực hồ Hòa Bình, thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch”, ông Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh.
Hiện tại, Khu du lịch hồ Hòa Bình có 16 dự án đầu tư dịch vụ, văn hóa, du lịch được cấp phép, hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng diện tích sử dụng đất khoảng 1.444ha, tổng nguồn vốn từ nhà đầu tư khoảng 3.303,9 tỷ đồng. Các dự án có mục tiêu đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, kết hợp trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo tồn văn hóa các dân tộc, du lịch tâm linh...
Dựa trên quy hoạch bài bản để hình thành các dự án bất động sản, kêu gọi sự tham gia đầu tư của những nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp là hướng đi bền vững mà tỉnh Hòa Bình đã và đang triển khai để tạo sự bứt phá của bất động sản tại đây, làm nền tảng thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, việc hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư là 1 trong 4 đột phá chiến lược; trong đó đề ra mục tiêu phấn đấu trong 5 năm (2020 - 2025) sẽ thu hút các dự án trong nước với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 80.000 tỷ đồng và khoảng 1 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Ngay từ những tháng đầu năm 2021, Hòa Bình đã tổ chức 3 hội nghị đối thoại với các nhà đầu tư dự án để nắm bắt tình hình triển khai thực hiện và tổ chức các buổi làm việc, kiểm tra thực địa các dự án. Đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục hành chính, tập trung gỡ khó cho các nhà đầu tư.
Nhằm tháo gỡ các khó khăn trong tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp đầu tư, Hòa Bình đã ban hành quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương để hỗ trợ nhà đầu tư một số thủ tục hành chính đối với các dự án đầu tư theo hình thức thỏa thuận, nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất (QSDĐ), nhận góp vốn bằng QSDĐ trên địa bàn tỉnh; ban hành văn bản hướng dẫn một số thủ tục về đấu giá QSDĐ; nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, cho thuê QSDĐ nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư phi nông nghiệp và hướng dẫn thực hiện các thủ tục đấu giá QSDĐ gắn với tài sản trên đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh xây dựng, ban hành quy định, trình tự thực hiện các thủ tục hành chính đối với dự án có sử dụng đất, đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo xây dựng tiêu chí áp dụng lựa chọn hình thức đấu giá QSDĐ, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án đầu tư sử dụng đất trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để sớm có mặt bằng thực hiện dự án.
Nếu như trước đây, dù tiềm năng lớn nhưng Hòa Bình chỉ có những dự án bất động sản nhỏ lẻ thì vài năm trở lại đây, đặc biệt trong năm 2021, sự cải thiện mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Hòa Bình đã “dọn đường” cho các ông lớn bất động sản tích cực dịch chuyển dòng vốn đầu tư, nghiên cứu và triển khai các dự án lớn tại địa phương này.
Đơn cử như Vingroup đã triển khai và đưa vào hoạt động dự án Vincom Shophouse Hòa Bình, tạo thành khu vực vui chơi, giải trí, kinh doanh sầm uất ở trung tâm TP. Hòa Bình, kéo theo đó là sự sôi động của thị trường bất động sản lân cận. Sau sự đổ bộ của Vingroup, giá đất ven dự án Vincom trong vòng 3 năm qua đã tăng khoảng 50 – 70%; giá đất mặt đường Trần Hưng Đạo rao bán từ 25 - 27 triệu đồng/m2; trong khi những lô đất bên trong cũng lên tới gần 20 triệu đồng/m2; đất xa thành phố hơn mặt bằng giá cũng tăng lên 10 - 12 triệu đồng/m2.
Tập đoàn Geleximco cũng góp mặt với 2 dự án lớn là KĐT sinh thái Trung Minh (60ha, tổng mức 1.740 tỷ đồng) và KĐT mới Hoà Bình (3.602 tỷ đồng) cùng dự án sân golf 27 lỗ tại TP. Hòa Bình. Còn Tập đoàn Sun Group đang nghiên cứu, triển khai Dự án tổ hợp Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp, cáp treo và tàu hoả leo núi tại 2 huyện Lạc Sơn và Kim Bôi.
Tập đoàn FLC cũng xác định Hòa Bình là địa bàn đầu tư chiến lược, do đó sẽ tập trung nguồn lực để triển khai các dự án. Dự kiến trong quý IV/2021, Tập đoàn này sẽ khởi công Khu Trung tâm đa chức năng Quỳnh Lâm 43ha tại TP. Hòa Bình và Khu du lịch nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái, thể thao và vui chơi 705ha tại huyện Yên Thủy. Apec Group cũng “tiến quân” vào Hòa Bình với dự án Apec Mandala Sky Villas Kim Bôi, dự án có quy mô 35,6ha, tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng.
Sự góp mặt của các tập đoàn uy tín như Vingroup, Sun Group, FLC, Geleximco, APEC Group... đang giúp bất động sản Hòa Bình, đặc biệt là phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, được khoác lên một diện mạo mới, chuyên nghiệp và bài bản hơn.
Mặt khác, sự đổ bộ của các “ông lớn” bất động sản vào thị trường Hòa Bình trong thời gian qua đã tạo một lực hút mạnh với các nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh thị trường khu vực Hà Nội đã dần trở nên bão hòa. Giới phân tích đánh giá, chưa bao giờ, thị trường bất động sản Hòa Bình trở nên hấp dẫn như thời điểm hiện tại, khi các nhà đầu tư lũ lượt kéo về địa phương này khiến giá đất nhiều khu vực nhanh chóng thiết lập mặt bằng giá mới.
“Hòa Bình vốn là một vùng đất không có nhiều dấu ấn trong bản đồ bất động sản của Việt Nam. Nhưng hiện nay, thị trường này đã trở thành một điểm sáng sôi động khi có sự đổ bộ của nhiều chủ đầu tư lớn, là các sếu đầu đàn của làng bất động sản Việt Nam… Từ đầu năm 2019, các ông lớn gần như cùng đồng thời tập trung vào thị trường Hòa Bình. Đi sâu vào khảo sát thị trường, còn có nhiều doanh nghiệp lớn khác đang âm thầm tiến hành đầu tư vào Hòa Bình, chưa bung hàng.
Báo cáo của nhiều trang thông tin bất động sản cũng cho thấy, Hòa Bình là nơi có lượng tìm kiếm bất động sản số 1 Việt Nam trong thời gian rất dài. Điều đáng chú ý là sự tăng trưởng của nguồn cung và nguồn cầu gần như song hành cùng lúc, nên thị trường nóng lên rất nhanh”, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty Phát triển nghỉ dưỡng ngoại ô cho hay.
Hòa Bình được biết đến là vùng đất của cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ với những ngọn núi điệp trùng mây phủ, những thung lũng hoang sơ, những hang động kỳ bí và thác nước chảy quanh năm.
Diện tích tự nhiên lớn, lên tới 4.622.5km2 và địa hình đa dạng nhiều sông, suối với nhiều địa danh du lịch nổi tiếng như Thung Nai, Mai Châu, suối nước khoáng Kim Bôi, rừng nhiệt đới Pù Noọc…, cùng những nét văn hóa vô cùng đặc sắc của các dân tộc miền núi đã cho Hoà Bình lợi thế lớn để phát triển kinh tế du lịch. Những năm qua, du lịch Hoà Bình ghi dấu tăng trưởng vượt ngưỡng 2 con số. Theo kế hoạch, địa phương này sẽ đón 4,9 triệu lượt khách vào năm 2025 và tăng lên 7,3 triệu lượt vào năm 2030.
“Hòa Bình có cơ hội rất lớn đón nhận làn sóng đầu tư mới để trở thành trung tâm phát triển trong khu vực, có thể trở thành cơ sở hậu cần, nghỉ dưỡng quan trọng đối với phát triển kinh tế trong khu vực Vùng Thủ đô”, TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định.
Giới phân tích đánh giá, các nhà đầu tư không bao giờ ngồi yên, đặc biệt là với những thị trường bất động sản còn nhiều tiềm năng như Hòa Bình. Đó là lý do mà dù dịch bệnh Covid-19 tác động mạnh nhưng năm 2021, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình vẫn trở thành điểm sáng trên thị trường. Các chuyên gia cho rằng, dịch Covid-19 đã thổi bùng nhu cầu nghỉ dưỡng ngoại ô với dòng sản phẩm second-home, nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe. Và Hòa Bình hội tụ đầy đủ các lợi thế để đón đầu xu hướng này.
“Có thể ví von rằng, mức tăng trưởng của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Hòa Bình như một cơn áp thấp nhiệt đới đang tiến vào biển, dịch Covid-19 đã khiến cơn áp thấp đó trở thành cơn bão lớn. Nhu cầu đầu tư tăng rất nhanh khi 8 triệu người dân Hà Nội đã ý thức trong đầu rằng, họ cần một nơi để nghỉ dưỡng khi Thủ đô đã quá ngột ngạt”, chuyên gia bất động sản Nguyễn Thành Trung cho hay.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng nhìn nhận, trước áp lực về môi trường, công việc và cuộc sống, xu hướng du lịch, nghỉ dưỡng gắn với thiên nhiên, gắn với chăm sóc sức khỏe đang được người dân Thủ đô lựa chọn nhiều nhất. Với lợi thế cận kề Hà Nội và cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, ấn tượng, Hòa Bình đang có cơ hội bứt phá trở thành vùng trũng của bất động sản nghỉ dưỡng miền Bắc, chắc chắn những doanh nghiệp có tầm nhìn chiến lược không thể bỏ qua.
Chung quy lại, bất động sản Hòa Bình đang như một làn gió mới, là đại diện tiêu biểu cho thị trường bất động sản ngoại ô Việt Nam. Thị trường này nóng lên sau dịch nhưng hội tụ đủ các yếu tố và lợi thế để tiếp tục tăng trưởng ổn định trong thời kỳ hậu Covid-19.
Dù vậy, các chuyên gia cũng nhận định, nếu trong tương lai, Hoà Bình muốn trở thành một trung tâm nghỉ dưỡng cuối tuần cho người dân Thủ đô và xa hơn là du khách quốc tế, thì chắc chắn phải phát triển các quần thể, các khu nghỉ dưỡng sinh thái kiểu mẫu trong một quy hoạch tổng thể, để vừa trở thành địa điểm nghỉ ngơi kết nối trọn vẹn với thiên nhiên, có hệ thống tiện ích cao cấp, chăm sóc sức khoẻ, vừa cân bằng với việc bảo tồn thiên nhiên. Trong khu nghỉ dưỡng sẽ bao gồm các loại hình lưu trú biệt thự, villas, resort với tỷ lệ xây dựng thấp để gần gũi thiên nhiên, thay vì phát triển các dự án nhỏ lẻ có thể dẫn đến những hệ luỵ như phá vỡ quy hoạch, mất cân bằng tự nhiên…
“Cuộc đổ bộ của nhiều ông lớn với các dự án nghỉ dưỡng quy mô tại Hòa Bình không chỉ thúc đẩy nghỉ dưỡng ven đô, mà còn khiến phân khúc đất thổ cư nơi đây sôi động. Tuy nhiên, dù có nhiều tiềm năng, nhưng Hòa Bình mới chỉ trong giai đoạn đầu của làn sóng đầu tư. Vì vậy, để tận dụng được nhu cầu đầu tư, phát triển kinh tế ở địa phương, cần có quy hoạch bài bàn, tổng thể, đồng bộ về hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, tránh gây lãng phí đầu tư, chỗ nhiều, chỗ ít, đầu tư theo phong trào, tự phát”, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng nhìn nhận: “Tiềm năng nhất, giá trị nhất ở Hòa Bình là bản sắc dân tộc và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Tỉnh Hòa Bình nên tăng cường đầu tư và nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú; đẩy mạnh liên kết, hợp tác để phát triển du lịch; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc để phát triển bền vững loại hình du lịch cộng đồng; tích cực quảng bá và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm du lịch… Tuy nhiên, dù phát triển kiểu gì cũng phải giữ được bản sắc dân tộc, không phá vỡ cảnh quan”.
Đối với các nhà đầu tư, bất động sản Hòa Bình đang là một “miếng bánh ngon” khi sở hữu hàng loạt tiềm năng dài hạn gắn liền với giá trị thực như quy hoạch bài bản, quỹ đất lớn, hạ tầng kết nối hoàn chỉnh, kinh tế tăng trưởng vững mạnh, thiên nhiên ưu đãi với nhiều điểm đến hấp dẫn, văn hoá bản địa đặc sắc... Song, các chuyên gia cũng khuyên rằng, trong cuộc chạy đua với bất động sản vùng ven, nhà đầu tư nên tỉnh táo trong việc lựa chọn sản phẩm đầu tư cũng như nên xác định tầm nhìn dài hạn. Bởi nếu không tính kỹ trước khi xuống tiền, nhà đầu tư rất dễ gặp rủi ro về pháp lý do mua phải đất rừng hay các công trình, dự án sai phạm./.