Aa

Hoá giải "tử huyệt" ở ngọn núi lãng mạn xứ mặt trời mọc Tanigawa

Thứ Ba, 19/09/2017 - 06:00

Núi Tanigawa được biết đến là một trong những địa danh lãng mạn nhất của Nhật Bản, thế nhưng ít ai biết rằng, trước khi cáp treo ra đời, nơi đây đã trở thành "tử huyệt" của không ít nhà leo núi, để chinh phục ngọn núi thơ mộng và kỳ vĩ này, hơn 900 người đã phải trả một cái giá quá đắt.

Vẻ đẹp khó cưỡng

Núi Tanigawa là một ngọn núi khá hiểm trở, cheo leo nằm ngay biên giới giữa tỉnh Gunma và Niigata ở phía bắc thị trấn Minakami. Đỉnh núi xẻ đôi thành hai ngọn, một bên gọi là Tomanomimi (cao khoảng 1,963m), bên còn lại gọi là Okinomimi (độ cao 1,977m), nhưng do tỉ lệ xích bản đồ là 1:50,000 nên cả hai đỉnh đều được gọi chung là Tanigawadake.

Núi Tanigawa (Tanigawa-dake) lãng mạn vào thu. Nguồn ảnh: Internet

Núi Tanigawa (Tanigawa-dake) lãng mạn bậc nhất Nhật Bản. Nguồn ảnh: Internet

Vào những tháng mùa đông, cả ngọn núi bị vùi sâu trong lớp tuyết dày. Khi xuân đến, lớp tuyết cao dày ấy lại tan chảy thành những làn nước trong vắt bổ sung vào nguồn nước dồi dào cho dòng sông Tone khiến cho sắc xuân của thị trấn Minakami đầy sức sống và cũng thật mơ mộng. Trong tiếng suối chảy róc rách, từng nhánh hoa anh đào nở rộ cả một vùng. Nét yên bình của làng quê khác biệt hẳn sự nhộn nhịp sôi động của những đô thị sầm uất khiến tâm hồn con người cũng trở nên hiền hòa nhẹ nhõm.

Leo lên đỉnh núi này vào mùa hè, bạn sẽ cảm nhận được sự vĩ đại của "mẹ thiên nhiên". Ngước nhìn trời cao trong vắt, bạn như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh với hằng hà lớp sương mù phủ đầy trên các ngọn núi tạo nên sự huyền bí cho Tanigawadake. Lặng nghe tiếng suối chảy róc rách, hít lấy không khí trong lành của núi rừng và nhìn ngắm các loài hoa xinh đẹp nở rộ quanh mình, chắc chắn mọi âu lo muộn phiền sẽ vụt biến mất để lại trong tâm hồn bạn sự bình yên hiền hòa.

Khi mùa lá rụng đến, vào giữa tháng 10 se lạnh, cả ngọn núi như được thay màu áo mới với nét buồn man mác của mùa thu. Cảnh sắc giờ đây sẽ không còn đầy sức sống như mùa xuân và mùa hạ mà thay vào đó là một chất đượm buồn cô đơn nơi rừng núi. Từ cáp treo, bạn có thể nhìn bao quát hết tất cả, những rừng lá phong bạt ngàn sẽ là điểm nhấn khó phai. Nếu đi đúng dịp giao mùa giữa hạ và thu, bạn sẽ bắt gặp được cảnh tượng thay màu lá của cả khu vực cũng như thưởng thức những làn gió se se lạnh.

Vẻ đẹp 4 mùa của ngọn núi khiến bao người phải xiêu lòng và quyết tâm chinh phục. Taginawa nằm trong danh sách 100 ngọn núi nổi tiếng của Nhật Bản, tuy nhiên, họ không ngờ rằng đây cũng là một trong những ngọn núi tử thần. Nó cũng nằm trong top 10 những ngọn núi nguy hiểm nhất thế giới.

Nguy hiểm tiềm ẩn

Tính từ đầu những năm 1930 đến hết tháng 12/2014, có tổng cộng 905 người thiệt mạng khi muốn leo lên chỉnh phục đỉnh núi. Núi Fuji có độ cao lớn gần gấp 2 lần Tanigawa nhưng số lượng người thiệt mạng tại đây cũng ít hơn rất nhiều. Ngay cả đỉnh Everest, trong cùng thời điểm trên, số lượng người thiệt mạng tại “nóc nhà thế giới” cũng chỉ bằng một phần tư con số của Tanigawa (khoảng 200 người).

Thậm chí, vào năm 1943, một nhóm leo núi đã biến mất khi thực hiện hành trình chinh phục đỉnh núi Tanigawa. Mãi đến 30 năm sau, tức năm 1973, thi thể của họ mới được tìm thấy. Ngày nay, khi đến chân núi, khách du lịch sẽ nhìn thấy một tấm bia có ghi lại tên của những người tử nạn tại Tanigawa.

Và lý do tồn tại của cáp treo

Nhu cầu thưởng thức cái đẹp là một chuyện nhưng việc để thỏa mãn nhu cầu đó mà mất mạng lại là một chuyện khác. Vì thế, chính quyền tỉnh đã cho phép Công ty  Cáp treo Tanigawadake xây dựng hệ thống cáp treo chở người lên đỉnh núi Taganawa. Đến nay, những thông tin về thời gian và việc thi công của công trình mang tính cách mạng này vẫn không được công bố.

Đến năm 1960, hệ thống cáp treo này đã được mở cửa và phục vụ du khách cả 4 mùa. Theo đó, chiều dài của hệ thống cáp treo lên tới 2.3km và đưa du khách lên độ cao 573m từ điểm đầu của hai ga. Cụ thể, ga Doaiguchi – điểm dưới (có độ cao 746m) đến ga Tenjinhira (có độ cao 1319m) – điểm trên sẽ mất khoảng 10 – 15 phút đi cáp treo.

Điều đặc biệt là từ khi hệ thống cáp treo này ra đời thì từ một ngọn núi không nhiều người dám thử sức chinh phục thì đây lại trở thành địa điểm mà du khách “lũ lượt kéo đến”. Từ người già, trẻ nhỏ cho đến các nhà leo núi nghiệp dư hoặc cả những người không biết leo núi. Trong khi đó, trước kia chỉ có các nhà leo núi chuyên nghiệp mới dám thử sức, và trong số họ vẫn có người ra đi không trở về.

Mặt khác, tỷ lệ người tử nạn tại Tanigawa không những không tăng lên mà còn hạ xuống đáng kể và đạt đến con số không. Đó có lẽ là nhờ sự ra đời và đi vào hoạt động của hệ thống cáp treo Tanigawa.

Ngày nay, hàng triệu bức ảnh cận cảnh, trung cảnh được chụp trên núi Tanigawa và hàng triệu người có cơ hội thưởng thức vẻ đẹp hùng vĩ mà thơ mộng của nó là nhờ công lớn của hệ thống cáp treo. Thực tế, trước đây, những bức ảnh như thế về ngọn núi hầu như đều không có, tất cả đều là ảnh chụp toàn cảnh, ảnh chụp từ xa phóng to do người chụp không thể tiếp cận được lên đỉnh núi.

Và như thế, cáp treo như một mũi tên trúng hai đích, vừa giải quyết được nhu cầu thỏa mãn cái đẹp của du khách mà vẫn đem đến sự an toàn cho con người, vừa thu được lợi ích về kinh tế cho địa phương. Đến nay, mỗi năm có hàng triệu lượt khách du lịch cả trong và ngoài nước để đây thăm quan và cái tên ngọn núi tử thần cũng đã dần đi vào quên lãng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top