Aa

Hỏa hoạn chung cư: Cứu sống cả gia đình như thế nào?

Thứ Năm, 29/03/2018 - 22:51

Hoả hoạn chung cư thực sự là nỗi ám ảnh của rất nhiều người dân, bởi lẽ hậu quả của nó để lại là rất lớn. Dù biết trước hậu quả là thế nhưng không phải ai cũng biết cách phòng tránh và đặc biệt là cách thoát hiểm nhanh nhất khi xảy ra sự cố.

Kỹ năng thoát khỏi đám cháy nhanh nhất

Vụ cháy chung cư Carina Plaza mới đây đã gây ra tâm lý hoang mang cho người dân. Hầu hết mọi người đều sợ hãi khi muốn sở hữu một căn hộ chung cư. Còn những người đang sống trong chung cư thì cũng cảm thấy bất an. Do vậy, kỹ năng thoát hiểm khi cháy tòa nhà chung cư cao tầng trong thời gian này được khá nhiều người tìm hiểu.

Theo Đại tá Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Phòng cháy Chữa cháy thì khi chung cư bị cháy, muốn thoát nhanh nhất, một là phải thật bình tĩnh, hai là phải biết lối thoát hiểm ở đâu, chạy theo đường nào, đi xuống là tốt nhất và khuyến cáo không đi lên trên. Và thứ nữa là phải tập dượt trong từng toà nhà, tự đặt vấn đề xem nếu xảy ra sự cố sẽ như thế nào, chìa khoá ai giữ. Sau đó di tản nhanh khỏi khu vực nhiễm cháy và tri hô để mọi người ứng cứu.

Ngoài ra, phải chuẩn bị các phương tiện, dụng cụ có thể thoát hiểm. Nếu có phương tiện dập cháy, mỗi nhà mua một bình chữa cháy, phun luôn, chỉ cần dùng bình đó là có thể dập được luôn cháy nhỏ trong nhà mình. Tốt nhất là dùng bình bột chữa cháy, chữa rất tốt và dễ bảo quản, dễ sử dụng. Cùng với đó, gia đình cũng nên trữ sẵn băng dính chịu nhiệt để dán các khe hở khi xảy ra cháy.

Bên cạnh đó, khi di chuyển ra khỏi đám cháy, mỗi người cần phải tuân thủ nguyên tắc cúi thấp người vì khói luôn bay lên cao. Đôi lúc, cần bò dưới sàn nếu lượng khói tập trung nhiều, để tránh ngạt rồi thoát ra ngoài. Khi gặp hỏa hoạn, tuyệt đối không sử dụng thang máy vì nó có nguồn điện ta dễ mắc kẹt trong đó mà phải đi bằng cầu thang bộ theo lối thoát có chữ EXIT. Đồng thời trên đường đi, hãy báo cho hàng xóm hoặc những người khác ở các phòng lân cận biết đang có cháy xảy ra. Nếu phải băng qua lửa thì hãy dùng chăn, áo thấm nước ướt trùm lên người.

Tư thế thoát khỏi đám cháy đúng cách (Ảnh minh họa).

Nếu bị lửa làm cháy quần áo, phải ngưng chuyển động, che mặt, bịt mũi, nằm xuống và lăn qua, lăn lại cho đến khi lửa được dập tắt. Không được chạy vì gió có thể làm lửa cháy bùng thêm. Không nhảy vào hồ bơi, bể chứa hay thùng nước vì nước có thể bị nấu sôi khi bị lửa tác động.

Trường hợp không thể thoát ra khỏi phòng, hãy đóng chặt cửa lại. Nếu khói lùa vào qua khe cửa, dùng giẻ ướt chèn chặt, nhanh chóng di chuyển hướng ra cửa sổ, la hét lớn và dùng vật dụng dễ nhận biết để ra hiệu chú ý. Nếu ở tầm thấp có thể dùng rèm hay quần áo buộc nối để đi xuống. Nếu cao thì tuyệt đối không nhảy và cố gắng ra hiệu người đến cứu.

Trường hợp phải băng qua lửa để tới điểm an toàn hơn hoặc cứu người thân mắc kẹt, hãy làm ướt quần áo, dùng chăn, áo chất liệu cotton nhúng nước trùm lên đầu. Nếu quần áo bắt đầu bén lửa, hãy nằm xuống dùng tay che mặt và lăn qua lăn lại. Tuyệt đối không được chạy vì gió làm lửa cháy to hơn.

Đại tá Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Phòng cháy Chữa cháy.

Đại tá Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Phòng cháy Chữa cháy.

Đại tá Xiêm khuyến cáo mọi người khi xảy ra vụ cháy cần phải tìm cách thoát ra ngoài càng nhanh càng tốt. Nếu trong trường hợp bất đắc dĩ không thoát được thì ra ban công để khói độc không nhiễm vào cơ thể.

Khi thoát nạn ra ngoài an toàn nên tập trung ở một nơi và kiểm tra xem còn có người bị kẹt lại trong đám cháy không để cứu người ra ngoài an toàn.

Bài học kinh nghiệm sâu sắc sau mỗi vụ cháy

Sau mỗi vụ cháy, các chủ đầu tư cũng như người dân cần rút ra những bài học kinh nghiệm để tránh tình trạng mất bò mới lo làm chuồng.

Theo TS. Phạm Sĩ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ xây dựng, sau mỗi vụ cháy, trước hết, cần phải khẩn trương tìm ra nguyên nhân gây cháy, rà soát toàn bộ hệ thống phòng cháy chữa cháy ở các chung cư, đặc biệt các chung cư cũ tiềm ẩn nhiều rủi ro về cháy nổ; quản lý giám sát chặt chẽ các điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy; tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân để nâng cao ý thức về phòng chống cháy nổ. Khi công trình đưa vào hoạt động, chủ đầu tư và cư dân sinh sống phải chấp hành đúng các quy định về phòng cháy chữa cháy. Có như vậy mới ngăn chặn được những hiểm họa tiềm ẩn.

Nhiều chung cư hiện nay chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy

Một điều đặc biệt nữa cần rút ra sau mỗi vụ cháy đó là thiết kế lối thoát hiểm. Trao đổi với Reatimes, Đại tá Ngô Văn Xiêm chia sẻ, chung cư có xu hướng là xây cao tầng nên rất khó khăn để thoát, vì vậy khi thiết kế thì chủ đầu tư cần phải thiết kế tòa nhà có lối đường thoát nạn an toàn, tránh nhiễm khói cho cầu thang, có cửa chống khói, hệ thống tự động báo cháy phù hợp với công năng của từng loại chung cư, các lực lượng phòng cháy cơ sở tại chỗ để xử lý các vụ việc.

Trong quá trình thiết kế xây dựng thì phải được cơ quan chức năng thẩm duyệt, kiểm tra, nghiệm thu trước khi đưa vào sử dụng. Còn người dần cần chấp hành các nội quy thật chặt chẽ, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cách xử lý khi có cháy nổ, sử dụng các phương tiện chữa cháy, phòng ngừa không cho cháy xảy ra.

Đồng quan điểm, theo ông Vũ Hồng Thành, Giám đốc Cty CP quản lý tòa nhà ECH giải pháp triệt để hạn chế tối đa hậu quả cháy nổ từ phía chủ đầu tư đó là tập trung đầu tư hệ thống PCCC đạt chuẩn và trên chuẩn theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, công tác quản lý, vận hành, kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng phải được thực hiện thường xuyên theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, cùng với đó, công tác tập huấn phương án và truyền thông phải được thực hiện thường xuyên để cư dân hiểu và nâng cao ý thức giữ gìn tài sản cũng như biết cách xử lý các sự cố PCCC ngay từ lúc mới xảy ra.

Đặc biệt, quy hoạch thiết kế phải đặc biệt, có những tầng kỹ thuật và giúp phân vùng để chặn khói. Dứt khoát những toà nhà này phải thiết kế xây dựng hệ thống cầu thang bộ chống nhiễm khói, cầu thang về an toàn PCCC, giúp lực lượng PCCC di chuyển trong đấy để cứu hộ, thông qua đấy hướng dẫn người dân di chuyển và thoát nạn, trường hợp nếu không nhiễm khói thì thoát nạn trong đó vẫn bình thường.

Ngoài ra, tại các toà nhà cao tầng, theo nguyên tắc là cầu thang bậc 1 chịu lửa, ví dụ cột, dầm xây dựng bằng vật liệu không cháy, thời gian chịu lửa ít nhất là 2,5 giờ đủ để cứu hộ và người dân thoát nạn.

Vấn đề phòng cháy chữa cháy ở chung cư là điều vô cùng cấp thiết, thế nhưng nhiều chủ đầu tư vẫn chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Chuyện phòng cháy chữa cháy ở chung cư cần có sự vào cuộc của tất cả mọi người, từ chủ đầu tư đến cư dân thì mới có thể tránh được những thảm họa như vụ cháy chung cư Carina Plaza vừa rồi./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top