Aa

Hoàn thiện quy định tính giá bán nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước

Thứ Năm, 17/08/2017 - 05:41

Để quản lý nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước được hiệu quả, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn bổ sung một số quy định về quản lý nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước. Trong đó quy định, thời hạn thuê nhà ở cũ là 5 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng thuê nhà ở.

Đối với thời gian thuê nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước, dự thảo Thông tư quy định thời hạn thuê nhà ở cũ là 5 năm, kể từ ngày ký kết hợp đồng thuê nhà ở. Khi hết thời hạn thuê mà bên thuê đủ điều kiện thuê nhà ở và có nhu cầu tiếp tục thuê nhà ở đó thì được gia hạn hợp đồng thuê nhà ở bằng với thời hạn thuê nhà, trừ trường hợp bị thu hồi nhà ở theo quy định của pháp luật.

Việc xác định thời điểm bố trí sử dụng nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước rất quan trọng vì căn cứ vào thời điểm bố trí nhà, người mua nhà sẽ được mua với các cơ chế giá khác nhau.

Cần tháo gỡ vướng mắc trong việc quản lý nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước (ảnh internet)

Cần tháo gỡ vướng mắc trong việc quản lý nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước (ảnh internet)

Để giải quyết vấn đề này, dự thảo Thông tư nêu rõ việc xác định thời điểm bố trí sử dụng nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước để làm cơ sở tính giá bán nhà ở được quy định như sau: Trường hợp người đang sử dụng nhà ở có giấy tờ chứng minh việc bố trí sử dụng nhà ở đó trước ngày 19/1/2007 (ngày ban hành Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp, xử lý lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước), không phân biệt trường hợp người đang sử dụng nhà ở đã ký hợp đồng thuê nhà hay chưa ký hợp đồng thuê nhà thì thời điểm bố trí sử dụng nhà ở được xác định theo thời điểm ghi trong giấy tờ chứng minh bố trí sử dụng nhà ở đó; trường hợp trong giấy tờ chứng minh không ghi thời điểm bố trí sử dụng thì xác định theo thời điểm ban hành giấy tờ đó.

Trường hợp người đang sử dụng nhà ở có giấy tờ chứng minh việc bố trí sử dụng nhà ở nhưng thực tế đã sử dụng nhà ở đó trước thời điểm ban hành giấy tờ chứng minh việc bố trí sử dụng (thông qua một trong các hình thức đăng ký thường trú, tạm trú; đăng ký kê khai nhà ở; nộp tiền thuê nhà; đóng thuế đất hoặc hình thức khác chứng minh đã thực tế sử dụng nhà ở) thì thời điểm bố trí sử dụng được xác định theo thời điểm thực tế sử dụng nhà ở đó.

Đối với trường hợp người đang sử dụng nhà ở không có giấy tờ chứng minh việc bố trí sử dụng nhưng đã ký hợp đồng thuê nhà với cơ quan có thẩm quyền trước ngày 19/1/2007 và đã truy nộp tiền thuê nhà ở (có giấy tờ chứng minh việc nộp tiền thuê nhà ở) thì thời điểm bố trí sử dụng được xác định theo thời điểm nộp tiền thuê nhà ở; nếu khi ký hợp đồng thuê nhà mà cơ quan có thẩm quyền không truy thu tiền thuê nhà thì thời điểm bố trí sử dụng nhà ở được xác định theo thời điểm ký kết hợp đồng thuê nhà.

Trường hợp người đang sử dụng nhà ở mà nhà ở đó thuộc diện phải xác lập sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật nhưng thực tế đã sử dụng trước thời điểm Nhà nước xác lập sở hữu và người đang sử dụng có giấy tờ chứng minh việc sử dụng nhà ở này (thông qua một trong các hình thức gồm đăng ký thường trú, tạm trú; đăng ký kê khai nhà ở; nộp tiền thuê nhà hoặc hình thức khác chứng minh đã thực tế sử dụng nhà ở) thì thời điểm bố trí sử dụng được xác định theo thời điểm thực tế sử dụng nhà ở đó.

Trường hợp người đang sử dụng nhà ở không có giấy tờ chứng minh việc bố trí sử dụng và không có hợp đồng thuê nhà nhưng đã nộp tiền thuê nhà cho Nhà nước (có giấy tờ chứng minh việc nộp tiền thuê nhà ở) thì thời điểm bố trí sử dụng nhà ở được xác định theo thời điểm nộp tiền thuê nhà ở; nếu việc nộp tiền thuê nhà không liên tục thì thời điểm bố trí sử dụng nhà ở được xác định theo thời điểm nộp tiền thuê nhà ở lần đầu.

Riêng đối với trường hợp người đang sử dụng nhà ở nhận chuyển nhượng quyền thuê nhà (không phân biệt chuyển nhượng một lần hay nhiều lần) nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận cho phép chuyển nhượng thì thời điểm bố trí sử dụng nhà ở được xác định theo thời điểm người được bố trí sử dụng nhà ở đầu tiên.

Một chuyên gia BĐS cho rằng, hiện nay việc bán nhà cũ thuộc sở hữu Nhà nước còn nhiều vướng mắc. Cụ thể có nhiều hồ sơ phức tạp như có tranh chấp, hồ sơ gốc bị thất lạc, các cơ quan chủ quản đã giải thể… là một trong những nguyên nhân gây chậm chễ trong việc giải quyết việc bán nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước. Để giải quyết vấn đề này, các ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ trong việc xác định thời điểm thuê nhà để làm cơ sở xây dựng giá bán nhà cho người dân.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top