Dabaco Việt Nam vận hành dự án từ tháng 6/2017
Liên quan đến quyết định xử phạt hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Công ty Dabaco Việt Nam, địa chỉ trụ sở tại đường Lý Thái Tổ, phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) có cơ sở chăn nuôi tại xã Tề Lễ (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), ông Nguyễn Vĩnh An – Phó Chi cục trưởng Chi cục môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ) cho biết, Dabaco Việt Nam có thủ tục Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án về sản xuất chăn nuôi lợn và gà.
Theo thông tin Sở nắm bắt, dự án có công suất nuôi 2.400 lợn nái, 5.000 lợn thương phẩm, lợn giống và nuôi gà. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, công ty chuyển sang chăn nuôi lợn và không nuôi gà nên đã tiến hành điều chỉnh dự án.
“Trong quá trình làm thủ tục xác nhận hoàn thành, khi đầu tư xây dựng xong đưa vào vận hành thương mại thì phải có thủ tục xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường nhưng họ không làm. Cuối năm 2019, Sở kiểm tra thì thấy họ chưa làm nên lập biên bản, xử lý vi phạm”.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, dự án của Dabaco Việt Nam có thay đổi đến mức phải điều chỉnh lại ĐTM và hiện công ty đã lập, trình các cơ quan để thẩm định nhưng chưa được phê duyệt.
“Họ (Dabaco Việt Nam - PV) vận hành chăn nuôi lợn từ tháng 6/2017. Theo quy định, khi anh đầu tư dự án thì trước khi đưa dự án vào thương mại thì anh phải có nội dung vận hành thử nghiệm, thử nghiệm xong sẽ có xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. Từ 6/2017 đến giờ họ đã vận hành thương mại rồi”, ông An thông tin.
Liên quan đến việc xem xét, kiến nghị hình phạt bổ sung cũng như các biện pháp khắc phục hậu quả, trong đó có hay không việc đình chỉ hoạt động của cơ sở chăn nuôi tập trung gia súc, gia cầm nêu trên. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Sở không đề nghị UBND tỉnh áp dụng hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động. Có hình phạt bổ sung và áp dụng cái đấy, nhưng đặc thù là chăn nuôi thì hết chu trình, chu kỳ, bây giờ chuyển đi chỗ nọ chỗ kia thì...". Vị đại diện bỏ lửng câu trả lời và cho biết thêm hiện công ty Dabaco Việt Nam đang trong quá trình khắc phục hậu quả theo quyết định xử phạt.
Vi phạm về môi trường vẫn tiếp tục vận hành thương mại
Được biết, trước đó Dabaco Việt Nam đã gửi công văn giải trình tới Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, về việc hoàn thiện các hồ sơ về môi trường sau khi được phê duyệt đánh giá tác động môi trường.
Theo đó, công ty đã tiến hành hợp đồng với đơn vị tư vấn có đủ chức năng tiến hành lập hồ sơ báo cáo hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hồ sơ, công ty đã gặp một số khó khăn khi phải điều chỉnh quy mô, tổng mặt bằng dẫn đến một số hạng mục, công trình bị thay đổi vị trí khác so với quy hoạch được duyệt ban đầu.
Trong công văn giải trình ngày 20/1/2020 gửi đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, công ty cho biết đã được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch số 3525/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 và đang tiến hành lập hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất phần diện tích đất xin mở rộng 2,5ha.
Ngày 2/12/2019, công ty đã tiến hành ký kết hợp đồng với đơn vị tư vấn có đủ chức năng thực hiện công việc điều chỉnh đánh giá tác động môi trường. Công ty sẽ tiến hành lập báo cáo hoàn thành công trình bảo vệ môi trường ngay sau khi công ty được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường điều chỉnh.
Theo quyết định của UBND tỉnh Phú Thọ, Công ty Dabaco Việt Nam bị xử phạt vì không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án.
Với hành vi vi phạm trên, Công ty Dabaco Việt Nam bị xử phạt số tiền 300 triệu đồng và buộc phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu Công ty Dabaco Việt Nam trong quá trình triển khai thực hiện dự án khu chăn nuôi tập trung gia súc, gia cầm Dabaco tại xã Tề Lễ, huyện Tam Nông phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, Công ty Dabaco Việt Nam phải đầu tư các hạng mục chăn nuôi, các công trình bảo vệ môi trường theo đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt. Đồng thời phải lập hồ sơ xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án, tăng cường công tác xử lý mùi phát sinh từ các nhà chăn nuôi, khu chứa phân, đảm bảo xử lý triệt để chất thải, khí, mùi theo yêu cầu quy định.
Như vậy có thể thấy, gần 3 năm qua, cơ sở chăn nuôi tập trung gia súc, gia cầm của Dabaco Việt Nam vẫn đang “ung dung” hoạt động, bất chấp việc chưa hoàn thiện hồ sơ về bảo vệ môi trường. Đáng nói, sau khi ban hành quyết định xử phạt, cơ sở chăn nuôi tập trung của Dabaco Việt Nam vẫn được phép hoạt động trong sự lo lắng của người dân địa phương về nguy cơ tác động xấu đến môi trường.
Để tìm hiểu rõ hơn về các căn cứ pháp lý trước khi đưa vào vận hành thương mại và việc khắc phục hậu quả việc vi phạm về môi trường tại cơ sở chăn nuôi tập trung trên, PV đã nhiều lần liên hệ Dabaco Việt Nam tuy nhiên chưa nhận được phản hồi.
Reatimes sẽ tiếp tục đưa tin.
Khoản 2 Điều 27 Luật Bảo vệ môi trường 2014 có quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư trước khi đưa dự án vào vận hành như sau:
“…2. Phải báo cáo cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường phục vụ vận hành dự án đối với dự án lớn, có nguy cơ tác động xấu đến môi trường do Chính phủ quy định. Những dự án này chỉ được vận hành sau khi cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường”.
Khoản 6 Điều 17 Nghị định 40/2019/NĐ-CP quy định về Kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án có quy định như sau:
“…6. Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của dự án là căn cứ để chủ dự án đưa dự án vào vận hành; là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động của cơ sở và khu công nghiệp.”