Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về mô hình quản lý và tổ chức hoạt động của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Thông báo kết luận nêu rõ, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nếu tiếp tục theo mô hình hiện tại sẽ khó khăn trong việc huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội, không thể có đột phá trong hợp tác và triển khai hoạt động của Làng và vì vậy sẽ tiếp tục không hiệu quả. Cần xây dựng một mô hình mới đủ hấp dẫn với các điều kiện thuận lợi để thu hút mạnh mẽ đầu tư tư nhân, đẩy mạnh hợp tác công - tư, giảm triệt để bao cấp của Nhà nước.
Mô hình quản lý và tổ chức Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng cần căn cứ, phù hợp với phương thức, tiến độ huy động nguồn lực đầu tư xây dựng Làng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần xác định những yếu tố mang tính nguyên tắc, các điều kiện, tiêu chí cần phải giữ trong xây dựng và hoạt động của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Những yếu tố khác, kể cả Quy hoạch Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cần khuyến khích các nhà đầu tư đề xuất.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương hoàn thiện Đề án chuyển đổi mô hình Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, lấy ý kiến các bộ ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa, báo cáo Thường trực Chính phủ cuối quý I/2018.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đối với Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cho tới khi Đề án mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam có diện tích 1.544ha với số vốn đầu tư 3.256,8 tỷ đồng, ngụ tại Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội, khánh thành vào đúng dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (10/2010). Dự án này từng là tâm điểm phản ánh của báo chí bởi sự lãng phí khi tốn hơn 3.000 tỉ đồng vốn đầu tư với kỳ vọng sẽ trở thành “thánh địa” của du lịch - dịch vụ - văn hóa. Tuy nhiên sau 7 năm mở cửa, thảm trạng của công trình nghìn tỉ này chỉ là sự hoang tàn, xuống cấp, bao trùm lên đó là một không khí ảm đạm, hoang vắng.