Ngay sau cuộc khủng khoảng năng lượng thế giới lần II vào năm 1979, Nhật Bản đã thông qua Luật sử dụng năng lượng hợp lý, theo đó, tất cả các ngành công nghiệp ở Nhật Bản phải giảm ít nhất 1% mức tiêu thụ năng lượng hàng năm. Nếu cộng dồn lại trong hơn 3 thập kỷ qua kể từ khi luật được ban hành thì năng lượng tiết kiệm được là con số khổng lồ. Ngày nay, tiết kiệm năng lượng đã trở thành một phương châm trong cách sống cũng như làm việc của người Nhật.
Một số kinh nghiệm của Nhật Bản nhằm tiết kiệm năng lượng rất đáng để chúng ta phải học tập.
Kêu gọi người dân tắm nhanh để tiết kiệm năng lượng
Chính phủ Nhật đã kêu gọi người dân tắm nhanh để tiết kiệm năng lượng. Thông báo của Chính phủ Nhật có đoạn: "Các gia đình không chỉ nên rút bớt thời gian tắm táp mà còn rút bớt thời gian chờ đợi giữa mỗi lượt tắm trong gia đình".
Trồng cây xanh
Nhiều nhà hàng, văn phòng ở Nhật đã trồng các loại dây leo ở cửa sổ để tạo bóng râm và làm mát không phí bên trong. Hãng điện tử Hitachi (nơi có số nhân viên nhiều thứ hai tại Nhật) và Kyocera cho trồng các giàn khổ qua bao phủ quanh các nhà máy và còn phát hạt giống để nhân viên trồng ở nhà.
Người Nhật đã nghiên cứu và cho thấy, nếu 50% không gian trên sân thượng các tòa nhà của thành phố Tokyo được phủ đầy cây xanh thì nhiệt độ ở Tokyo có thể được hạ xuống khoảng từ 0,11 độ C đến 0,84 độ C. Điều này sẽ giúp Tokyo tiết kiệm được khoảng 100 triệu Yên mỗi ngày trong tổng hóa đơn điện của thành phố.
Thang máy tại nhiều tòa nhà chỉ phục vụ cho việc đi lại từ 3 tầng trở lên
Tại nhiều tòa nhà cao ở Nhật Bản, thang máy chỉ phục vụ cho việc đi từ tầng 3 trở lên.
Điều chỉnh nhiệt độ điều hòa không khí 28 độ C
Vào các công sở ở Tokyo, chúng ta không có cảm giác “bỗng nhiên nổi da gà” vì chênh lệch nhiệt độ giữa bên ngoài và bên trong. Chỉ những ngày nhiệt độ cao hơn 28 độ C, các công sở ở Nhật mới cho phép bật điều hòa và mặc định ở mức 28 độ C, không được điều chỉnh thấp hơn.
Phối hợp tốt giữa các nguồn điện để đạt được hiệu suất tối đa
Nhật Bản cũng có sự chênh lệch lớn về nhu cầu điện năng giữa giờ cao điểm và thấp điểm. Giải pháp điều chỉnh chiến lược của Nhật là sử dụng thủy điện tích năng: Nước được bơm lên cao vào ban đêm bằng điện dư thừa vào giờ thấp điểm và cho chảy xuống phát ra điện vào giờ cao điểm. Việc sử dụng thủy điện tích năng giúp cho các nhà máy điện nguyên tử và nhiệt điện có thể vận hành liên tục mà không phải tắt máy vào giờ thấp điểm, do đó mà nâng cao hiệu suất của nhà máy.
Sử dụng các thiết bị điện thông minh, tiết kiệm năng lượng
Có đến 3/4 người dân Nhật xem chuyện tiết kiệm nhiên liệu là trách nhiệm cá nhân và họ sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn để mua các loại máy móc, vật dụng "sạch". Nắm bắt được điều này, các hãng đua nhau sản xuất các máy móc tiết kiệm điện, dù nó đắt hơn nhiều so với loại bình thường. Các loại "máy thông minh" có mặt ở khắp nơi, tự động ngắt điện khi không có người sử dụng, từ máy bán vé tự động ở ga điện ngầm đến các cầu thang cuốn. Tính trung bình, mức tiêu thụ điện của người dân Nhật chỉ bằng 1/2 so với dân Mỹ.
Ngoài ra, Nhật Bản có kế hoạch phát triển ngành công nghiệp chiếu sáng LED (công nghệ chiếu sáng tiết kiệm điện nhất hiện nay) thông qua "Dự án chiếu sáng của thế kỷ 21". Doanh thu từ thị trường thiết bị chiếu sáng sử dụng công nghệ LED ở Nhật Bản dự kiến sẽ tăng 68% trong năm nay.
Bên cạnh đó, người Nhật thường xuyên kiểm tra hệ thống thông gió, hệ thống điều hòa không khí... để các thiết bị này hoạt động hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, tất cả những điểm trên chỉ là bề nổi của tinh thần tiết kiệm Nhật Bản. Thực tế, người Nhật coi tiết kiệm quá không phải là điều tốt. Lý giải điều này, người ta cho rằng nếu cứ dùng mãi một thứ đồ ví dụ như quần áo, đồ điện tử... thì sẽ dẫn tới nhu cầu xã hội giảm, các ngành sản xuất sẽ không thể phát triển, kinh tế của cả cộng đồng suy thoái. Do đó, người Nhật mua sắm cực kỳ nhiều và không ai coi đó là sự hoang phí.
Ở Nhật, người dân mua rất nhiều các mặt hàng đồ điện tử mới ra dù sản phẩm cũ của họ vẫn dùng tốt. Từ đó nhà sản xuất bán được hàng và có tiền tái đầu tư cho ra những sản phẩm tốt hơn. Chính vì người dân mua sắm nhiều đã tạo nên thị trường Nhật Bản là thị trường có sức mua cực lớn, từ đó thúc đẩy phát triền nền kinh tế Nhật phát triển.