Aa

Hóc giấy trong lúc chơi đùa, bé 16 tháng tuổi phải nhập viện

Thứ Sáu, 30/11/2018 - 09:45

Trong lúc chơi cắt giấy với anh trai, cậu bé 16 tháng tuổi đã cho giấy vào viện ngậm dẫn tới bị hóc và phải đưa vào bệnh viện cấp cứu.

  Bé trai 16 tháng tuổi nhập viện vì hóc giấy trong lúc chơi đùa  Bé trai 16 tháng tuổi nhập viện vì hóc giấy trong lúc chơi đùa

Thông tin từ khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho hay, khoa vừa tiếp nhận một trường hợp hóc dị vật do ngậm giấy trong lúc chơi đùa. Bệnh nhân là bé L.T.Đ. (16 tháng tuổi, ở Nghệ An).

Theo người nhà kể lại, bé Đ. ngồi chơi cắt giấy với anh trai, trong lúc gia đình bất cẩn không để ý thì bé đã cho giấy vào miệng ngậm dẫn tới bị hóc, ho sặc sụa và khó thở. Ngay lập tức, bé Đ. được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

Các bác sĩ khoa Tai mũi họng ngay sau đó đã tiến hành thăm khám và chỉ định gây mê cấp cứu soi gắp dị vật cho bé. Sau gắp dị vật khí quản, trẻ tỉnh, tự thở, môi hồng, nhịp tim đều.

Hiện tại, sức khỏe của bé đã ổn định hơn, bé vẫn đang được tiếp tục theo dõi và điều trị tại khoa.

Thời gian qua, bệnh viện đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ bị hóc dị vật đường thở.

Trẻ nhỏ thường hay bị hóc dị vật do thói quen ngậm hoặc nhặt đồ vật nhỏ cho vào miệng, điều này cực kỳ nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng nếu không được gia đình quan tâm và phát hiện kịp thời.

Khi phát hiện nạn nhân bị hóc dị vật cần liên hệ ngay Cấp cứu 115 hoặc trung tâm y tế gần nhất để được trợ giúp. Trong thời gian chờ sự trợ giúp của nhân viên y tế, có thể thực hiện các bước sơ cấp cứu cho nạn nhân như tiến hành 5 lần đẩy bụng (còn gọi là nghiệm pháp Heimlich) như sau:

- Đứng ở phía sau nạn nhân.

- Dùng 2 tay ôm xung quanh eo của nạn nhân. Hãy đảm bảo rằng 2 tay bạn ôm qua eo ở bên dưới khung xương sườn nạn nhân.

 

- Dùng mặt dưới của nắm tay đặt lên gần trung tâm bụng của nạn nhân (cạnh của ngón tay cái tỳ vào bụng) ở ngay phía trên rốn và dưới mũi ức (vùng thượng vị).

- Nắm tay được bọc trong bàn tay bên kia.

- Tiến hành những lần đẩy bụng riêng rẽ và dứt khoát theo hướng vào trong và lên trên. Tiếp tục cho tới khi dị vật gây tắc nghẽn được đánh bật ra – kiểm tra sau mỗi lần đẩy bụng.

Dừng lại nếu nạn nhân bị bất tỉnh và chỉ nên thực hiện cách sơ cứu này với trẻ trên 1 tuổi.

Với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi có thể áp dụng biện pháp vỗ lưng hoặc biện pháp ép ngực để sơ cứu.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, tốt nhất không cho trẻ cầm các loại đồ chơi, các vật nhỏ dễ khiến trẻ bỏ vào miệng.

Nếu thấy trẻ đang ngậm hoặc ăn những thứ dễ gây hóc, không nên hoảng hốt, la hét vì như vậy sẽ khiến trẻ sợ hãi và dễ bị hóc hơn. Khi trẻ đang khóc hoặc cười lớn thì không nên đút thức ăn, hoặc cho uống thuốc, tuyệt đối không để trẻ vừa ăn vừa chơi...

Trước khi cho trẻ ăn phải gỡ bỏ các hạt, mảnh xương... trong thức ăn. Nếu thấy trẻ ngậm vào miệng các vật nhỏ có thể gây hóc thì phải nhẹ nhàng, dỗ cho trẻ tự nhè ra; không cho tay móc miệng làm cho trẻ sợ, khóc, dễ nuốt dị vật vào đường ăn hoặc hít vào đường thở.

Đối với trường hợp trẻ bị sặc chất lỏng như cháo, bột, sữa bị khó thở, tím tái, người lớn cần áp dụng biện pháp vỗ lưng để trẻ ho tống các chất này ra khỏi đường thở. Sau đó đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị đúng cách, kịp thời.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top