Aa

Học phí nửa tỷ đồng (9): Đường dài mới biết ngựa hay

Thứ Ba, 11/04/2017 - 10:58

Giáo dục là lĩnh vực đặc thù, nhà trường phải tốn rất nhiều thời gian, công sức mới có thể xây dựng được một môi trường giáo dục thực sự phù hợp với học sinh và có uy tín đối với các bậc phụ huynh. Đồng thời, các bậc phụ huynh và học sinh cũng cần nhiều thời gian mới có thể kiểm chứng được chất lượng đào tạo của ngôi trường đó.

Không có chỗ cho sai lầm

Chọn trường cho con luôn là một câu hỏi khó với các bậc làm cha mẹ, đặc biệt là ở các cấp học đầu đời khi các con chưa đủ khả năng để tự chọn trường cho mình. 

Điều đáng nói là, khác với các lĩnh vực khác, giáo dục là một trong những lĩnh vực mà các bậc cha mẹ không được phép “làm thử” trước khi “làm thật” bởi lẽ chỉ một sai lầm khi chọn trường không chỉ tiêu tốn thời gian, công sức và tiền bạc của cha mẹ mà còn khiến khiến đứa trẻ mất rất nhiều cơ hội phát triển trong tương lai. Chính vì vậy, việc chọn trường cho con đòi hỏi các bậc làm cha mẹ phải cân nhắc thật sự kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Chia sẻ về các tiêu chí chọn trường cho con, PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên trường Đại học Ngoại thương cho rằng yếu tố quan trọng nhất là sự phù hợp: “Các bậc cha mẹ nên cân nhắc để chọn trường học phù hợp với con mình. Sự phù hợp ở đây bao gồm cả yếu tố sức học, khả năng tiếp thu, môi trường học tập và kể cả việc đi lại nữa”.

“Nếu cho con vào trường có yêu cầu học tập cao quá thì có thể khiến con mất tự tin vì các bạn đều quá giỏi giang. Nếu cho con vào chỗ thấp quá lại khiến con mất cơ hội để phát triển hoặc là tự tin quá, sinh ra kiêu ngạo vì cái gì con cũng hơn các bạn. Môi trường học tập cũng rất quan trọng vì con cái sẽ bị ảnh hưởng tính cách nhiều từ các thày cô giáo, bạn bè cùng lớp, cùng trường, đặc biệt là ở các bậc học đầu đời”.

Còn khi đề cập đến vấn đề chọn trường công, trường tư nội địa hay trường quốc tế, PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh cho biết, trên quan điểm của một nhà giáo thì bà cho rằng việc học trường nào không phải là vấn đề quá lớn, quan trọng nhất vẫn là sự phù hợp của môi trường giáo dục đối với con em mình.

Tuy nhiên, “một khi đã chọn trường tư, đặc biệt là trường quốc tế thì các bậc phụ huynh phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính. Không phải hôm nay bán đất hay trúng chứng khoán thì cho con mình học trường tốt, giá cao, một vài năm nữa phá sản, hết tiền lại bắt con quay về trường công học thì sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho đứa trẻ. Trước đây từng có trường hợp học sinh tự tử khi chuyển từ trường tư về trường công vì bị shock trước sự thay đổi môi trường giáo dục quá đột ngột và quá khác biệt”.

“Vậy nên khi đã cho con học trường tư thục và quốc tế thì bố mẹ phải có kế hoạch tài chính thật sự dài hơi và bền vững” PGS.TS Hoàng Ánh nhấn mạnh.

Trong khi đấy, nhiều ngôi trường quốc tế tại hai đầu tàu kinh tế của đất nước là Hà Nội và TPHCM đang công bố mức học phí tới 500 – 600 triệu đồng/năm như trường Quốc tế Liên hợp quốc (UNIS) – cao nhất 600 triệu đồng/năm, TH school – cao nhất hơn 500 triệu đồng/năm, Wellspring – cao nhất 450 triệu đồng/năm,…

Mặc dù mới được thành lập chưa đầy một năm nhưng TH school là một trong những trường có mức học phí cao nhất hiện nay.

Mặc dù mới được thành lập chưa đầy một năm nhưng TH school là một trong những trường có mức học phí cao nhất hiện nay.

Đường dài mới biết ngựa hay

Chia sẻ về chuyện của chính mình, PGS.TS Ngọc Ánh cho biết hai con chị trước đây đều học trường công lập dù các cháu đều lần lượt thi đỗ một số trường tư thục rất có uy tín. Lý giải cho sự lựa chọn của mình, bà Ánh cho rằng, bản thân học sinh vẫn là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến chất lượng đào tạo, tất nhiên là có kèm theo điều kiện là môi trường sư phạm của nhà trường phải phù hợp với năng lực của học sinh và mong muốn của các bậc phụ huynh.

Nói thêm về việc đánh giá chất lượng của một ngôi trường, PGS.TS Ngọc Ánh cho rằng một ngôi trường tốt phải là có các điều kiện tối thiểu là: “Vì học sinh, giáo viên có tâm và cơ sở vật chất phải chấp nhận được”. 

Còn chị P. Mai (Hà Nội) cho biết chị chọn trường cho con theo nhiều tiêu chí, bao gồm uy tín, bề dày thành tích của trường, đội ngũ giáo viên, chương trình học “nhẹ hơn” [so với trường công lập – PV], tình trạng cơ sở vật chất và mức học phí “phù hợp với khả năng tài chính của gia đình”. Bên cạnh đó, “gia đình chúng tôi cũng cân nhắc cả việc hài hòa giữa mong muốn của bố mẹ và sở thích của con” – chị Mai cho biết thêm.

Một phụ huynh khác, anh Quang, 45 tuổi, cũng ở Hà Nội chia sẻ cả 2 con của anh, cách nhau 3 tuổi, hiện đều đang theo học cùng một trường PTTH công lập theo diện trái tuyến vì “uy tín” của nhà trường.

Được biết, ngôi trường mà hai con anh Quang hiện đang theo học được thành lập cách đây hơn 100 năm và là một trong những trường luôn đứng trong “top đầu” ở Hà Nội suốt nhiều năm qua.

Như vậy, có thể thấy điểm chung quan trọng nhất của các bậc cha mẹ khi chọn trường cho con là môi trường sư phạm và chất lượng giáo viên. Tuy nhiên, giáo dục là lĩnh vực đặc thù, nhà trường phải tốn rất nhiều thời gian, công sức mới có thể xây dựng được một môi trường giáo dục thực sự phù hợp với học sinh và có uy tín đối với các bậc phụ huynh. Đồng thời, các bậc phụ huynh và học sinh cũng cần nhiều thời gian mới có thể kiểm chứng được chất lượng đào tạo của ngôi trường đó.

Mặc dù vậy, điều này cũng không đồng nghĩa với việc phủ nhận chất lượng của các ngôi trường mới thành lập như Trường Tiểu học Lý Nam Đế (Nam Từ Liêm, Hà Nội - 2016), Trường Quốc tế Nhật Bản (Hà Nội, 2016), Th school (Hà Nội, 2017).

Tuy nhiên, các bậc phụ huynh không thể chỉ đơn thuần nhìn vào những lời quảng cáo có cánh hay mức học phí cao ngất trời theo quan điểm “tiền nào của nấy” để chọn trường cho con vì giáo dục là lĩnh vực mà chỉ thời gian mới có thể trả lời được câu hỏi về chất lượng của ngôi trường đấy vì chỉ “đường dài mới biết ngựa hay”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top