Học sáng tác với thầy cô khoa Văn
1/ Lớp “chíp hôi” chúng tôi sau này không được học các thầy, cô khi đó đã vắng bóng, đã tuổi cao sức yếu hay công tác nơi khác như thầy Đinh Gia Khánh, Võ Quảng Nhơn, Trần Đình Hượu, Nguyễn Văn Khỏa, Nguyễn Kim Đính, Lê Hồng Sâm… Chúng tôi học các thầy cô là học trò của các thầy cô ấy: Trần Ngọc Vương, Nguyễn Hùng Vĩ, Đào Duy Hiệp, Lý Hoài Thu, Nguyễn Kim Sơn… Các thầy cô đưa chúng tôi mở những cánh cửa văn học để mơ hồ lắng nghe những tâm hồn văn hoá từ nhiều phương trời xa.
Nhiều người, chúng tôi nhớ những chuyện nhỏ rất thú vị. Cô Lý Hoài Thu giọng lanh lảnh rất trẻ trung, thỉnh thoảng trong bài giảng cô có những cách kể và trích những câu thơ dí dỏm. Thầy Trần Ngọc Vương giảng về nhà Nho tài tử và phân tích những tấm gương “hào kiệt tự nhiệm” như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh. Học mà cứ lâng lâng nghĩ về tương lai sau này, liệu cái tráng trí những con người trong vận nước lâm nguy ấy có “lây” sang mình không nhỉ, để mà mình cũng phải làm, phải nói điều gì đó cho… ra hồn! Thầy Nguyễn Kim Sơn để ria mép đen nhánh, chiếc áo vét của thầy hình như tôi cứ hay nhìn ra hai vạt so le nhau. Nghe thầy giảng về nỗi băn khoăn xuất xử của Nguyễn Trãi, lòng tôi buồn da diết.
Thầy Đào Duy Hiệp giảng thơ siêu thực, giới thiệu bài thơ Apôline viết về vợ. Chúng tôi không thể hiểu vì sao ông viết kỳ dị, khó hiểu như thế, nhưng cứ thấy lạ, thấy rất gợi hình, gợi cảm giác và dẫn suy nghĩ đi xa hơn thế: “…Vợ tôi có đôi mông của mùa xuân… Vợ tôi có cái lưỡi của loài rái cá không thể tin được…”. Những bài thơ siêu thực mà thầy giới thiệu, dạo đó với chúng tôi là rất nhiều những gợi mở. Thầy Hiệp “tất nhiên” cũng là người làm thơ, hoặc ngược lại là người bị thơ làm cho mê đắm. Giữa giờ học, thầy nói: “Tôi viết hàng núi, và đốt đi cũng hàng núi”. Thầy cho chúng tôi thảo luận và thỉnh thoảng thầy trò cùng đọc những sáng tác mới rất vui vẻ. Trong một bài thơ rất dài của chính thầy Hiệp, tôi thích mấy câu tả con chuồn chuồn đậu vào chiều như một chiếc nơ đỏ, rồi ký ức thì vừa đi vừa khóc…
Thầy Phạm Xuân Thạch đột nhiên một hôm đọc mấy câu thơ Hoàng Cầm: “Chùa Phật Tích ruỗi trong màn lụa bạch/ Tượng Quan Âm má ửng bồ quân/ Chuông chiều cởi yếm/ Chuông sớm đội khăn/ Câu kinh tê tê/ Mười ngón tay măng…”, như là mở thêm cho chúng tôi một ô cửa. Sau chúng tôi tìm photo tập thơ “Về Kinh Bắc” của Hoàng Cầm để được ngỡ ngàng và sung sướng với những câu thật linh động: “Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc/ Chiều xưa rẻ quạt voi lồng/ Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc/ Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông…”.
2/ Những câu chữ ấy lạ lùng, giàu sắc thái tình cảm, ẩn khuất nhiều tâm sự, đẩy trí tưởng tượng lên mạnh mẽ làm chúng tôi mê say! Không khí thơ ca được giăng lên trong năm tháng rất trẻ một thời, từ chính những người thầy – người thơ, giúp nuôi niềm tin lãng mạn và làm chỗ dựa cho những mường tượng phóng khoáng vào một đời sống nhân văn, nâng niu chữ nghĩa và tôn trọng người làm văn chương.
Điều đáng quý như bạn bè cùng lứa chúng tôi cảm nhận ngay từ khi ở trường và kiểm chứng thêm trong gần chục năm từ khi ra trường, là mối thân tình giữa những người từng ở khoa Văn đi ra. Không tính đếm bằng vật chất, quan hệ công việc, nghề nghiệp mà về sau, rất nhiều cựu sinh viên khoa Văn có liên quan đến nhau, chỉ ở góc độ tình cảm, mỗi lần gặp gỡ, quen biết, khoá trước khoá sau anh em chúng tôi nhanh chóng cởi mở, hoà đồng và quý trọng.
Từ chỗ dựa là vốn quý âm ỉ qua nhiều năm tháng ấy mà chúng tôi cũng dễ dàng chia sẻ, trao đổi trong đời sống, sáng tác và nhiều công việc khác. Và từ lâu, đã có một cộng đồng nhỏ giữa các cựu sinh viên văn khoa, để mỗi dịp 20/11, dịp trước và sau Tết hay một dịp bất kỳ, nhiều người lại hội ngộ để tưng bừng như hội, hỏi thăm công việc, cuộc sống, gia đình, chia sẻ vài ý tưởng mới, nói với nhau những phấn khởi và băn khoăn.
3/ “Điểm tập kết” quen thuộc của nhiều anh chị em là ở nhà thầy Nguyễn Hùng Vỹ, phía sau ký túc xá Mễ Trì. Suốt nhiều năm, tôi chưa thấy thầy dừng sự bền bỉ nghiên cứu, suy ngẫm. Thầy có nhiều sách trong tủ, lúc nào cũng sẵn sàng mở ra cho học trò. Thầy bền bỉ sáng tác và thường trực “trạng thái ngẫu hứng”, nhất là lòng thầy khi nào cũng trẻ nên anh chị em chúng tôi thường tìm đến. Có lần thầy nói với tôi là có một phong cách thơ, hay một dòng thơ Văn khoa Tổng hợp – sau là Khoa Văn học – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, do nhiều nhà thơ từng học tập ở đây bước ra cuộc đời sáng tác mà thành.
Tôi chẳng hình dung được lắm về phong cách mà thầy nói, cả bây giờ cũng thế. Nhưng thực sự một cái ý về phong cách thơ, dòng thơ của một văn khoa “nhiều năm tuổi” mà mình đang theo đòi ở đấy, đã gieo cả một mầm hy vọng kín đáo trong tôi, ở vào cái thời vụng dạ. Thầy kể ra những cái tên nhà thơ Nguyễn Duy, Đỗ Minh Tuấn, Hoàng Nhuận Cầm… - các cựu sinh viên khoa Văn thuộc các thế hệ khác nhau. Và thơ của những người ấy làm nên dòng chảy như thế. Theo thầy, cái phong cách ấy, cái dòng chảy, cái nét ấy có thể gọi lên như một sự lịch lãm, một nét hào hoa, một ý thức cẩn trọng và trau chuốt trong ngôn ngữ…
Tôi thì nghĩ về thơ của chính thầy Vĩ và cho là phải có thêm cái tên thầy vào đấy thì sẽ càng thêm dẫn chứng cho sự hiện diện của phong cách thơ, dòng thơ Văn khoa Tổng hợp có thể là có này. Những câu thơ của thầy Vĩ mà chúng tôi nhớ là lúc nào cũng tươi tắn, cũng đầy đặn, cũng… nồng nàn, cũng gợi nhiều tâm trạng. Và có thể thấy là chúng được vẽ nên từ những dồn nén chuyện đời, chuyện người, lại lồng vào việc suy tư câu chữ rất cẩn thận của thầy. Cho nên chẳng riêng chúng tôi, một số bạn sinh viên các khoa khác, khi chúng tôi ra đi làm, ngồi bên nhau vẫn cùng đọc lại thơ thầy, càng thấy thú vị là khá nhiều người nhớ thế! Bài “Mạn Bắc” thì làm sao quên được: “…Tuểnh toảng trống chèo sương đắp lối/ Hội làng Tấm Cám bận không đi/ Em tắm giếng đồi trong lắt lẻo/ Hoang mang da thịt mãn xuân thì// Sóng sắp tiền giấy trời vàng vó/ Chín suối xuôi về Lục đầu giang/ Ta hèn hóa ác làm em khổ/ Yên Tử đùng đùng mây khói nhang”.
Bài “Gửi chị” thì cứ bật lên mỗi khi tôi qua trường Đại học Tổng hợp ngày xưa trên phố Lê Thánh Tông: “…Gửi về cho chị Tây Hồ lạnh/ Gió cố nhân lùa liễu ho khan/ Khói hương Quán Thánh ngô lai nướng/ Phố rắng rộng dài hai đi hoang…// Gửi về cho chị chốn này xưa/ Lê Thánh Tông đường lay phay mưa/ Bánh mỳ nóng rẫy hoa niên đói/ Xuýt xoa nhau ngon tận bây giờ…”.
4/ Hồi đó, đang là lớp phó học tập, tôi sang nhà nhờ thầy phác cho mấy đề tài để mời các nhà văn, nhà thơ về nói chuyện với lớp. Bởi thấy thầy có mối liên hệ từ trên mức… xã giao cho đến mật thiết với nhiều văn sĩ, thi sĩ, không ít người trong đó đã thành danh, nhất là có những người xuất thân sinh viên Văn khoa Tổng hợp. Thầy quen rộng, biết nhiều như thế, nhưng quý nhất là rất có ý muốn sinh viên được nhiều dịp giao lưu, gặp gỡ các bậc “khách văn chương”. Như một cách cập nhật thêm thông tin, tri thức nghề văn sôi động ở ngoài giảng đường. Như gieo thêm niềm vui, niềm vinh dự cho các bạn trẻ bỡ ngỡ chạm ngõ văn được tiếp cận với những cái tên được công chúng ngưỡng mộ. Như “lên dây cót” cho người “dũng cảm” học văn, mà trong đó biết đâu có thể rồi có người dấn thân vào nghiệp chữ nghĩa nhọc nhằn dai dẳng và nhiều “mê đắm bất thường” này.
Càng về sau thì thấy có thể với diễn giả nhà thơ hay ai đó quan sát bên ngoài, một cuộc giao lưu, nói chuyện có thể không quá hệ trọng. Nhưng với chúng tôi hồi tuổi chưa đầy hai mươi, nó có vẻ gì nao nức, hân hoan, lại pha cả chút bí ẩn nữa. Hồi mới vào năm thứ nhất - 1998, ngay trong những ngày đầu năm học, thầy Vĩ đã mời nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi đến nói chuyện, đọc thơ với lớp sinh viên non trẻ. Dạo đó tôi rất háo hức được nhìn thấy một nhà thơ “thật” ở trước mắt. Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi có tuổi, người đậm, dáng cao lớn, ông lên giảng đường nói chuyện thơ, đọc thơ, đương nhiên là có bài “Qua Thậm Thình” mà chúng tôi được học hồi phổ thông. Tôi chỉ nhớ là có chuẩn bị sẵn hoa, nhà thơ cứ đọc xong một bài là một đứa “lao vào” tặng ông một bông trong tràng pháo tay của cả lớp đang rộ lên.
Một lần khác, không nhớ có phải năm 2000, TS. nhà thơ Phạm Quốc Ca từ Đà Lạt ra Hà Nội hội họp, thầy Vĩ mời ông đến khoa với sinh viên. Thầy tự tay cắt giấy màu xanh, đỏ tên nhà thơ dán lên bảng phoóc. Cuộc gặp gỡ gọn gàng, ấm cúng trên phòng họp của văn phòng khoa vào một tối cuối thu lành lạnh. Sinh viên ngồi quanh chiếc bàn to dùng để ngồi họp. Tôi nhớ vẻ chăm chú khi TS. Phạm Quốc Ca lắng nghe sinh viên đặt câu hỏi và đọc thơ cho ông nghe.
Lại có cả một cuộc đón nhà thơ Nguyễn Duy ở phòng đọc thư viện rất tưng bừng. Ông đọc những bài thơ kính thưa kính gửi Thị Nở, Thị Mầu, Mẹ Đốp… nghe rất hóm! Lại đến những câu như “Bao nhiêu con gái ngủ trong tuyết dày…” thì chúng tôi nhất quyết sau đó phải tìm mà đọc đi đọc lại. Bài thơ “Đánh thức tiềm lực” ông đọc làm chúng tôi “hãi” về sự thuộc một bài dài đến thế, dù ông là tác giả. Đặc biệt rất là lạ và thích, và cũng gai gai nhưng đầy hào hứng với những ý tứ tràn ngập ông đưa vào bài thơ. Có những câu mà tôi không thể quên được: “Hôn má bên này bật máu má bên kia…”, “Chúng ta nói nhiều về tiềm lực/Tiềm lực còn ngủ yên…”.
Những buổi nói chuyện, giao lưu thơ còn chưa được nhiều như mong muốn. Nhưng như thế đã là rất quý giá cho chúng tôi, là một cách học hay, để lại những ấn tượng đẹp, gợi nhiều hứng khởi. Rồi những tối đến nhà thầy Vĩ, vài ly rượu nhỏ, thầy trò đọc thơ mới cho nhau nghe, ngoài sân theo từng mùa, lá bàng cứ theo nhau thay đổi. Lại cuộc khác nữa, chính là giờ học mà thầy cô khi giảng bài lại dẫn ra là những bài thơ, câu thơ như những tia sáng chợt rọi đến chúng tôi ở cái tuổi vụng về, rất dễ rơi vào cuộc véo von những câu chữ thiết tha, trìu mến theo kiểu chàng và nàng, gã và nhỏ, hay trang vở, ô mai, giỏ hoa xe đạp, tà áo sân trường...
Chúng tôi đã học sáng tác như thế, ở khoa Văn!