Aa

Học sinh bắt đầu 'mê' trường nghề

Thứ Năm, 16/08/2018 - 09:39

Với nhiều kênh tiếp cận thông tin phong phú như hiện nay, nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đã tự lượng sức mình, chuyển hướng sang chọn học nghề.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhộn nhịp ngày nhập học

Nhận hồ sơ từ tháng 7, trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đang vào mùa nhận học viên. Sân trường khá đông đúc, cả phụ huynh và học sinh đều háo hức ghi danh vào học.

Vũ Hồng Cường, quê Quế Võ, Bắc Ninh năm nay đầu quân vào khoa Điện lạnh, trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội chia sẻ: “Anh họ em tốt nghiệp một trường Đại học về kỹ thuật nhưng thất nghiệp, ra trường phải đi làm công nhân ở một KCN gần nhà. Thấy thế, em cũng lượng sức mình, biết hoàn cảnh gia đình mình không dễ nuôi con mấy năm theo đại học nên em xác định học nghề điện lạnh”.

Cường kể, ngay từ cuối năm học, khi được nghe thầy hiệu phó trường THPT tư vấn cho học sinh một số trường cao đẳng, trung cấp có thể theo học để phù hợp với năng lực, Cường đã tham khảo và quyết định chọn nghề điện lạnh. “Nghề này thị trường đang có nhu cầu nhiều, sau có tay nghề, em muốn mở xưởng tại nhà, nếu có điều kiện hơn, em sẽ học liên thông…” – Cường háo hức.

Theo thầy Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, các nghề điện công nghiệp, cơ điện tử, điện lạnh, công nghiệp ô tô, cắt gọt kim loại, hàn, quản trị mạng máy tính được học sinh lựa chọn nhiều nhất, trong khi khối ngành kinh tế ít hơn.

Thống kê, trong đợt tuyển sinh đầu tiên, nhà trường dự kiến sẽ tuyển được 500 học viên trong tổng số chỉ tiêu là 1.500 (hệ cao đẳng 1.200 em và trung cấp 300 em). Các em được trực tiếp thực hành nghề trong các năm thứ 2 và thứ 3.

Thực tập tại doanh nghiệp sẽ giúp các sinh viên được tiếp cận và thuần thục những kỹ năng sản xuất thực tế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng trả tiền lương tối đa 150.000 đồng/ngày và sinh viên được ăn trưa tại doanh nghiệp.

Các sinh viên có tố chất tốt thường đã được doanh nghiệp “chấm” trước để giữ lại làm việc cho doanh nghiệp ngay sau tốt nghiệp.

Trường Cao đẳng du lịch Hà Nội năm nay đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh 2.300 học sinh (trong đó gần 2000 là hệ cao đẳng, hơn 3000 là trung cấp). Đến đầu tháng 8, số hồ sơ đăng ký đã chạm ngưỡng hơn 3.500 học sinh đăng kí. “Nếu theo tỷ lệ 70% hồ sơ đăng ký vào nhập học như các năm trước kia thì năm nay trường không thiếu tuyển sinh” - thầy Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng trường Cao đẳng du lịch Hà Nội cho biết.

Năm 2018, cả nước có trên 925.000 thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia. Trong đó, hơn 688.600 thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ, trong khi tổng chỉ tiêu của các trường là 455.174. Như vậy, so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh thì số thí sinh dư ra là hơn 230.000. Tróng số này, rất nhiều học sinh đã xác định học nghề ngay từ khi có điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

Đầu ra không còn mông lung

Năm nay là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo không có quy định điểm sàn, dẫn đến một số trường Đại học đưa ra mức điểm đầu vào thấp, thậm chí một số trường đưa ra phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học bạ hoặc đưa ra mức điểm sàn là 12 cũng có nghĩa là chỉ cần đỗ tốt nghiệp THPT là vào Đại học.

Nhiều người lo ngại trường cao đẳng, trường nghề sẽ thiếu hụt học viên trầm trọng. Thế nhưng, trên thực tế, trường nghề vẫn không bị học sinh làm ngơ.

Một đại diện của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH nhận định: “Các trường cao đẳng, trung cấp có chất lượng đào tạo tốt, ra có việc làm ngay vẫn có lợi thế tuyển sinh tốt, nhất là ý thức của học sinh và phụ huynh đã có chuyển biến lớn trong những năm gần đây”.

Ngay từ khi sắp kết thúc năm học, các doanh nghiệp, trường nghề, các trường ĐH đã lần lượt đăng ký đến các trường THPT để trao đổi, giới thiệu về các nghành nghề, mức điểm tuyển dụng.

Ngoài ra, trước khi làm hồ sơ đăng ký, nhiều trường cũng tổ chức ngày hội tư vấn hướng nghiệp, không chỉ học sinh mà phụ huynh cũng được mời đến để có gì chưa rõ sẽ được chuyên gia trao đổi kỹ.

Qua các buổi như vậy, nhiều học sinh đang nung nấu thi ĐH lại chuyển sang học nghề vì thấy đầu ra thuận lợi hơn, phù hợp với điều kiện gia đình. Hoặc cũng có học sinh thấy xu hướng trong tương lai ngành nghề nào hot, thú vị mà cũng phù hợp bản thân hơn nên theo học nghề…

Có thể thấy, điều học sinh quan tâm, lo lắng nhất hiện nay khi chọn ngành nghề chính là cơ hội việc làm. Đầu ra của nhiều trường nghề được đảm bảo chính là điểm cộng khiến nhiều học sinh không do dự khi đăng kí vào học. Ví dụ, trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội trong nhiều năm nay đều cam kết học nghề xong có việc làm và mức lương 5-7 triệu đồng/tháng đang là một trong những nhân tố thu hút học sinh.

Nói về điều này, đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng chia sẻ, nhiều năm nay, Tổng cục đã chủ động triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường công tác tuyển sinh như: Ban hành công văn chỉ đạo các trường cao đẳng, trung cấp tăng cường công tác tuyển sinh và nâng cao chất lượng đào tạo trình độ trung cấp với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở; Xây dựng, công bố ứng dụng “Chọn nghề - Chọn trường” trên thiết bị di động; đẩy mạnh thông tin truyền thông, tư vấn hỗ trợ tuyển sinh hướng tới hình ảnh học nghề để ổn định tương lai… Điều này đã khiến trường nghề đến gần hơn học sinh toàn quốc.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top