Aa

Hội đồng Phát triển BĐS Ấn Độ thăm và làm việc với Hiệp hội BĐS Việt Nam

Thứ Bảy, 25/02/2017 - 05:40

Chiều 24/2, đoàn đại biểu Hội đồng Phát triển Bất động sản Ấn Độ (NAREDCO) - cơ quan trưc thuộc Bộ Phát triển Nhà đất và Giảm nghèo Đô thị Ấn Độ đã tới thăm và làm việc với Hiệp hội BĐS Việt Nam.

Mục đích của đoàn đại biểu Ấn Độ trong chuyến thăm tới Việt Nam lần này là nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển đô thị giữa Việt Nam và Ấn Độ, trong đó, tập trung vào mô hình phát triển các thành phố thông minh, nhà ở cho người thu nhập thấp, xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải, quản lý đất, giải pháp về vấn đề vệ sinh công cộng, vấn đề liên quan đến xây dựng...

Trong chuyến thăm tới Việt Nam, đoàn đại biểu đã gặp gỡ và làm việc với lãnh đạo Hiệp hội BĐS Việt Nam. Tiếp đoàn Ấn Độ có ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam; ông Trần Ngọc Quang, Tổng Thư ký Hiệp hội cùng một số lãnh đạo khác của Hiệp hội.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam đã giới thiệu khái quát với đoàn đại biểu Ấn Độ về Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng như tình hình thị trường BĐS Việt Nam trong những năm trở lại đây.

Theo đó, Hiệp hội BĐS Việt Nam là một tổ chức xã hội nghề nghiệp với trên 3.000 hội viện là doanh nghiệp, cá nhân trong lĩnh vực BĐS. Trực thuộc Hiệp hội BĐS Việt Nam có một số Hiệp hội thành viên như Hiệp hội BĐS Du lịch Việt Nam, Hội Môi giới BĐS Việt Nam...

Giới thiệu về thị trường BĐS Việt Nam, ông Nguyễn Trần Nam cho biết, trong vòng 10 năm từ 1999 – 2009, lượng nhà ở tại Việt Nam đã tăng gấp đôi so với trước đó (thời kỳ BĐS chưa được công nhận là một loại hàng hóa) và xây dựng được trên trăm triệu mét vuông nhà ở. Từ năm 2010 trở lại đây, mỗi năm Việt Nam xây dựng khoảng 1 trăm triệu mét vuông nhà ở, chưa kể diện tích các công trình công cộng.

Chủ tịch Nguyễn Trần Nam thông tin: “Việt Nam có 94 triệu dân, diện tích nhà ở trung bình theo điều tra tháng 9/2014 là 22m2/người. Đây là con số rất thấp so với các thành phố lớn khác, ví dụ như Thượng Hải (30m2/người). Trong khi đó, tâm lý người Việt Nam lại rất thích nhà, tỷ lệ sở hữu nhà tại Việt Nam lên tới 95%. Khoảng 94 triệu dân với tỷ lệ diện tích nhà thấp và nhu cầu sở hữu cao chính là lực cầu lớn trung và dài hạn cho thị trường BĐS trong thời gian tới”.

Theo ông Nam, hiện nay, xu hướng tách hộ trẻ trong đô thị Việt Nam rất lớn. Điều tra dân số năm 1999 là 4,5 người/hộ, năm 2009 còn 3,8 người/hộ, giữa kỳ 2014 còn 3,2 người/hộ. Dân số tăng lên, gia đình nhỏ lại kéo theo số gia đình tăng lên (khoảng 24 triệu hộ gia đình), tách hộ tức là phải tách nhà mà nhu cầu tách nhà của người dân đang rất lớn.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam đã giới thiệu khái quát với đoàn đại biểu Ấn Độ về Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng như tình hình thị trường BĐS Việt Nam trong mấy năm trở lại đây.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam đã giới thiệu khái quát với đoàn đại biểu Ấn Độ về Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng như tình hình thị trường BĐS Việt Nam trong những năm trở lại đây.

Ngoài ra, theo ông Nam, tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam đang rất nhanh (hiện nay khoảng 36%, mỗi năm tăng lên 1%). Nghĩa là mỗi năm có 1 triệu dân sống ở nông thôn chuyển ra khu vực thành thị sinh sống. Vì thế, về trung và dài hạn nhu cầu về nhà ở tại Việt Nam rất dồi dào.

Trước đó, thị trường BĐS Việt Nam đã trải qua giai đoạn khủng hoảng tương đối sâu (2010 – 2013) do tác động từ kinh tế khu vực và trong nước sa sút, chính sách tiền tệ thắt chặt. Từ năm 2014 trở lại đây, thị trường đã có sự hồi phục, tăng trưởng và phát triển đáng khích lệ.

Tuy nhiên thị trường BĐS Việt Nam 2 năm trở lại đây đang được cảnh báo là phải kiểm soát chặt chẽ, nhất là khu vực đầu tư vào các căn hộ cao cấp; bên cạnh đó, cần chuyển dịch mạnh sang căn hộ thương mại quy mô nhỏ, trung bình, giá phù hợp với túi tiền người dân.

Hiện nay, trung bình 1 mét vuông nhà ở khu vực Hà Nội và TP. HCM từ 1.500 USD – 2.500USD/m2. Nếu so sánh với thu nhập trung bình của người Việt Nam thì đây là một mức giá rất cao. Để giữ vững sự phát triển hài hòa, mang tính bền vững, theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, xu hướng chủ đạo của năm 2017 sẽ là đẩy mạnh phát triển NƠXH. Gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách chính thức đưa vào luật, trong đó khuyến khích ưu đãi đối với doanh nghiệp và người dân đẩy mạnh xây dựng và phát triển NƠXH, nhà ở giá rẻ.

Dự báo thị trường BĐS Việt Nam từ năm 2017 - 2020, ông Nam nhận định, thị trường sẽ tiếp tục khuynh hướng phát triển rất đồng đều. Nếu như 2014, thị trường NƠXH là chính, sang năm 2015 cân đối hơn (24% thị trường là nhà ở cao cấp), năm 2016, toàn bộ các phân khúc từ nhà ở chung cư, liền kề, shophouse, diện tích thương mại, văn phòng đặc biệt là BĐS du lịch nghỉ dưỡng... đều phát triển rất mạnh.

Đồng thời, Luật Kinh doanh BĐS mới ban hành vào năm 2014 mở ra cho thị tường BĐS Việt Nam nhiều cơ hội, cho phép các doanh nghiệp nước ngoài có thể đến mua, sở hữu BĐS tại Việt Nam.

Theo Chủ tịch Nguyễn Trần Nam, chính sách cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam được đánh giá là một trong những chính sách cởi mở so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Theo đó, người nước ngoài có thể đến Việt Nam mua các loại hình nhà ở từ chung cư đến liền thổ, biệt thự... mà không bị hạn chế về số lượng. Việc sử dụng cũng được mở rộng, từ thuê để ở cho đến kinh doanh. Hạn chế duy nhất ở chính sách này chỉ là thời gian sở hữu (khoảng 50 năm hoặc gia hạn thêm 50 năm nữa).

Ông Nam nhấn mạnh, trong tương lai, nếu như NAREDCO có nhu cầu làm dự án, muốn liên doanh, liên kết với Việt Nam thì Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng sẵn sàng làm cầu nối, giúp NAREDCO kết nối với các doanh nghiệp và đơn vị liên quan trong lĩnh vực BĐS.

Về phía đoàn đại biểu Ấn Độ, ông Parveen Jain, Chủ tịch NAREDCO (trưởng đoàn) đánh giá cao chất lượng, tốc độ xây dựng một số công trình tại Việt Nam, đơn cử như KĐT Đặng Xá (Gia Lâm) – đây là KĐT được thiết kế đẹp, chất lượng tốt và tốc độ thi công nhanh.

Chủ tịch Nguyễn Trần Nam tặng kỷ niệm chương cho đoàn đại biểu Ấn Độ.

Chủ tịch Nguyễn Trần Nam tặng kỷ niệm chương cho đoàn đại biểu Ấn Độ.

Ông Parveen Jain cho biết, mục tiêu của chuyến thăm Việt Nam lần này không chỉ là đầu tư, mong muốn liên doanh, liên kết với doanh nghiệp Việt Nam mà còn là để học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ thuật xây dựng giữa hai nước.

Theo trưởng đoàn đại biểu Ấn Độ, thị trường BĐS Việt Nam và Ấn Độ có một điểm chung là đều hướng trọng tâm đến việc xây dựng nhà ở. “Thủ tướng Ấn Độ có đưa ra chương trình nhà ở cho mọi người, phát triển NƠXH cho tầng lớp thu nhập vừa và thấp, tầng lớp người nghèo ở Ấn Độ”, ông Parveen Jain chia sẻ.

Chủ tịch NAREDCO cho biết, nhà ở chiếm đến 80% thị trường BĐS Ấn Độ. Hiện tại, tốc độ đô thị hóa của Ấn Độ cũng rất lớn, các gia đình trẻ cũng nhiều, giá BĐS trung tâm thành phố cũng rất đắt. Nếu như ở Việt Nam mỗi năm có 1 triệu người từ nông thôn ra thành thị sinh sống thì ở Ấn Độ, con số đó lên đến 12 triệu người.

Về nhu cầu trong tương lai, theo Chủ tịch NAREDCO, từ nay đến năm 2022, Ấn Độ sẽ xây dựng khoảng 10 triệu căn hộ. Theo nghiên cứu mới nhất, Ấn Độ là 1 trong những nước có thị trường BĐS lớn nhất thế giới, đứng thứ 4 sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.

Khả năng thu hút FDI của thị trường BĐS Ấn Độ cũng tương đối khả quan. Riêng năm ngoái, thị trường BĐS Ấn Độ thu hút đến 8 tỷ USD vốn FDI. Một phần do 2 năm trở lại đây, nước này đã có nhiều chính sách thu hút, mở rộng đầu tư nước ngoài vào thị trường BĐS.

Chủ tịch NAREDCO mong muốn, thông qua buổi làm việc lần này, NAREDCO sẽ có cơ hội hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ xây dựng hoặc cùng hợp tác đầu tư vào thị trường BĐS Ấn Độ. Đồng thời, ông Parveen đề xuất, NAREDCO có thể ký thỏa thuận hợp tác hoặc biên bản ghi nhớ với Hiệp hội BĐS Việt Nam để từ đó chia sẻ các thông tin hữu ích về thị trường BĐS cũng như các vấn đề liên quan đến công nghệ xây dựng.

Kết thúc buổi làm việc, Chủ tịch NAREDCO cho biết, đơn vị này rất mong muốn có thể tiếp đón lãnh đạo Hiệp hội BĐS Việt Nam trong chuyến thăm Ấn Độ vào năm nay.

Đón nhận thiện chí của đoàn đại biểu Ấn Độ cũng như hy vọng hai bên sẽ có cơ hội hợp tác sau này, Chủ tịch Nguyễn Trần Nam cũng đề nghị phía NAREDCO có thể giới thiệu một vài dự án có đất sạch tại Ấn Độ để các doanh nghiệp Việt Nam có thể khảo sát, xem xét việc tham gia đầu tư xây dựng.

Dự kiến, sau khi kết thúc buổi làm việc với Hiệp hội BĐS Việt Nam và một số công việc liên quan tại Hà Nội, đoàn đại biểu Ấn Độ sẽ đến thăm TP. HCM, tìm hiểu thông tin thị trường BĐS đồng thời tham quan một số công trình xây dựng tại đây./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top