Sáng 26/7, tại Hà Nội, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội nghị Thường trực (mở rộng), Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm và phương hướng hoạt động 6 tháng cuối năm 2023.
TS. Nguyễn văn Khôi, Chủ tịch VNREA, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chủ trì Hội nghị, cùng với sự tham gia của các Phó Chủ tịch VNREA và các thành viên Ban thường vụ Hiệp hội.
Tại Hội nghị, ông Đỗ Viết Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực thứ hai Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) đã trình bày báo cáo đánh giá tình hình chung thị trường BĐS Việt Nam.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 vẫn đạt được những kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp. Theo Tổng cục thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 3,72%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,29%; lạm phát cơ bản tăng 4,74%. Chịu tác động chung của nền kinh tế, thị trường bất động sản Việt Nam trầm lắng từ đầu năm 2022 tiếp tục kéo dài sang 6 tháng đầu năm 2023.
Nguồn cung ở tất cả các phân khúc giảm, cơ cấu hàng hóa không phù hợp, nhất là nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ, số lượng giao dịch và thanh khoản giảm, nhiều dự án dừng thi công do vướng thủ tục pháp lý đầu tư, các doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp… kéo theo các ngành nghề liên quan khác (như vật liệu xây dựng, tư vấn thiết kế, đầu tư thi công, nội ngoại thất, nhân công lao động bị cắt giảm…) ảnh hưởng đến an sinh, trật tự xã hội.
Trước tình hình đó, Nhà nước đã, đang quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp tập trung giải quyết những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp nhằm vực dậy thị trường bất động sản. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã ban hành hàng loạt nghị quyết, nghị định, thông tư, cùng với đó là rất nhiều cuộc họp đầu ngành được tổ chức để tìm hướng giải quyết khó khăn trên thị trường bất động sản, tập trung vào các nhóm vấn đề chính là cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, vốn và vấn đề an sinh xã hội…
Đánh giá chung kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm VNREA
Trong bối cảnh khó khăn chung của toàn nền kinh tế, sức khỏe của thị trường bất động sản và doanh nghiệp bất động sản suy yếu, nhưng Hiệp hội Bất động sản Việt Nam vẫn thể hiện tốt vài trò là trung tâm của cộng đồng bất động sản ở Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ mà trực tiếp là Vụ Tổ chức phi chính phủ, Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Hiệp hội, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã tổ chức đồng bộ, thống nhất, hiệu quả Nghị quyết Đại hội, chương trình công tác nhiệm kỳ V và kế hoạch năm 2023 trên tất cả các lĩnh vực.
Trong tình hình rất khó khăn của thị trường bất động sản, Hiệp hội và doanh nghiệp cùng các chuyên gia và cơ quan quản lý nhà nước đã phân tích cụ thể các nguyên nhân, đề xuất cơ chế chính sách và các giải pháp. Bám sát từng đợt Dự thảo Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản để lấy ý kiến doanh nghiệp tổng hợp trình các Ủy ban Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các Bộ ngành liên quan.
Tham dự các hội nghị, hội thảo của Ban Kinh tế Trung ương, các Ủy ban của Quốc hội, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước và kết hợp các báo Trung ương, địa phương tổ chức góp ý 3 luật bàn các giải pháp nhằm thúc đẩy, phục hồi, phát triển thị trường bất động sản. Những ý kiến của Hiệp hội và doanh nghiệp đã được các cơ quan quản lý Nhà nước ghi nhận và đưa vào một số nội dung trong Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ.
Làm việc với các địa phương cùng doanh nghiệp liên quan bất động sản, môi giới tại TP. HCM, Bắc Giang, Thái Nguyên, Nghệ An,… để lắng nghe, chia sẻ vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Sau đó, báo cáo các Bộ, ngành liên quan và Chính phủ.
Báo cáo Chính phủ về các khó khăn thị trường bất động sản, doanh nghiệp bất động sản và đề xuất các giải pháp, cơ chế trên các mặt: tiếp cận nguồn vốn tín dụng, quy hoạch, ưu đãi cho các dự án bất động sản, nhất là dự án nhà ở xã hội…
Hoạt động của các đơn vị trong Hiệp hội được quan tâm, thực hiện có hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực tư vấn, phản biện chính sách pháp luật, tổ chức các hội nghị, hội thảo, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Những thành công của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam trong thời gian vừa qua có sự đóng góp, tham gia nhiệt tình, tích cực của các thành viên. Những thành công đó đã nâng cao được vị thế của Hiệp hội, tác động vào cách nhìn của xã hội, truyền thông, người dân về doanh nghiệp bất động sản theo hướng tích cực hơn.
Tham gia góp ý sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật
Tại Hội nghị, ông Đỗ Viết Chiến báo cáo một số kết quả cụ thể về Tổ chức bộ máy và công tác phát triển hội viên, cũng như Công tác Tư vấn, Giám định & Phản biện xã hội, Tổ chức các chương trình sự kiện, Hội thảo khoa học, chuyên đề, tham gia góp ý sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật,…
Hiệp hội chủ động tổ chức các hội nghị làm việc với các doanh nghiệp và đã tổng hợp ý kiến từ phía các doanh nghiệp hội viên bất động sản, có văn bản gửi trực tiếp đến những cơ quan soạn thảo, các Bộ, ngành TW và địa phương, Chính phủ, các ủy ban của Quốc hội về kiến nghị, góp ý về các cơ chế chính sách, các dự thảo sửa đổi luật, sửa đổi thông tư.
Những ý kiến đóng góp của Hiệp hội có chất lượng tốt, được cơ quan soạn thảo đánh giá cao và đưa vào trong các quyết sách điều hành vĩ mô của chính phủ và nội dung của luật sửa đổi như: Nghị định 33 ban hành một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, Nghị định 08 sửa đổi một số quy định trong Nghị định 65, Nghị định 10 bổ sung quy định về cấp quyền sở hữu cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, gói 120 nghìn tỷ đồng, giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (giãn, hoãn nợ, chậm nộp thuế, BHXH…).
Phương hướng hoạt động 6 tháng cuối năm 2023
Tại Hội nghị, ông Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch VNREA, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam đã nêu một số ý kiến đóng góp đề nghị Hiệp hội cần thành lập ban truyền thông, chú trọng công tác truyền thông và phát ngôn của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.
Bên cạnh đó cần mở trang truyền thông chuyên về các hoạt động của hội viên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các doanh nghiệp hội viên bất động sản. Truyền thông sâu rộng những ý kiến tham gia, sửa đổi luật, cơ chế chính sách và những quy định mới về thị trường bất động sản. Đồng thời cần chú trọng phát triển hội viên và đào tạo, cũng như đẩy mạnh việc xúc tiến đầu tư.
Tham gia đóng góp ý kiến tại Hội nghị, LS.TS. Đoàn Văn Bình - Phó Chủ tịch VNREA, Chủ tịch Tập đoàn CEO đánh giá cao việc Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và doanh nghiệp cùng các chuyên gia và cơ quan quản lý nhà nước phối hợp nghiên cứu, phân tích cụ thể các nguyên nhân, đề xuất cơ chế chính sách và các giải pháp, cũng như tham gia góp ý sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật. Bám sát từng đợt Dự thảo Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản để lấy ý kiến doanh nghiệp tổng hợp trình các Ủy ban Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các Bộ ngành liên quan. Tổ chức góp ý 3 luật bàn các giải pháp nhằm thúc đẩy, phục hồi, phát triển thị trường bất động sản.
Tại Hội nghị, TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch VNREA đã phát biểu chỉ đạo nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm khác của VNREA, cũng như Phương hướng hoạt động 6 tháng cuối năm 2023.
Công tác phát triển hội viên và kiện toàn tổ chức, cán bộ. Hiệp hội tiếp tục công tác tuyên truyền phát triển hội viên theo nguyên tắc lấy chất lượng lên hàng đầu bằng cách tích cực quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp để hội viên tin tưởng và gắn bó bền vững với Hiệp hội. Song song với việc phát triển hội viên, tăng cường tính thống nhất, nâng cao chất lượng hội viên và hiệu quả hoạt động của toàn Hiệp hội. Hiệp hội phấn đấu kết nạp thêm khoảng 20 hội viên trực tiếp trong 6 tháng cuối năm 2023.
Về công tác tư vấn giám định và phản biện xã hội: Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội và các Bộ ngành liên quan để tiếp tục xin ý kiến của các chuyên gia tư vấn, các hội viên của Hiệp hội tham gia sâu - rộng hơn, chủ động hơn vào các hoạt động của thị trường bất động sản, mà cụ thể là các nghiên cứu, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành về các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động thị trường bất động sản Việt Nam theo hướng minh bạch, ổn định và phát triển bền vững.
Tổ chức các chương trình sự kiện hội nghị, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm… Đối với chương trình sửa 3 luật (Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh Bất động sản) ít nhất từ 2 Hội nghị trở lên, gần nhất trong tháng 8/2023, để cộng đồng doanh nghiệp và chuyên gia góp ý, tổng hợp kiến nghị có chất lượng, hiệu quả chính thức gửi lên các Bộ ngành trung ương, Chính phủ và Quốc hội trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội 2023.
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giám định, phản biện xã hội trong lĩnh vực hoạt động của thị trường bất động sản, những vấn đề thực tế đã nảy sinh mà pháp luật chưa điều tiết nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn đang tạo rào cản làm trì trệ hoạt động kinh tế xã hội. Tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội nghị, hội thảo về bất động sản công nghiệp với nhà ở cho công nhân, hội thảo triển khai đề án 1 triệu căn hộ đến năm 2030 về nhà ở xã hội, về cải tạo chung cư cũ đã xuống cấp… Tập trung vào góp ý dự thảo các luật thuộc lĩnh vực Bộ Xây dựng quản lý đang triển khai…
Về hoạt động đối ngoại và xúc tiến đầu tư. Trong mối quan hệ quốc tế, Hiệp hội đã và đang thực sự trở thành đầu mối liên kết các doanh nghiệp trong nước với các nhà đầu tư nước ngoài và ngược lại giữa các nhà đầu tư nước ngoài với thị trường BĐS Việt Nam. Điều này tạo ra các cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp BĐS Việt Nam, tạo điều kiện cải thiện tích cực cho các nhà đầu tư nước ngoài đến thị trường BĐS Việt Nam. Bên cạnh đó, là việc giao lưu học hỏi kinh nghiệm quản lý, công nghệ và nguồn vốn đầu tư trong lĩnh vực bất động sản.
Thúc đẩy triển khai các chương trình hợp tác với Hiệp hội các nước mà Hiệp hội Bất động sản Việt Nam là thành viên như: Hiệp hội Bất động sản & Môi giới Hoa Kỳ (NAR), Liên đoàn Bất động sản Quốc tế (FIABCI), Hiệp hội Bất động sản các quốc gia Đông Nam Á (ARENA)… và một số Hiệp hội liên quan đến Bất động sản của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc… để trao đổi kinh nghiệm về nghiên cứu chính sách, các quy định về các lĩnh vực như phát triển & kinh doanh bất động sản, các vấn đề về tài chính cho phát triển nhà ở, chính sách phát triển nhà cho thuê, nhà ở thu nhập thấp, cải tạo các chung cư cũ, mô hình phát triển nhà ở sinh thái & thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phát triển bất động sản, công tác đào tạo các kỹ năng về quản lý và kinh doanh BĐS.
Chuẩn bị và thành lập đoàn tham dự “Hội nghị Châu Á Thái Bình Dương và trao giải thưởng FIABCI – Thai prix d’Excellence” do FIABCI Châu Á Thái Bình Dương và FIABCI Thái Lan đồng tổ chức với chủ đề “Đầu tư Bất động sản Châu Á Thái Bình Dương mang tính xây dựng” tại Bangkok, Thái Lan vào tháng 10/2023.
Công tác truyền thông và phát ngôn của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Mở trang truyền thông chuyên về các hoạt động của hội viên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các doanh nghiệp hội viên bất động sản. Truyền thông sâu rộng những ý kiến tham gia, sửa đổi luật, cơ chế chính sách và những quy định mới về thị trường bất động sản.
Một số nội dung trọng tâm khác của VNREA
Tiếp tục thực hiện góp ý sửa đổi 3 luật và đề xuất các cơ chế chính sách cụ thể để đầu tư bất động sản ở các phân khúc khác nhau. Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tiếp tục tổ chức làm việc với các doanh nghiệp hội viên bất động sản về đầu tư nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, người lao động làm việc tại khu công nghiệp…
Tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư tại các địa bản tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu long, khu vực Tây Nguyên. Tổ chức chuyên đề sâu về vấn đề pháp lý cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư thực hiện chương trình Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023.
Tổ chức Diễn đàn Bất động sản Công nghiệp, tập trung vào việc thúc đẩy phát triển nhà ở công nhân trong khu công nghiệp. Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, trong đó đã sửa đổi các quy định cụ thể hơn về trình tự thủ tục, hồ sơ chứng minh đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Và tại Khoản 4 điều 4 Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 quy định về quản lý KCN và KKT, yêu cầu các KCN phải dành quỹ đất tối thiểu bằng 2% tổng diện tích để xây nhà ở cho công nhân.
Triển khai tổ chức Diễn đàn thường niên Bất động sản Việt Nam vào cuối năm, gợi ý mô hình đô thị công nghiệp. Sau dịch covid 19, Bộ Xây dựng đặc biệt quan tâm phát triển mô hình nhà lưu trú, ký túc xá dành cho chuyên gia, công nhân trong các khu công nghiệp.
Một số hình ảnh tại hội nghị: