CNVH trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của nền kinh tế cũng như góp phần quảng bá văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới. Theo Bộ VHTT&DL, CNVH đang trở thành xu hướng và được xác định là thành phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Qua số liệu ước tính, giá trị tăng thêm (giá hiện hành) của các ngành CNVH đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; năm 2019 ước đạt 6,02%; năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch nên số liệu có sự sụt giảm chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92%; đến năm 2022 các ngành đã bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp có sự tăng trưởng ước đạt 4,04%. Giá trị sản xuất của các ngành CNVH Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1.059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD).
Giai đoạn 2018 - 2022, bình quân 5 năm tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành CNVH ước đạt 7,2%/năm. Năm 2022, thống kê có khoảng trên 70.300 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến các ngành CNVH. Lực lượng lao động thuộc các ngành CNVH tăng khá nhanh, bình quân 5 năm lao động tăng 7,4%/năm, năm 2022 thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 4,42% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các ngành CNVH còn gặp phải những khó khăn, hạn chế như chưa có một văn bản pháp luật quy định rõ vai trò quản lý nhà nước, trách nhiệm, quyền hạn của các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện nội dung quản lý nhà nước về CNVH; Cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực CNVH còn thiếu đồng bộ; Nguồn lực đầu tư còn dàn trải, chưa tập trung phát triển một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm có lợi thế, tiềm năng nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ chủ lực, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương và đại biểu một số hội, hiệp hội, các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực CNVH đã phát biểu tham luận đánh giá, chia sẻ về kết quả phát triển các ngành CNVH lĩnh vực được giao; chia sẻ những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong quản lý, đầu tư về các ngành CNVH; nêu những rào cản, thách thức và đề xuất phương hướng, giải pháp và các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển các ngành CNVH…
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cần phát huy tối đa ngoại lực tranh thủ nội lực để phát triển; xây dựng sản phẩm văn hóa, thị trường văn hóa lành mạnh, nâng cao nhu cầu hưởng thụ của người dân và du khách. Đồng thời, phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam. Cùng với đó, cần quyết tâm cao, nỗ lực, chủ động phối hợp chặt chẽ thực hiện các giải pháp phát triển ngành CNVH, chú trọng ngành có tiềm năng phát triển, trong đó, tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý Nhà nước; có cách tiếp cận bình đẳng về chính sách thuế, đất đai, tín dụng./.