Aa

Hồi sinh những dòng kênh đen

Chủ Nhật, 01/05/2022 - 06:18

Những năm qua, hàng loạt công trình hạ tầng giao thông, nhất là công trình cải tạo, chỉnh trang đô thị gắn với hệ thống kênh, rạch của TP.HCM đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, làm cho phố phường thêm phần sáng sủa.

Thành đường khang trang

Sáng và chiều, ông Võ Tùng, 60 tuổi, nhà gần cầu Trắng, quận Bình Tân, thường đi bộ tập thể dục dọc công viên kênh Nước Đen, dưới bóng mát của hàng cây xanh và không khí trong lành ở đây. Ông phấn chấn chia sẻ: 5 năm trước, ngồi trong nhà cách kênh chừng 44m vẫn ngửi thấy mùi hôi nồng nặc từ con rạch, dù cửa đóng kín. Lúc đó không ai dám nghĩ một ngày được tản bộ dọc con kênh sạch đẹp thế này.

Ông Trần Văn Tuấn, ngụ đường Bình Long, quận Bình Tân cho biết thêm, một căn nhà cấp 4 khoảng 68m² ở khu này hiện có giá trên 3 tỷ đồng, gần gấp đôi so với nhiều năm trước. Khu này lên đời cũng đúng, bởi khi con kênh được cải tạo, hai bên bờ kênh trở thành đường nhựa 6 - 8m, với những mảng xanh…

Mỗi lần nhắc đến sự hồi sinh của kênh Nước Đen, bà Nguyễn Thị Sơn, ngụ đường Tân Kỳ - Tân Quý, quận Bình Tân, lại hồ hởi phấn khởi. Năm 1992, chị em bà Sơn rời quê nhà miền Trung, vào TP.HCM tìm kế mưa sinh. Tiền bạc không nhiều, gia đình bà phải chọn mua căn nhà bên dòng kênh Nước Đen để có nơi tá túc cũng như thuận tiện công việc mua bán ve chai. Cũng như hàng ngàn căn nhà lụp xụp bên bờ kênh, căn nhà của bà Sơn cất tạm bằng nhiều thứ vật liệu, điện câu nhờ, đường thì đi theo lối mòn. “Vậy mà giờ đây, đường sá, nhà cửa khang trang. Nói thiệt, nằm mơ cũng không dám nghĩ khu này có được như hôm nay”, bà Sơn chia sẻ.

Bây giờ, cứ mỗi lần đi dọc các con kênh Tân Hóa - Lò Gốm (quận 6), hay Tàu Hủ - Bến Nghé (quận 1, quận 4) và Nhiêu Lộc - Thị Nghè (quận Phú Nhuận), với tuyến đường hai bên uốn lượn dưới hàng cây rợp bóng, trang bị thiết bị tập thể dục, người dân thành phố rất phấn khởi. Chỉ tay xuống dòng kênh Tham Lương - Bến Cát (đoạn chảy qua địa bàn quận Bình Tân), ông Nguyễn Ngọc Thành, ngụ đường Lê Trọng Tấn, khao khát đến một ngày nhà ông ở bên kênh Tham Lương sẽ như cư dân dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé hôm nay. Đấy cũng là nỗi khát khao của hàng triệu người dân đang sinh sống dọc hàng loạt tuyến kênh chưa được cải tạo.

Khởi công hàng loạt dự án

Nắm bắt nguyện vọng của người dân cũng như quyết tâm làm đẹp bộ mặt đô thị kết hợp chống ngập, chỉnh trang đô thị, di dời nhà trên ven kênh rạch, UBND TP.HCM đã lập hàng loạt kế hoạch hồi sinh kênh, rạch trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2030.

Thời gian tới, sẽ khởi công dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm ở quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp. Rạch Xuyên Tâm thực ra thuộc hệ thống các con rạch liên thông như rạch cầu Bông, rạch cầu Sơn, rạch Long Vân Tự, rạch Lăng có chiều dài hơn 8km. Hiện dự án đã xong các bước chuẩn bị đầu tư, gồm dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh, Gò Vấp). Công trình dự kiến tổng mức đầu tư 9.350 tỷ đồng, trong đó 4.860 tỷ đồng chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng, với quy mô di dời gần 2.200 căn. Dự án cải tạo hệ thống thoát nước mưa và nước thải TP.HCM lưu vực Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên cũng sẽ được khởi công trong năm nay. Dự kiến, 2 dự án này hoàn thành năm 2025.

Dự án xây dựng hạ tầng và cải thiện môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên có tổng vốn 8.200 tỷ đồng. Trong đó, số tiền xây dựng khoảng 6.400 tỷ đồng; 718 tỷ đồng đền bù giải phóng mặt bằng, còn lại chi phí dự phòng và các khoản khác. Công trình gồm các hạng mục xây bờ kè bê tông và đường dài gần 33km dọc 2 bờ kênh; nạo vét toàn tuyến kênh; làm mới và sửa chữa các cống ngang đấu nối ra kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên; xây 12 bến thuyền dọc kênh... Đặc biệt, dự án nạo vét trục thoát nước kênh Đôi, kênh Tẻ và kênh Bến Nghé - Tàu Hủ (giai đoạn 3) dự kiến hoàn thành vào năm 2027.

TP.HCM cũng sẽ khởi công hàng loạt dự án cải tạo kênh, rạch vốn đình trệ nhiều năm nay. Sở Xây dựng đề xuất ưu tiên vốn cho 25 dự án nằm trong phương án chỉnh trang và phát triển đô thị thành phố giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo. Cụ thể, cải tạo kênh Hy Vọng (quận Tân Bình) tổng vốn dự kiến 1.980 tỷ đồng. Dự án nạo vét, cải tạo rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh) có vốn dự kiến 1.200 tỷ đồng.

Song song đó, Sở Xây dựng đề xuất 14 dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch. Trong đó, 8 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư công, gồm mở rộng đường Tôn Thất Thuyết và công viên cây xanh bờ kênh Tẻ (giai đoạn 3, quận 4); công viên hồ Khánh Hội (quận 4); kênh Hàng Bàng (giai đoạn 4, quận 6); bồi thường, giải phóng mặt bằng cải tạo các rạch nhánh cầu Sơn (Bình Thạnh); mương Nhật Bản, kênh A41 (Tân Bình); rạch Bà Tiếng, lắp cống hộp kênh Liên Xã (Bình Tân). Các dự án còn lại trong nhóm này hiện đã được phê duyệt bồi thường như chống sạt lở như dự án ở bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh)…

Theo kế hoạch chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo, thành phố đặt mục tiêu hoàn thành bồi thường, di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch, với tổng nhu cầu vốn dự kiến 19.280 tỷ đồng. Kế hoạch cũng thực hiện mục tiêu kép vừa giải quyết thoát nước, cải thiện môi trường vừa di dời nhà trên, ven kênh rạch để chỉnh trang đô thị./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top