Aa

Hiến kế để Quảng Nam phát triển mạnh mẽ, gắn kết liên vùng

Thứ Năm, 09/06/2022 - 06:05

Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, quy hoạch tỉnh là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp. Đây là lần đầu tiên Quảng Nam thực hiện quy hoạch tích hợp một khối lượng khổng lồ vào một đồ án quy hoạch.

Trong hai ngày 4 và 5/6, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Hội thảo góp ý Báo cáo giữa kỳ Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong quá trình triển khai, Quảng Nam đã có tham khảo một số tỉnh bạn nhưng cách thức, nội dung, phương pháp thực hiện sẽ có sự khác nhau. Hội thảo góp ý giữa kỳ có sự tham gia đóng góp ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, các đơn vị… Ngoài các ý kiến liên quan đến dự thảo đồ án quy hoạch thì Quảng Nam còn mong muốn nhận được những đề xuất, ý kiến mang tính đột phá mới để nhằm cụ thể hóa hơn đồ án quy hoạch này.

Dự kiến cuối năm nay, tỉnh Quảng Nam sẽ trình Thủ tướng Chính phủ đồ án quy hoạch. Đồ án quy hoạch tỉnh Quảng Nam không chỉ giải quyết việc phát triển chiến lược cho tỉnh Quảng Nam mà còn phục vụ cho việc phát triển cho các tỉnh, thành khác trong vùng trọng điểm kinh tế miền Trung và cả nước vì Quảng Nam được xác định là một trong những địa phương làm động lực cho phát triển khu vực.

Sự cầu thị, mong muốn tận dụng được hết lợi thế để đưa Quảng Nam phát triển đột phá trong giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 của các cấp lãnh đạo tỉnh được thể hiện rõ trong Hội thảo lần này. Nhiều chuyên gia ở nhiều lĩnh vực đến từ trong nước và nước ngoài, các doanh nghiệp đã đầu tư và chuẩn bị đầu tư,… được mời tham gia góp ý giúp tỉnh Quảng Nam có cách nhìn rõ nét, đa chiều trong định hướng quy hoạch sắp đến.

Quảng Nam cầu thị lắng nghe các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm giúp Quảng Nam phát triển bền vững

Tiến ra biển là xu thế chung

Theo GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay đầu ra của một công đoạn sản xuất không chỉ có sản phẩm mà còn có phế thải. Vậy nếu phế thải đó lại trở thành đầu vào cho một lĩnh vực sản xuất khác và cứ như thế thì có thể tạo ra được một vòng kinh tế mà số lượng thải giảm hẳn đi. Khái niệm kinh tế tuần hoàn tùy vào cách nhìn nhận của mỗi người, ví dụ ở Quảng Nam, nếu kết nối giữa phía Bắc (phát triển du lịch) với phía Nam (phát triển công nghiệp) thì khu vực ở giữa có thể phát triển đô thị theo mô hình đô thị nông nghiệp.

Khi đô thị gắn với các trang trại nông nghiệp sẽ vừa phục vụ cho du lịch vì du lịch trang trại đang là xu thế, là hình thức du lịch trải nghiệm cực kỳ mạnh ở một số nước, vừa tạo ra các sản phẩm nông nghiệp cung cấp thực phẩm cho các khu công nghiệp ở phía Nam và vừa cho du lịch ở phía Bắc. Như vậy sẽ tạo ra được một vòng tròn kinh tế mà mọi giá trị ở đó đều được khai thác và phát huy.

Quảng Nam có nên lấy công nghiệp năng lượng làm trọng điểm hay không? Theo lý giải của ông Đặng Hùng Võ, xu hướng hiện nay trên thế giới là tiến ra biển. Ngoài phát triển du lịch biển, khai thác hải sản, phát triển logistic thì nguồn năng lượng tái tạo từ biển mang tiềm năng rất lớn. Trong đó, sản xuất năng lượng tái tạo từ sóng biển, thủy triểu đang là xu hướng đầu tư của nhiều nước, và có hiệu quả hơn năng lượng tái tạo từ gió, mặt trời. Theo đó, Quảng Nam là địa phương có điều kiện để phát triển điều này.

Phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển được nhiều chuyên gia đề cập trong tham luận và góp ý trực tiếp

Quảng Nam có đường bờ biển dài 125km, tài nguyên biển ở Quảng Nam rất phong phú nhưng có giá trị nhất là mỏ khí đốt “Cá Voi Xanh”, có trữ lượng lên đến 150 tỷ m³ và chỉ cách bờ biển khoảng 90km. Ngoài ra, tỉnh cũng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn công nghiệp năng lượng tái tạo từ sóng biển, thủy triều.

Theo chuyên gia Nguyễn Duy Tổng, Đại học Hải dương quốc lập Đài Loan, vùng biển Quảng Nam nằm trong vùng có năng lượng sóng cao nhất Việt Nam, kéo dài từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận, có điều kiện thuận lợi để phát triển năng lượng sóng. Những năm gần đây, Quảng Nam chú trọng đặc biệt vào việc xây dựng hệ thống đê biển chống xói mòn, bảo vệ bờ biển.

“Nếu đã mơ thì hãy mơ thật lớn. Chúng ta hoàn toàn có thể mơ Quảng Nam trong vài năm tới sẽ là một trong những tỉnh và vùng đáng sống và đáng thăm nhất Việt Nam. Có nghĩa là không chỉ chúng ta phát triển du lịch cho khách du lịch mà chúng ta phải quan tâm hơn nữa đến chính những người đang và sẽ sống tại Quảng Nam”, ông Trần Trọng Kiên, nhấn mạnh.

Các cột nước dao động có thể dễ dàng tích hợp vào hệ thống đê biển này là cho chi phí xây dựng, bảo trì và vận hành sẽ giảm đáng kể nhờ được xây dựng trên nền tảng sẵn có. Ngược lại, các cột sóng dao động khi được tích hợp sẽ đóng vai trò hấp thụ năng lượng, giảm tác động đáng kể của sóng biển lên hệ thống đê, từ đó tăng thời gian sử dụng cho hệ thống đê này.

Cụ thể, các cột nước dao động có thể dễ dàng được xây dựng trên hệ thống đê chắn sóng ở khu vực cảng Kỳ Hà - Khu công nghiệp Chu Lai - Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2. Các cánh sóng bản lề thì có thể được lắp đặt rải rác ở vùng biển nông dọc bờ biển, tại các vị trí quy hoạch.

Với Quảng Nam, các khu công nghiệp ngày càng phát triển và mở rộng kéo theo nhu cầu về điện công nghiệp và điện sinh hoạt ngày càng tăng. Năng lượng từ sóng biển có thể bổ sung vào nhu cầu đó, cùng các loại hình năng lượng khác tạo nên sự đa dạng cho nguồn cung cấp điện trên địa bàn tỉnh. Điều này càng có ý nghĩa vào mùa cao điểm, góp phần đảm bảo nguồn cung điện được liên tục khi có sự cố xảy ra.

Cùng chung quan điểm về phát triển kinh tế hướng biển, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải, cho biết việc Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư cảng Chu Lai theo hình thức PPP chính là một ưu thế lớn mà ít địa phương có được và Quảng Nam cần tiếp tục phát triển mạnh mẽ lĩnh vực logictics để phát triển kinh tế chung. Dự án đi vào hoạt động sẽ giúp cho các doanh nghiệp ở Quảng Nam và khu vực lân cận tiết kiệm rất nhiều chi phí logistics.

Từ việc phát triển đồng bộ công nghiệp với logictics, Quảng Nam sẽ trở thành vùng sản xuất của khu vực, từ đó thu hút thêm nhiều nhà đầu tư đến với địa phương, góp phần vào việc đưa kinh tế địa phương phát triển ngang tầm với các thành phố lớn trên cả nước và khu vực.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải

Nghiên cứu đô thị tăng trưởng xanh

Theo PGS.TS Chu Hoàng Long, Trường Chính sách công Crawford, Đại học Quốc gia Úc, việc xây dựng Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã thể hiện được sự quyết tâm, nỗ lực của Quảng Nam trong việc cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng chung của quốc gia nhằm phát triển thịnh vượng và bền vững. Đặc biêt, việc xây dựng theo quy trình có tính khoa học gắn với sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan cho thấy tư duy mở của các cấp lãnh đạo tỉnh Quảng Nam.

Về quy hoạch lần này, ông Chu Hoàng Long, tin rằng Quảng Nam có thể nghiên cứu tích hợp luôn các nội dụng về tăng trưởng xanh, kinh tế biển và triển khai lộ trình hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tránh việc phải điều chỉnh, bổ sung trong thời gian tới. Động lực tăng trưởng cần nhấn mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nguyên tắc kinh tế tuần hoàn.

“Các mục tiêu cụ thể nên được nghiên cứu cập nhật ở giai đoạn cuối kỳ theo hướng cụ thể hóa các mục tiêu cụ thể của các chiến lược quốc gia, đặc biệt là chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia nhằm tạo sự đồng bộ, tích hợp và khả thi trong đo lường, theo dõi, giám sát, đánh giá trong tương lai khi bộ chỉ tiêu thống kê về tăng trưởng xanh được xây dựng và đưa vào hệ thống thống kê chính thức cũng như “chỉ số tăng trưởng xanh tổng hợp” được thử nghiệm và đưa vào triển khai trên toàn quốc”, ông Long nói thêm.

Đô thị sinh thái, gắn kết và bảo vệ môi trường là xu hướng phát triển đô thị bền vững ở Quảng Nam

Các nội dung về nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá chiến lược và giải pháp có thể phân thành: Nhóm ngành trọng tâm ưu tiên; Nhóm các ngành kích thích phát triển; Nhóm các ngành duy trì nhưng cần chuyển sang hình thái sản xuất sâu hơn, cao hơn được đánh giá cao, sẽ giúp đưa ra các giải pháp phù hợp và tạo cơ sở huy động và bố trí nguồn lực hiệu quả hơn.

“Trong lĩnh vực xây dựng đô thị, cần nghiên cứu về đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, thích ứng chống chịu với biến đổi khí hậu. Trong công nghiệp, cần nhấn mạnh việc sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, phát triển theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, phát triển các khu công nghiệp sinh thái. Với nông nghiệp, cần nhấn mạnh, nâng cao khả năng chống chịu, phát triển theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn có ứng dụng công nghệ sinh học. Với giao thông thì cần chú ý phát triển các cảng xanh”, ông Chu Hoàng Long, chia sẻ về những ý tưởng phát triển kinh tế - xã hội cho Quảng Nam.

Cũng theo ông Chu Hoàng Long, Quảng Nam có lợi thế rõ ràng trong một số lĩnh vực kinh tế xanh có thể nhấn mạnh thêm, đó là lợi thế về phát triển các ngành kinh tế biển gồm 6 ngành ưu tiên: du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác các tài nguyên khoáng sản biển; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

Nâng tầm du lịch xứ Quảng

Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh - ông Trần Trọng Kiên, chỉ ra rằng hiện nay du lịch Quảng Nam đang phải đối diện với nhiều hạn chế và thách thức như du lịch vẫn tập trung chủ yếu vào khu vực phía Bắc và Hội An, trong khi đó khách vào khu vực phía Nam đầy tiềm năng và đặc biệt phía Tây rất nhiều. Tuy lượng khách nhiều nhưng tỷ lệ lưu trú chưa cao dẫn đến tổng doanh thu của ngành du lịch chưa thực sự tương xứng với tiềm năng.

Cùng với đó, quản lý và ưu tiên bảo vệ môi trường chưa được thực hiện toàn diện dẫn đến hình thành những vùng bị ô nhiễm nặng về chất thải nhựa như Tam Hải, Tam Tiến.

“Ưu tiên đầu tư cho du lịch vẫn chỉ tồn tại trên nghị quyết và rất ít các chính sách cụ thể hỗ trợ đầu tư hạ tầng, hỗ trợ nhà đầu tư chiến lược, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông chủ Tập đoàn Thiên Minh cho rằng hệ thống hạ tầng chưa đồng bộ, đặc biệt là hệ thống kết nối giữa vùng Đông với vùng Tây cũng là lực cản cho ngàn du lịch cất cánh.

Theo đó, ông Trần Trọng Kiên đã đưa ra nhiều kiến nghị trong phát triển du lịch cho tỉnh Quảng Nam như đẩy mạnh tốc độ phát triển hạ tầng giao thông kết nối trục Bắc - Nam, Đông - Tây; nhanh chóng nâng cấp sân bay Chu Lai thành sân bay quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi phát triển hàng không chung tại tỉnh, phát triển các dịch vụ hàng không chung khác như thủy phi cơ, tàu bay cá nhân, nhà chứa máy bay, khinh khí cầu; phát triển nền tảng số và công nghệ của tỉnh, xây dựng hệ thống vé điện tử cho toàn bộ các tuyến điểm tham quan du lịch của tỉnh; xây dựng và đẩy nhanh tiến độ quy hoạch cho các vùng du lịch; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng thiên nhiên, bền vững theo xu thế mới;…

Cũng trong khuôn khổ hội thảo lần này, nhiều ý kiến cho rằng Quảng Nam cần nghiên cứu, phát triển mô hình du lịch nghỉ dưỡng - chăm sóc sức khỏe, để vừa phát huy tiềm năng xây dựng các khu nghỉ dưỡng, kết hợp với khai thác hiệu quả các loại dược liệu, tạo ra sự phát triển gắn kết, đồng bộ giữa 2 vùng Đông - Tây./. 

Các chuyên gia đề xuất nhiều ý kiến tâm huyết để Quảng Nam phát triển trong tương lai

 

Quảng Nam thực sự trở thành điểm đến du lịch đẳng cấp

Theo dự thảo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050: Đến năm 2030, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống; Quảng Nam thực sự trở thành điểm đến du lịch đẳng cấp, có tính cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế. 

- Năm 2025: Quảng Nam đón 6,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế (2,6 triệu có lưu trú) và 5 triệu lượt khách du lịch nội địa (1,25 triệu có lưu trú); tổng thu từ khách du lịch đạt 25.600 tỷ đồng, đóng góp 17.500 tỷ đồng vào GRDP của tỉnh; có tổng số 20.000 buồng lưu trú với 30 - 35% đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao; tạo ra 84.000 việc làm trong đó có 28.000 lao động trực tiếp.

- Năm 2030: Quảng Nam đón 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế (4,4 triệu có lưu trú) và 8 triệu lượt khách du lịch nội địa (2,3 triệu có lưu trú); tổng thu từ khách du lịch đạt 48.700 tỷ đồng, đóng góp 32.500 tỷ đồng vào GRDP của tỉnh; có tổng số 30.000 buồng lưu trú với 35 - 40% đạt chuẩn từ 3 đến 5; tạo ra 135.000 việc làm trong đó có 45.000 lao động trực tiếp.

- Năm 2050: Quảng Nam đón 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 20 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 228.000 tỷ đồng, đóng góp 140.000 tỷ đồng vào GRDP của tỉnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top