Aa

Quảng Nam: “Đổi số” sau 25 năm tái lập tỉnh

Thứ Năm, 03/02/2022 - 06:17

Năm 2022, Quảng Nam kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh (1/1/1997 - 1/1/2022). Là một tỉnh nghèo sau chia tách, Quảng Nam đã chuyển mình và phát triển mạnh mẽ.

Trao đổi với Reatimes, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, năm 2022, Chính phủ giao cho Quảng Nam tăng phần trăm điều tiết nguồn thu ngân sách về Trung ương từ 10%/năm lên 14%/năm; từ tỉnh đứng thứ 14 trong cả nước có nguồn thu ngân sách điều tiết về Trung ương, Quảng Nam sẽ “đổi số” phấn đấu đứng thứ 11 kể từ năm 2022.

“Trong 2 năm qua, tranh thủ lúc khó khăn do dịch bệnh, tỉnh Quảng Nam đã tập trung rà soát, đánh giá lại thực trạng bức tranh đầu tư của tỉnh trên cơ sở làm rõ những khó khăn, thách thức cùng với thời cơ, thuận lợi để tập trung cho công tác lập, điều chỉnh quy hoạch, cơ cấu lại đầu tư theo từng ngành, lĩnh vực, vùng miền với nguyên tắc phát triển thích ứng, bền vững, không gây tổn hại đến môi trường sinh thái, tự nhiên, văn hoá và phải có hiệu quả cao”, ông Lê Trí Thanh bày tỏ.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.

“Đây là áp lực rất lớn cho Quảng Nam, song cũng là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam”, ông Lê Trí Thanh chia sẻ thêm. Để hoàn thành mục tiêu trên, Quảng Nam sẽ cơ cấu lại nền kinh tế, điều chỉnh, xây dựng hàng loạt chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, đầu tư đô thị, nhà ở… 

Hoạt động của doanh nghiệp ở Khu kinh tế mở Chu Lai. 

Quy hoạch đi trước 

Theo ông Lê Trí Thanh, Quảng Nam xác định năm 2022 thực hiện tốt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời rà soát lại các quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000, quy hoạch chi tiết 1/500 để khớp nối, làm căn cứ tổ chức thực hiện đầu tư đồng bộ về kết cấu hạ tầng, làm gia tăng giá trị đất đai, kích thích phát triển các loại hình sản xuất.  

Đối với vùng Đông, tập trung hoàn thiện Quy hoạch vùng liên huyện phía Đông, quy hoạch vùng huyện; quy hoạch chung đô thị theo kế hoạch nâng loại của tỉnh, đảm bảo tính kết nối, lan tỏa phát triển như Tam Kỳ, Điện Bàn, Hội An, Núi Thành; gắn với các đô thị hình thành mới ven biển: Đô thị Bình Minh, Đô thị Duy Hải - Duy Nghĩa kết nối với Khu kinh tế mở Chu Lai, dần hình thành chuỗi đô thị động lực vùng Đông tỉnh Quảng Nam. Đồng thời tập trung nâng cao chất lượng đô thị đối với các đô thị phía Tây của tỉnh; chú trọng giải pháp kết nối hạ tầng giữa đô thị vùng Tây và vùng Đông, giữa đô thị và nông thôn.

Quảng Nam đặt mục tiêu phát triển đồng bộ tại vùng Đông. 

Đặc biệt, Quảng Nam sẽ rà soát, lập các quy hoạch bảo vệ cảnh quan tự nhiên ven sông, ven biển như: Cảnh quan sông Thu Bồn, sông Trường Giang, sông Cổ Cò, sông Tam Kỳ và dọc tuyến Võ Chí Công gắn với không gian ven biển. Quy hoạch cảnh quan kiến trúc mỗi dòng sông theo một chủ đề riêng biệt, độc đáo. Đồng thời có định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng khung vùng (giao thông, cấp nước sạch, cấp điện…) trong đó tập trung nghiên cứu các giải pháp tổng thể về thoát lũ cho các đô thị, khu chức năng vùng hạ lưu.

Tại vùng trung du, miền núi, Quảng Nam phân chia khu vực, trong đó phía Bắc gồm các huyện: Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang. Định hướng phát triển chủ yếu của vùng là phát triển vùng nguyên liệu, dược liệu và cây công nghiệp: Ưu tiên phát triển ba kích, đảng sâm, cây ăn quả, rừng gỗ lớn, tận dụng các lợi thế về đất đai phát triển chăn nuôi tập trung, năng lượng, khai thác phát triển du lịch sinh thái kết hợp du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và phát triển đô thị ở các trung tâm huyện lỵ miền núi.
Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang với vị trí mới là cửa ngõ giao thương quốc tế và gắn với yêu cầu phát triển logistics, đồng thời kết hợp với phát triển các đô thị hạt nhân là Prao, Thạnh Mỹ và A Tiêng (Tơ Viêng). 

Vùng trung du (Nông Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước) là vùng chuyển tiếp, kết nối liên vùng và nội vùng thông qua các tuyến giao thông quốc lộ: Đường Hồ Chí Minh, QL 14E, QL 40B, Đông Trường Sơn và các tuyến giao thông tỉnh lộ ĐT 611, ĐT 614, ĐT 615... Định hướng phát triển chủ yếu của vùng là cụm công nghiệp, dịch vụ, du lịch sinh thái và phát triển các vùng nguyên liệu gỗ lớn, cây ăn quả, kinh tế vườn, kinh tế trang trại... Các đô thị trung tâm làm động lực phát triển cho toàn khu vực là Tiên Kỳ, Tân An, Trung Phước. 

Vùng miền núi (phía Nam, gồm các huyện: Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My) là cửa ngõ giao thương với Tây Nguyên, thông qua các tuyến quốc lộ: 40B, 14E, 24C và tuyến đường huyết mạch Hồ Chí Minh. Định hướng phát triển chủ yếu của vùng là nông, lâm nghiệp - thương mại, dịch vụ gắn với phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn, dược liệu, sâm Ngọc linh, quế Trà My và phát triển du lịch vùng sâm. Trong vùng xác định 3 đô thị trung tâm là Khâm Đức, Trà My, Tắc Pỏr làm hạt nhân và động lực phát triển cho toàn khu vực.

Tiềm năng phát triển đô thị - KCN ở Quảng Nam còn rất lớn.

Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp

“Quảng Nam luôn tạo điều kiện tối đa và hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư đến làm ăn, kinh doanh tại Quảng Nam”, người đứng đầu UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh và cho rằng: “Trong giai đoạn phát triển mới, đối với các nhà đầu tư phát triển hạ tầng, đô thị, tỉnh Quảng Nam xác định ưu tiên thu hút các tập đoàn lớn, đầu tư hàng trăm, hàng ngàn héc ta; hình thành các khu đô thị tầm cỡ, đồng bộ hạ tầng…”.

Tỉnh Quảng Nam xác định vùng Đông sẽ thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp với những ngành nghề tiên tiến, đóng góp ngân sách nhiều, hiệu quả cao trên một đơn vị diện tích sử dụng đất; các ngành khai thác, chế biến khoáng sản có công nghệ chế biến sâu, không làm tổn hại môi trường.
Ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ logistics tiến đến hình thành Trung tâm logistics tại Chu Lai, trong đó dịch vụ vận tải biển là trọng yếu. Thu hút các dự án khu đô thị với quy mô lớn, với nhiều khu chức năng, tạo thành Trung tâm đô thị ven biển, ven sông.

Tại vùng núi phía Tây, thu hút doanh nghiệp đầu tư các khu du lịch sinh thái lớn tại khu vực miền núi để làm nòng cốt, thúc đẩy liên kết phát triển du lịch cộng đồng, tạo công ăn việc làm cho nhân dân. Thu hút, phát triển dược liệu thành ngành kinh tế trọng điểm của Quảng Nam, với các sản phẩm: Thuốc, thực phẩm chức năng, thực phẩm tiêu dùng, hoá mỹ phẩm thiên nhiên, xây dựng thành vùng nguyên liệu dược liệu dưới tán rừng, vườn quốc gia về dược liệu, trong đó sâm Ngọc Linh đóng vai trò chủ đạo cùng với phát triển các loài dược liệu bản địa hoặc di thực từ nơi khác về. 

Đặc biệt, Quảng Nam khuyến khích các doanh nghiệp may mặc tại các khu công nghiệp mở các xưởng may vệ tinh ở các thị trấn, các khu trung tâm của các huyện miền núi để sử dụng nguồn lao động tại chỗ. Nhân rộng mô hình phát triển kinh tế trang trại, kinh tế vườn theo hướng hữu cơ truyền thống để tạo ra những sản phẩm đặc trưng phù hợp với nhu cầu thị trường.

Nâng cấp đô thị, hạ tầng giao thông 

Trong năm 2022, Quảng Nam sẽ tập trung rà soát, bổ sung, xây dựng chính sách của tỉnh nhằm đẩy mạnh hơn nữa chương trình phát triển nhà ở; huy động nguồn vốn phát triển hạ tầng đô thị, phát triển các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội. Đồng thời, đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội làm cơ sở để thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy đô thị phát triển; kết hợp đầu tư hạ tầng giao thông với khai thác tiềm năng quỹ đất để phát triển nhà ở.

Phát triển nhà ở đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh. Hoàn thiện các dự án nhà ở đang triển khai thực hiện, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhà ở đang thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư để lựa chọn nhà đầu tư. Đẩy mạnh việc phát triển nhà ở theo dự án tại khu vực đô thị nhằm tạo ra các khu nhà ở có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phù hợp với quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất được duyệt. Phát triển nhà ở khu vực nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đô thị Hội An. 

“Quảng Nam sẽ nghiên cứu từng dự án một, hạn chế tối đa tình trạng giải tỏa trắng. Ưu tiên giữ lại, chỉnh trang những khu dân cư đông đúc để giữ gìn, bảo tồn văn hóa, sinh hoạt cộng đồng”, ông Lê Trí Thanh chia sẻ về quan điểm đầu tư, xây dựng các khu đô thị, hạn chế di dời, giải tỏa người dân trong khu vực dự án.

Đến năm 2025, Quảng Nam sẽ phấn đấu xây dựng thành phố tỉnh lỵ Tam Kỳ cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại I, từng bước xây dựng đô thị sinh thái, đô thị thông minh và đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2030. Phấn đấu nâng tỷ lệ đô thị hóa lên 37% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030, đi đôi với nâng cao chất lượng và phát triển du lịch, dịch vụ, nâng cao đời sống nhân dân.
Phát triển đô thị Hội An thành đô thị đặc thù tương đương tiêu chí đô thị loại II; Điện Bàn thành đô thị loại III, hướng đến là thành phố trực thuộc tỉnh giai đoạn 2025 - 2030; xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại IV cho Ái Nghĩa.

Cùng với đó hình thành 3 đô thị mới đạt chuẩn loại V (Duy Hải - Duy Nghĩa, Bình Minh và Bình Hải) và từng bước kết nối hình thành chuỗi đô thị Nam Hội An đạt các tiêu chí đô thị loại IV theo hướng đô thị du lịch, dịch vụ cấp vùng.
Quảng Nam cũng xác định xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại IV cho Nam Phước, Hà Lam, Đông Phú; xây dựng huyện Duy Xuyên hướng đến là thị xã vào năm 2030. Cùng với đó là hình thành chuỗi đô thị phía Nam, gồm: Phú Ninh, Tam Kỳ, Núi Thành, lấy Tam Kỳ làm trung tâm, định hướng xây dựng đô thị loại I trực thuộc tỉnh. 

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, khảo sát để lập quy hoạch, nạo vét sông Trường Giang.

Về phía Tây, tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các tiêu chí đối với các đô thị loại V (trung tâm hành chính của huyện). Từng bước đầu tư, hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại IV cho các đô thị: Thạnh Mỹ, Khâm Đức, Trà My, Prao trở thành đô thị trung tâm của vùng, tạo động lực phát triển lan tỏa, kết nối với khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang và các cơ sở kinh tế - kỹ thuật trong vùng. Hoàn thành thủ tục để công nhận đô thị loại V cho Việt An (Hiệp Đức), hình thành cấp hành chính là thị trấn cho các đô thị: ATiêng (Tây Giang), Trung Phước (Nông Sơn), Tắc Pỏr (Nam Trà My)…

Theo ông Lê Trí Thanh, trong 5 năm tới, tỉnh phấn đấu huy động hơn 220.000 tỷ đồng đầu tư toàn xã hội (vốn đầu tư ngoài nhà nước khoảng 80%, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước khoảng 20%). Quảng Nam kêu gọi đầu tư, nâng cao năng lực vận tải, tháo gỡ các điểm nghẽn giao thông, xây dựng hạ tầng năng lượng điện, công trình hạ tầng thiết yếu, từng bước hoàn thiện cơ bản hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, khu kinh tế nhằm đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư.

Trong thời gian tới, Quảng Nam xác định tập trung triển khai các dự án nạo vét sông Cổ Cò, Trường Giang; xây dựng các công trình cầu vượt sông, cầu vượt đường sắt, cầu vượt quốc lộ 1. Đồng thời phát triển hệ thống cảng biển và sân bay Chu Lai, hạ tầng các khu công nghiệp gắn với nhóm dự án về dịch vụ vận tải, hậu cần cảng và logistics nhằm thu hút các dự án quy mô lớn, trọng điểm, chiến lược để thúc đẩy phát triển, phù hợp với định hướng phát triển không gian xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai thời gian tới…

Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng đầu tư phát triển đồng bộ về hạ tầng xã hội (văn hóa, giáo dục, y tế...), trường học, bệnh viện chất lượng cao để phục vụ nhu cầu của nhân dân; hoàn thành sắp xếp dân cư bền vững khu vực miền núi, ổn định phát triển sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, Quảng Nam chú trọng cải cách hành chính, phân cấp, uỷ quyền mạnh mẽ đi đôi với ban hành các quy định mới về trình tự, thủ tục đầu tư bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng. 

“Bên cạnh rà soát, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư gặp khó khăn kéo dài, chấn chỉnh các dự án đầu tư chậm trễ, biến tướng, tỉnh sẽ thay đổi quan điểm về xúc tiến đầu tư theo hướng ưu tiên thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, có tính lan tỏa, dẫn dắt, do các nhà đầu tư có thương hiệu thực hiện, để tạo động lực phát triển mạnh mẽ, chất lượng thay vì số lượng”, ông Lê Trí Thanh khẳng định và cho biết, tỉnh cũng triển khai các dự án đầu tư công để tạo điều kiện và động lực thu hút đầu tư từ xã hội.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top