Aa

Hôm nay, chính thức trình Quốc hội dự án điện hạt nhân Ninh Thuận: Dự kiến tháng 5 sẽ lựa chọn nhà thầu

Thứ Sáu, 14/02/2025 - 09:22

Trước đó, dự án từng được Chính phủ trình Quốc hội vào cuối năm 2009 với tổng mức đầu tư dự kiến 200.000 tỷ đồng và công suất 4.000MW.

Sáng nay ngày 14/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa ủy quyền Thủ tướng đã trình Quốc hội đề xuất về cơ chế, chính sách đặc thù nhằm đầu tư và xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Theo tờ trình gửi Thường vụ Quốc hội cách đây 4 ngày, Chính phủ đề xuất trao quyền cho Thủ tướng trong việc chỉ định chủ đầu tư dự án.

Đồng thời, quá trình đàm phán với đối tác để ký kết Hiệp định liên Chính phủ về hợp tác và tín dụng Nhà nước tài trợ xây dựng nhà máy điện hạt nhân sẽ được tiến hành song song với việc thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án.

Dự kiến vào kỳ họp tháng 5/2025, nếu Quốc hội thông qua chủ trương, Chính phủ sẽ được phép lựa chọn nhà thầu theo hình thức hợp đồng "chìa khóa trao tay".

Theo đó, nhà thầu không chỉ đảm nhận việc thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ, thi công xây dựng mà còn chịu trách nhiệm lập dự án đầu tư. Hợp đồng này cũng bao gồm điều khoản bảo hiểm vật tư, thiết bị và cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho lần nạp đầu tiên.

Ảnh minh họa

Nhà máy điện hạt nhân - Ảnh minh họa

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, việc áp dụng hợp đồng "chìa khóa trao tay" là cần thiết để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Tuy nhiên, cơ chế này có thể hạn chế tính cạnh tranh, làm gia tăng nguy cơ lợi ích nhóm và thiếu minh bạch trong quá trình lựa chọn nhà thầu.

Để giảm thiểu rủi ro, Ủy ban kiến nghị Chính phủ bổ sung quy trình giám sát chặt chẽ, công khai danh sách và tiêu chí lựa chọn nhà thầu. Đồng thời, cần có chế tài nghiêm khắc đối với những sai phạm nếu phát hiện tiêu cực trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Việt Nam đang tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận với kế hoạch vận hành vào năm 2030 nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, nhà máy Ninh Thuận 1 dự kiến đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, còn Ninh Thuận 2 nằm tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Dự án từng được Chính phủ trình Quốc hội vào cuối năm 2009 với tổng mức đầu tư dự kiến 200.000 tỷ đồng và công suất 4.000MW. Tuy nhiên, sau bảy năm chuẩn bị, tháng 11/2016, Quốc hội quyết định dừng dự án.

Chính phủ khi đó khẳng định việc dừng lại không phải do vấn đề công nghệ hay an toàn mà vì bối cảnh kinh tế vĩ mô thay đổi. Việt Nam cần nguồn vốn lớn cho các dự án trọng điểm khác, trong khi lo ngại nợ công sẽ vượt trần nếu tiếp tục triển khai điện hạt nhân.

Việc dừng dự án đã kéo theo nhiều hệ lụy, như yêu cầu bồi thường hợp đồng quốc tế, lãng phí nguồn nhân lực đã được đào tạo, cũng như các vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng và chi phí cơ hội.

Trước đó, tại thảo luận về dự án Luật Tổ chức Quốc hội chiều 12/2, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ nhấn mạnh rằng, điện hạt nhân Ninh Thuận từng là một trong những dự án trọng điểm mà Quốc hội không đồng tình thông qua.

Ông đặt câu hỏi liệu nguyên nhân đến từ chủ trương chưa phù hợp hay do Chính phủ chưa chuẩn bị kỹ lưỡng.

Làm rõ vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trước đây Trung ương đã bàn bạc kỹ và Quốc hội thống nhất thông qua chủ trương triển khai. Tuy nhiên, sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) và việc Chính phủ Đức tuyên bố từ bỏ điện hạt nhân, Việt Nam buộc phải cân nhắc lại. Khi đó, chi phí đầu tư quá cao cũng là một yếu tố khiến dự án bị dừng.

Ông Định nhấn mạnh rằng quyết định dừng dự án không đồng nghĩa với việc Quốc hội "bác bỏ". Thực tế, Chính phủ và Trung ương khi ấy đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho nhân lực được đào tạo, các doanh nghiệp và người dân Ninh Thuận, đồng thời đẩy mạnh điện gió, điện mặt trời. Tuy nhiên, những giải pháp này chưa thể bù đắp hoàn toàn những tổn thất do việc dừng dự án gây ra.

Hiện nay, trong bối cảnh thế giới khẳng định điện hạt nhân là nguồn năng lượng sạch, an toàn và cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, Trung ương và Quốc hội đã bàn bạc kỹ lưỡng và thống nhất cao về việc tái khởi động dự án.

Ở lần tái khởi động này, Chính phủ dự kiến tận dụng tối đa những kết quả đã đạt được từ quá trình chuẩn bị trước đây, đồng thời thành lập cơ quan chuyên trách quản lý Nhà nước về điện hạt nhân.

Theo các chuyên gia, điện hạt nhân phát thải rất ít, chỉ khoảng 6gram CO2/kWh, thấp hơn đáng kể so với mức trên 1.000gram của điện than. Điều này giúp Việt Nam thực hiện cam kết giảm phát thải, đồng thời đảm bảo nguồn điện ổn định phục vụ tăng trưởng kinh tế.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top